Singapore và Đài Loan là minh chứng cho việc trước một kẻ thù khó nắm bắt như virus corona, chính quyền không thể dùng mãi một chiến lược.
Sau hơn 18 tháng chống dịch, Singapore thừa nhận virus corona có thể sẽ không bao giờ bị tiêu diệt hoàn toàn. Trên tiền đề ấy, chính phủ đảo quốc sư tử là một trong số ít quốc gia tiên phong trong việc vạch ra lối đi mới: Hướng tới coi Covid-19 như cúm mùa.
Tương tự, Đài Loan gần đây gặp thách thức lớn khi Covid-19 bất ngờ bùng phát tại nơi từng được coi là kiểu mẫu chống dịch. Thoạt đầu, một số hãng truyền thông phương Tây cho rằng hình mẫu chống dịch kiểu cũ của Đài Loan đã thất bại.
Nhưng chỉ 2 tháng sau, dịch trên hòn đảo về cơ bản được kiểm soát, trong lúc nhiều khu vực trên thế giới vẫn đang loay hoay tìm đường ra khỏi cuộc khủng hoảng virus corona.
Singapore: Chiến lược sống chung với ‘lũ’, coi Covid-19 bình thường như cúm mùa
“Chúng ta không thể tiêu diệt Covid-19, nhưng chúng ta có thể biến đại dịch trở thành căn bệnh không còn đáng sợ, như bệnh cúm mùa, tay chân miệng, hoặc thủy đậu, để tiếp tục cuộc sống của mình”, thông báo của Lực lượng Chuyên trách Liên bộ (MMF) ứng phó Covid-19 của Singapore hồi cuối tháng 6 cho biết, theo Strait Times.
Với những dòng ấy, chính phủ Singapore đã vén màn lộ trình để nước này hướng tới viễn cảnh “bình thường mới”. Theo đó, khi đại đa số người dân đã được vaccine bảo vệ trước Covid-19, Singapore sẽ tập trung vào số người bệnh nặng hoặc cần được hồi sức tích cực, thay vì cố giảm số ca mắc mới xuống còn 0.
Cho đến ngày 29/7, quốc gia này có tổng cộng 64.722 ca mắc Covid-19 nhưng phần lớn là không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, số ca phải nhập viện rất ít, và chỉ có 37 ca tử vong kể từ đầu dịch.
Từ sau ngày 26/6, năng lực tiêm chủng của Singapore tăng gần gấp đôi, từ 47.000 liều/ngày tới 80.000 liều/ngày, theo Strait Times.
Tính tới ngày 27/7, 56% người dân ở đây đã được chích ngừa Covid-19 đầy đủ. Nếu có thể giữ được đà, chương trình tiêm chủng của Singapore có thể hoàn thành mục tiêu chích ngừa 67% dân chúng trước Quốc khánh ngày 9/8.
28 ngày qua, số bệnh nhân Covid-19 cần thở máy có xu hướng tăng, với mức cao nhất là 21 người trong ngày 28/7. Nhưng trong 21 người ấy, chỉ một người đã tiêm chủng đầy đủ, 6 người tiêm một liều. Số người chưa tiêm chủng cần thở máy là 14, gấp đôi tổng 2 nhóm còn lại.
Cùng khoảng thời gian này, số bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực đại đa số là người chưa tiêm chủng, với số ít người tiêm một liều. Không người đã tiêm chủng đầy đủ nào cần vào ICU. Đây là bằng chứng cho thấy vaccine giúp ngăn ngừa bệnh nhân Covid-19 trở nặng.
Gần đây, Singapore xuất hiện một số ổ dịch cộng đồng lớn liên quan tới 1 cảng cá và các phòng karaoke. Đến ngày 22/7, số ca mắc liên quan tới 2 ổ dịch này đã lên đến hơn 750 ca, theo Strait Times. Chính phủ Singapore lập tức tung một loạt biện pháp siết giãn cách để phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Theo quy định giãn cách mới, trong các ngày 22/7-18/8, Singapore sẽ quay trở lại Giai đoạn 2 (cảnh giác nâng cao). Mọi nhà hàng và cơ sở ăn uống chỉ được bán đồ mang đi. Người đến các chợ truyền thống và khu ẩm thực đường phố buộc phải khai báo qua ứng dụng truy vết.
