Ae Ran Kim, tốt nghiệp khoa Biên kịch Đại học Nghệ thuật quốc gia Seoul, chủ nhân của nhiều giải thưởng văn học Hàn Quốc danh giá như giải Lee Hyo-seok, giải Shin Dong-yeop, giải Lee Sang…
Đặc biệt, năm 2005, tập truyện ngắn Bố ơi, chạy đi đã giúp Ae Ran Kim trở thành nhà văn trẻ nhất từng nhận giải thưởng văn học Hankook Ilbo uy tín đầy thuyết phục khi mới 25 tuổi và được đánh giá là cây viết trẻ tài năng của làng văn học Hàn Quốc.
Các tác phẩm của Ae Ran Kim tập trung vào hình ảnh con người trong cuộc sống hiện đại, đưa ra cái nhìn mới mẻ về xu hướng thay đổi của xã hội, nhưng đủ khéo léo, thuyết phục và nhận được cảm tình của độc giả.
Tác phẩm Những năm tháng rực rỡ của nhà văn Ae Ran Kim.
|
Những tháng năm rực rỡ kể về một câu chuyện cảm động xoay quanh tình cảm, sự yêu thương giữa các thành viên trong gia đình kỳ lạ có bố mẹ trẻ nhất và đứa con già nhất hẳn cũng đã quen thuộc với các khán giả Việt Nam qua bộ phim cùng tên do Song Hye Kyo và Kang Dong Won thủ vai.
Câu chuyện được dẫn dắt bởi giọng kể của Ah Reum, một cậu bé tuy mới 17 nhưng đã có hình hài của cụ ông 80. Những nỗi đau mà em và gia đình phải gánh chịu đôi khi được bộc lộ qua giọng văn ngây ngô và góc nhìn trong sáng, có lúc thốt lên những câu hỏi khiến người ta khó thốt nên lời.
“Bố mẹ có tôi khi mới mười bảy tuổi.
Năm nay tôi vừa tròn mười bảy.
Cũng chẳng có cách nào để biết chắc tôi có thể lớn lên
thành mười tám hay mười chín tuổi hay không.
Điều đó không do chúng tôi định đoạt.
Điều duy nhất chúng tôi biết, là thời gian không còn nhiều.”
Ah Reum mang trong mình căn bệnh quái ác, em không biết liệu còn có thể đón sinh nhật tiếp theo. Nhưng trái tim yếu ớt chưa lúc nào thôi háo hức rộn ràng trước vẻ đẹp của cuộc sống, ngôn từ, tình cảm gia đình, cùng chút rung động đầu đời với “cô bạn” qua thư… Và cuộc sống, dẫu ngắn, dẫu dài, vẫn là những tháng năm rực rỡ trong quãng thời gian cậu "tồn tại".
Những tháng năm rực rỡ đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Song Hye Kyo và Kang Dong Won thủ vai.
|
Nhìn những đứa trẻ bằng tuổi, cậu bé Ah Reum không khỏi chạnh lòng.
“Những đứa trẻ cứ lớn nhanh như thổi.
Còn tôi thì già đi trông thấy.
Khoảng thời gian một tiếng với ai đó, đối với tôi như một ngày
và một tháng đối với người khác lại là một năm với tôi.
Bây giờ tôi còn già hơn cả bố tôi.
Bố nhìn vào tôi để thấy được khuôn mặt lúc ông tám mươi tuổi. Còn tôi nhìn vào bố để bắt gặp hình ảnh khi tôi ba mươi tư. Có một sự đối lập, phản chiếu giữa một tương lai chưa đến và một quá khứ chưa qua.
Tôi và bố tôi thường hỏi nhau rằng:
Làm bố mẹ ở tuổi mười bảy có phù hợp hay không?
Mất đứa con ở tuổi ba tư có phù hợp hay không?”
Cha mẹ cậu dường như đâu đó trong tiềm thức vẫn mắc kẹt ở tuổi 17 lúc sinh ra cậu, nhưng chắc chắn họ biết cách yêu thương cậu hơn ai hết.
Bố hỏi tôi rằng:
“Nếu được sinh ra lần nữa thì con muốn trở thành gì?”
Tôi đã dõng dạc trả lời:
“Thưa bố, con muốn trở thành bố ạ.”
Bố tôi hỏi tiếp:
“Còn rất nhiều điều khác tốt hơn, tại sao con lại muốn là bố?”
Tôi thoáng bối rối nhưng vẫn nói rằng:
“Bởi vì con muốn biết tấm lòng của bố sau khi sinh con ra đời.”
Bố tôi khóc.
Tác phẩm Những tháng năm rực rỡ từng lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả. Khi gấp lại cuốn sách, qua những lời tâm sự của nhân vật chính, bạn đọc sẽ quý trọng, thêm yêu cuộc sống của chính bản thân mình.