Theo báo cáo khoa học bị rò rỉ của Bộ Y tế Israel và hãng dược Mỹ Pfizer, vaccine Covid-19 của hãng này hợp tác với công ty BioNTech của Đức ngăn chặn được 9/10 ca lây nhiễm SARS-CoV-2. Nhờ đó, Israel có thể đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 3.
Nghiên cứu này dựa trên tình trạng sức khỏe của hàng trăm nghìn người Israel. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech có thể ngăn chặn hiệu quả sự lây truyền của virus SARS-CoV-2.
"Hiệu quả cao của vaccine có thể ngăn chặn đại dịch một cách đáng kể, mang lại hy vọng kiểm soát được Covid-19 khi các chương trình tiêm chủng được triển khai trên khắp thế giới", các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Hiệu quả của vaccine Pfizer tại Israel
Nghiên cứu với quy mô trên toàn Israel này được trang Ynet của Israel đưa tin hôm 18/2, theo MIT Technology Review.
Phát hiện này rất quan trọng vì Israel đang dẫn đầu thế giới trong việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân. Điều này khiến Israel trở thành phòng thí nghiệm trên thực tế để đánh giá liệu vaccine có thể giúp chấm dứt đại dịch này hay không.
Cho đến nay, Israel tiêm chủng cho khoảng 32% dân số bằng vaccine Pfizer-BioNTech. Quốc gia Trung Đông này có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới.
Người dân Israel xếp hàng chờ được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech ở Tel Aviv hôm 9/2. Ảnh: AP. |
Dự thảo báo cáo xác nhận rằng vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech có thể cắt giảm hơn 93% ca bệnh và tử vong do Covid-19. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vaccine này có thể ngăn ngừa hầu hết ca lây nhiễm, bao gồm cả những ca không xuất hiện triệu chứng.
Với dấu hiệu tích cực này, Israel có thể trở thành quốc gia đầu tiên đạt miễn dịch cộng đồng, hoặc đạt được mức độ miễn dịch đủ cao để không cần phong tỏa mà vẫn có thể kiểm soát được đại dịch.
Nghiên cứu này ghi rõ miễn là Israel tiếp tục tiêm chủng nhanh chóng cho mọi người dân và không có biến thể nào xuất hiện làm giảm tính hiệu quả của vaccine, “nước này có thể đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng đối với SARS-CoV-2 vào tháng 3”.
Từ tháng 12/2020, Israel đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho tất cả 6,4 triệu công dân trên 16 tuổi. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cam kết nếu người dân được tiêm chủng đủ, cuộc sống của mọi người có thể trở lại bình thường.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 15/2, ông nói: "Đó sẽ không chỉ là lần phong tỏa cuối cùng, mà chúng ta sẽ hoàn toàn chấm dứt Covid-19. Chúng ta sẽ là quốc gia đầu tiên thoát khỏi đại dịch".
"Phòng thí nghiệm" trên thực tế
Bản báo cáo dài 22 trang được Nadav Eyal, nhà báo nổi tiếng của Israel, tiết lộ trên Twitter hôm 18/2.
Pfizer không xác nhận tính xác thực của tài liệu này.
Các tác giả chính của nghiên cứu là Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng của Bộ Y tế Israel, và Eric Haas, nhà nghiên cứu của bộ này.
Một nam thanh niên Israel được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech ở Tel Aviv hôm 15/2. Ảnh: AP. |
Nghiên cứu nói trên là báo cáo chung đầu tiên giữa Bộ Y tế Israel và Pfizer kể từ đầu năm nay. Khi đó, hai bên đạt được thỏa thuận về việc Israel chia sẻ dữ liệu tiêm chủng cho Pfizer để đổi lấy nguồn cung vaccine ổn định.
Trả lời MIT Technology Review vào đầu tuần này, hãng dược phẩm của Mỹ cho biết đang nghiên cứu “hiệu quả thực tế của vaccine tại một số địa điểm trên toàn thế giới, bao gồm cả Israel”.