Ngoài ra, số người tối đa trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng được giảm từ 5 xuống còn 2. Mỗi hộ gia đình cũng chỉ được đón tối đa 2 khách/ngày.
Các hoạt động trong nhà không đeo khẩu trang cũng bị tạm dừng, như trang điểm hoặc tập luyện tại phòng gym. Quy mô các sự kiện được giảm từ 250 xuống 100 người, nếu người tham gia xét nghiệm trước.
Tình hình dịch ở các nước láng giềng cũng được Singapore theo dõi sát để có biện pháp thích hợp.
Khi số ca mắc mới trong ngày tại Indonesia vượt quá 30.000 ca trong tuần đầu tháng 7, Singapore lập tức giảm phê duyệt nhập cảnh với người tới từ Indonesia mà không phải công dân hoặc người thường trú trên đảo quốc sư tử.
Tương tự, từ ngày 15/7, Singapore ra lệnh cấm nhập cảnh hoặc quá cảnh đối với người từng đi qua Myanmar trong 21 ngày trở lại. Ngày 15/7 cũng là ngày Myanmar ghi nhận hơn 4.500 ca mắc mới Covid-19 trung bình mỗi ngày trong một tuần qua.
Có thể thấy, để đạt được mục tiêu lớn hơn và đảm bảo sức khoẻ cho người dân, Singapore vẫn chấp nhận những bước lùi trong chiến lược của mình. Đây là việc làm cần thiết để có thể tiến bước trên con đường hướng đến sống chung với Covid-19, nhà chức trách đảo quốc sư tử ngày 20/7 nhấn mạnh, theo Strait Times.
“Đây không phải thời điểm để rủi ro hết thảy. Chúng ta cần chịu đựng, giảm thiểu hoạt động xã hội, và dùng thời gian này để thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng”, ông Ong nói.
Trước diễn biến mới của dịch, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 20/7 cho rằng về tổng thể, Singapore vẫn đang có “tiến triển rất tốt”.
“75% chúng ta đã được tiêm ít nhất 1 liều, trong khi một nửa đã tiêm đầy đủ… Trong 4 tuần, nếu mọi chuyện ổn thỏa, tỷ lệ tiêm chủng sẽ cao hơn nhiều và chúng ta sẽ có thể nới lỏng giãn cách. Chúng ta chưa đạt đến bình thường mới, nhưng đang bước những bước vững chãi đến đích”, Thủ tướng Lý Hiển Long viết.
Đài Loan: Hành động nhanh chóng để dập dịch trong 2 tháng
Chỉ vài ngày sau khi nghe tin căn bệnh bí ẩn ở Vũ Hán, Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 1/2/2020 đã bắt đầu sàng lọc người tới từ Trung Quốc đại lục và siết chặt kiểm soát biên giới. Khi ấy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thậm chí chưa xác nhận virus bí ẩn lây nhiễm từ người sang người.
Khẩu trang được phân phát cho người dân và trở thành vật bắt buộc trên phương tiện giao thông công cộng. Trong lúc đó, cảnh sát giám sát chặt người nhập cảnh để đảm bảo họ tuân thủ quy định cách ly. Công tác truy vết cũng được thực hiện quyết liệt thông qua ứng dụng công nghệ.
Nhờ hành động nhanh chóng, đảo Đài Loan trong suốt năm 2020 được coi là một trong những câu chuyện chống dịch thành công nhất thế giới, với thành tích 253 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, từ tháng 4/2020 tới tháng 12/2020, theo CBS News.
Nhưng sau gần 18 tháng, Covid-19 cuối cùng cũng xuyên thủng hàng phòng ngự của hòn đảo. Ngày 17/5, Đài Loan lần đầu ghi nhận hơn 100 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ kể từ khi đại dịch bùng phát.
Nguyên nhân chính đằng sau đợt bùng dịch này là do tâm lý lơ là cảnh giác của cả người dân và giới lãnh đạo trên đảo. Tâm lý này được phần nào thể hiện qua việc giảm thời gian cách ly đối với phi công chưa được tiêm chủng từ 14 ngày xuống còn lần lượt 5 và 3 ngày.
