Bất đồng tiếp tục leo thang khi nhà chức trách Italy đã chặn xuất khẩu 250.000 liều vaccine Oxford/AstraZeneca sang Australia. Đây là động thái can thiệp đầu tiên từ một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Italy yêu cầu giữ lại số vaccine này trong khu vực và đã nhận được sự ủng hộ từ Ủy ban châu Âu (EC).
Bước đi của Italy làm gia tăng lo ngại EU đang ngả dần sang cách tiếp cận chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đối với nguồn cung vaccine. EC đã nhiều lần công khai tuyên bố họ không muốn áp lệnh cấm xuất khẩu lên vaccine Covid-19.
Tranh cãi nổ ra sau khi hãng dược AstraZeneca thông báo họ không thể giao đủ vaccine Covid-19 cho các nước EU trong quý này. AstraZeneca cho biết họ gặp trục trặc tại một trong các cơ sở sản xuất vaccine đặt ở châu Âu.
Vaccine AstraZeneca có ưu thế về bảo quản ở nhiệt độ lạnh thông thường, thay vì nhiệt độ siêu lạnh như vaccine của Pfizer. Ảnh: Reuters. |
Ban đầu, cơ chế cấp phép đặc biệt cho xuất khẩu vaccine từ các nước EU ra thị trường ngoại khối chủ yếu vì lo ngại khả năng vaccine được chuyển sang Anh, vốn đã rời khỏi liên minh từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuần qua lại trấn an lãnh đạo 27 nước thành viên rằng các đơn hàng xuất khẩu vaccine vẫn bị chặn lại nếu nhà cùng cấp không đảm bảo nghĩa vụ hợp đồng với EU.
Hiện AstraZeneca có cơ sở sản xuất vaccine tại Bỉ, Hà Lan, Đức và Italy. Hãng này đồng ý bán 53 triệu liều cho Australia, chuẩn bị chuyển giao trong tháng 3.
Italy chặn xuất khẩu vaccine sang Australia sau khi AstraZeneca tuần qua giao hàng ít hơn kỳ vọng 10-15%. Công ty đã cam kết tôn trọng nghĩa vụ hợp đồng và cung cấp đủ 4,2 triệu liều cho Italy trong quý I/2021.
Kế hoạch chặn xuất khẩu lô vaccine đã được Thủ tướng Mario Draghi thông báo cho EC vào cuối tuần trước và nhận được tín hiệu ủng hộ. Ông cũng lo ngại tình trạng EU không đủ quyết liệt về xuất khẩu vaccine.
Theo Bộ Ngoại giao Italy, Australia không thuộc diện "rủi ro". Việc chặn xuất khẩu dựa trên tình trạng "thiếu vaccine liên tục ở EU và Italy, việc trì hoãn cung cấp vaccine từ AstraZeneca cho EU và Italy" và thực tế là hãng dược đang xuất khẩu vaccine khỏi khối với số lượng rất lớn.