Hãng cũng “đặc biệt xem xét dữ liệu thực tế từ Israel để hiểu bất kỳ tác động tiềm ẩn nào của vaccine trong việc bảo vệ người khỏi các biến thể mới xuất hiện của Covid-19".
Giống như vaccine của hãng Moderna, vaccine của Pfizer - BioNTech là loại mRNA được phép sử dụng ở Mỹ và châu Âu. Một liều vaccine này bao gồm hai mũi.
Những phát hiện được chỉ ra trong nghiên cứu nói trên giống với các báo cáo độc lập từ hai tổ chức y tế lớn của Israel là Maccabi Healthcare Services và Clalit Health Services.
Vào ngày 14/2, Ran Balicer - giám đốc sáng tạo và nghiên cứu tại Clalit, hệ thống chăm sóc sức khỏe lớn nhất của Israel - cho biết bằng chứng thu thập được trên 1,2 triệu người "cho thấy rõ rằng một tuần sau mũi thứ hai, vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech cực kỳ hiệu quả trên thực tế".
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP. |
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các ca bệnh nặng và tử vong ở người Israel lớn tuổi đã giảm.
Pfizer và đối tác BioNTech của Đức cho biết trong các thử nghiệm lâm sàng vào năm 2020, vaccine của họ đạt hiệu quả 95%.
Phát hiện trong nghiên cứu nói trên cho thấy vaccine có thể ngăn chặn hiệu quả virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ người sang người, giúp chấm dứt bùng phát đại dịch. Pfizer và các nhà nghiên cứu Israel cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình tiêm chủng.
"Israel là cơ hội hiếm có để quan sát tác động trên toàn quốc của vaccine Covid-19 đối với sự lây truyền SARS-CoV-2", các tác giả của nghiên cứu viết.
Sau khi xem xét nghiên cứu nói trên, Eric Topol - bác sĩ tại trung tâm nghiên cứu Scripps Research ở California, Mỹ - cho rằng "khả năng ngăn chặn lây nhiễm cho thấy tác động của vaccine đối với các ca bệnh không triệu chứng".
Tuy nhiên, ông Topol cảnh báo rằng nghiên cứu hiện tại “không thể tự đưa ra kết luận”, và việc ngăn chặn lây nhiễm từ các ca bệnh không triệu chứng đòi hỏi phải kiểm tra thường xuyên hơn.
Khả năng đạt miễn dịch cộng đồng
Khả năng miễn dịch cộng đồng là ngưỡng mà tại đó, các ca bệnh bắt đầu giảm dù không áp dụng những biện pháp ngăn chặn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, miễn dịch cộng đồng cần khoảng 60-85% dân số miễn dịch. Israel có đạt được miễn dịch cộng đồng hay không còn phụ thuộc vào tổng số dân nước này đồng ý tiêm chủng.
Người dân Israel có thể lựa chọn tiêm vaccine Covid-19 hoặc không. Ảnh: Flash90. |
Người dân Israel có thể lựa chọn được tiêm vaccine hoặc không. Một số người trẻ, cũng như nhóm người Do Thái cực đoan, hoài nghi tính hiệu quả của vaccine.
Ngoài ra, trẻ em dưới 16 tuổi vẫn chưa được tiêm chủng. Nhóm dân số này chiếm khoảng 29% dân số Israel.
Một liều vaccine Pfizer-BioNTech bao gồm hai mũi tiêm cách nhau 21 ngày. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet hôm 18/2 cho thấy tại Israel, ngay cả một mũi tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech cũng có hiệu quả khoảng 85% trong hai đến ba tuần sau khi tiêm.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên không có nghĩa là vaccine tuyệt đối hiệu quả. Israel vẫn ghi nhận một số trường hợp tử vong trong số những người được tiêm vaccine.
Nhưng về tổng thể, kết quả nghiên cứu về vaccine của Pfizer-BioNTech cho thấy tín hiệu tích cực cho nhiều quốc gia khác trong quá trình triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19.