Từ cụm dịch phi công, dịch lây lan vào cộng đồng và len lỏi vào các phòng trà ở quận đèn đỏ Vạn Hoa, Đài Bắc. Việc truy vết gặp nhiều khó khăn vì nhiều người xét nghiệm dương tính không muốn tiết lộ từng tới cơ sở giải trí người lớn.
Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Đài Loan lập đỉnh với 597 trường hợp được ghi nhận vào ngày 28/5, theo số liệu từ Our World in Data.
Một nguyên nhân khác khiến Covid-19 tăng nhanh là tỷ lệ tiêm chủng của đảo Đài Loan còn thấp.
Trước đợt dịch vào tháng 5, chưa đầy 2% người dân trên đảo đã tiêm chủng, một phần là do họ không thấy điều này là cần thiết khi số ca mắc gần như bằng 0. Thông tin về tác dụng phụ hiếm hoi của vaccine ngừa Covid-19 cũng đóng góp vào tâm lý do dự tiêm chủng.
Nhà chức trách Đài Loan cũng chờ tới khi vaccine được các nơi khác phê duyệt rồi mới tìm cách mua. Như vậy, trước đợt dịch vào tháng 5, cả cung và cầu vaccine trên hòn đảo đều thấp.
Nhưng với kinh nghiệm đối phó đại dịch SARS, Đài Loan mau chóng có các biện pháp chống dịch như đẩy nhanh xét nghiệm, tiêm chủng, và siết chặt quy định giãn cách.
Cơ quan chức năng trên đảo đã phê duyệt 5 bộ xét nghiệm Covid-19 tại nhà để người dân có thể mua từ các hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi. Việc triển khai thêm các bộ xét nghiệm tại nhà nói trên được cho là giúp đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trong cộng đồng.
Nhà chức trách cũng ban hành lệnh hạn chế đi lại và giới hạn quy mô tụ tập. Biên giới được đóng cửa với khách quốc tế, trừ công dân hồi hương và người nước ngoài lưu trú dài hạn. Người được phép nhập cảnh cũng phải trải qua 14 ngày cách ly và 3 lần xét nghiệm âm tính, theo Taiwan News.
Đài Loan cũng không điều trị tập trung bắt buộc với người dương tính Covid-19. Những người không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được hướng dẫn tự cách ly ở nhà do số buồng cách ly tại 2 thành phố Đài Bắc và Tân Bắc có hạn.
Đồng thời, nhà chức trách đẩy nhanh tiêm chủng ngừa Covid-19 nhờ nguồn cung do tự mua hoặc được viện trợ. Đến ngày 20/7, 23,18% người dân trên đảo đã được tiêm liều đầu. Ngày 21/7, hòn đảo này cũng phê duyệt khẩn cấp ứng viên vaccine tự sản xuất.
Nhưng có lẽ vũ khí chống dịch hiệu quả nhất của đảo Đài Loan là người dân. Trong đợt dịch tháng 5, những con phố thường ngày đông đúc trở nên vắng vẻ vì phần lớn người dân chịu ở nhà. Nhiều nhà hàng tự nguyện đóng cửa hoặc chỉ bán mang về.
Tiến sĩ Ho Mei-shang, viện sĩ nghiên cứu của Viện Khoa học Y sinh thuộc Viện Nghiên cứu Trung tâm Đài Loan, cho biết người dân mau chóng thích ứng với các giới hạn chống dịch, theo New York Times.
Trong một lần chạy bộ lúc 22h, bà Ho quan sát thấy kể cả vào thời điểm đó, mọi người ra ngoài tập thể dục vẫn đeo khẩu trang.
“Đó là hiện tượng thật sự khiến Đài Loan trở nên khác biệt”, tiến sĩ Ho nói.
Sau 2 tháng chống dịch, đến ngày 21/7, tỷ lệ xét nghiệm dương tính Covid-19 trên đảo đã giảm từ đỉnh 5,2% xuống chỉ còn 0,06%. 27 ngày đã trôi qua với số ca mắc dưới mức 100 ca. Một số giới hạn chống dịch đã được nới lỏng.