Đức được thế giới ca ngợi với những xử lý ban đầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Với chiến lược xét nghiệm trên diện rộng, và phản ứng nhanh chóng với các đợt bùng phát mới, nền kinh tế đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) đã kiểm soát tốt sự lây lan. Dù số ca mắc Covid-19 ở Đức khá cao, tỷ lệ tử vong ở quốc gia này rất thấp.
Tuy nhiên, Berlin lại tỏ ra lúng túng khi triển khai chiến dịch tiêm chủng, CNN cho biết. Bác sĩ Sibylle Katzenstein ở Berlin đã thực tập hàng nghìn lần để có thể tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất có thể, nhưng đến nay cô vẫn chưa nhận được liều vaccine nào.
Vị bác sĩ đa khoa nói rằng cô không biết làm thế nào để tiêm chủng cho những bệnh nhân của mình, sau nhiều lần vận động tiêm chủng và liên tục bị từ chối.
“Tôi rất bận tâm và không biết phải hỏi ai”, bác sĩ Katzenstein nói. Nữ bác sĩ nói lên mối lo ngại của nhiều người - rằng việc tiêm chủng ở Đức là một cơn ác mộng vì sự trì trệ, với những hậu quả chết người.
Những kế hoạch sai lầm
Đức bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho người dân từ tháng 12/2020, nhưng đến nay, quốc gia này mới chỉ tiêm chủng được cho 6% dân số, với khoảng 5 triệu liều và 3 triệu liều nhắc.
Thủ tướng Đức Merkel muốn xây dựng kế hoạch mua vaccine cho toàn EU, nhưng không thực sự thành công. Ảnh: Getty. |
Vấn đề của Đức là chỉ tiêm vaccine tại các trung tâm cụ thể, chứ không phải tại phòng khám của bác sĩ. Trong khi đó ở Anh, các bác sĩ tiêm vaccine cho người dân tại phòng khám của họ, nơi hơn 30% dân số đã được tiêm chủng.
Thủ tướng Angela Merkel đã thừa nhận thất bại trong tốc độ triển khai tiêm chủng. Hôm 3/3, bà Merkel nói rằng các phòng khám có thể tiêm chủng cho bệnh nhân từ cuối tháng 3.
Bác sĩ Katzenstein lưu ý rằng Đức có hơn 50.000 phòng khám tư nhân, nơi bệnh nhân có thể đến gặp bác sĩ của họ rất dễ dàng.
Trong khi đó, quy trình đặt lịch tiêm chủng tại các trung tâm vaccine rất phức tạp. Mỗi bang lại có quy trình khác nhau, khiến người dân gặp khó khăn, và mất nhiều thời gian.
Khi các loại vaccine đã sẵn sàng cho kế hoạch tiêm chủng, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu (EU) nên tập trung vào việc mua vaccine như một khối, thay vì Đức và các quốc gia khác tự làm riêng lẻ. Tuy vậy, kế hoạch của bà Merkel không nhận được sự đồng thuận của nhiều quốc gia, và bị chậm lại bởi nhiều yếu tố.
Julian Reichelt, biên tập viên tờ báo Bild bán chạy nhất nước Đức nói với CNN: “Đức là tác giả của sự thất bại ở châu Âu, vì Đức và bà Merkel đứng sau đang thúc đẩy tiến trình châu Âu vốn đã thất bại ngay từ đầu”.
Karl Lauterbach, chuyên gia y tế của đảng Dân chủ Xã hội Đức, cho rằng EU đã không thực sự nghiêm túc, không hành động kịp thời, và không mua đủ số lượng vaccine cần thiết. EU cũng chậm hơn Anh và một số quốc gia khác trong việc cấp phép cho vaccine của AstraZeneca, khiến việc mua sắm gặp khó khăn.
Chuyên gia y tế Lauterbach thừa nhận EU mua vaccine rất chậm. Việc cân nhắc giá cả mất quá nhiều thời gian, và EU quá lạc quan vào tốc độ sản xuất hàng loạt vaccine của nhà sản xuất.
Người dân mất niềm tin
Giới hạn độ tuổi tiêm chủng được xem là một trong những yếu tố khiến chương trình tiêm chủng của Đức thất bại. Quyết định được Ủy ban Tiêm chủng Đức đưa ra ngày 28/1, vì thiếu dữ liệu đầy đủ về hiệu quả của vaccine đối với nhóm người cao tuổi.
73% người dân Đức không hài lòng với kế hoạch triển khai vaccine của chính phủ. Ảnh: Getty. |
Pháp, Tây Ban Nha, Italy và một số quốc gia Bắc Âu cũng áp dụng kế hoạch giới hạn độ tuổi tiêm chủng, khiến người dân mất lòng tin vào hiệu quả của vaccine.
Tiến sĩ Uwe Janssens, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa chuyên sâu của Đức, cho biết quyết định cấm sử dụng vaccine cho người cao tuổi thực sự là "một sai lầm, vì nó khiến người Đức mất niềm tin vào vaccine".
Tobias Kurth, giáo sư y tế cộng đồng, giám đốc Viện Y tế Công cộng, bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, mô tả quyết định ban đầu của Ủy ban Tiêm chủng Đức là “một thảm họa truyền thông”.
Một ngày sau khi Đức áp dụng kế hoạch giới hạn độ tuổi tiêm chủng với vaccine AstraZeneca, Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã phê duyệt vaccine này cho người trên 18 tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua vaccine ngày 8/2.
“Cuối cùng thì họ cũng sửa sai những khuyến nghị trước đó, nhưng thảm họa đã xảy ra rồi”, giáo sư Kurth nói.