SLNA rõ ràng không sử dụng “đặc sản” chém đinh, chặt sắt trong cuộc tiếp đón đội bóng phố núi. Đội bóng xứ Nghệ đã thực hiện đúng cam kết của cả Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thanh lẫn HLV Ngô Quang Trường trước giờ bóng lăn: thi đấu hết mình nhưng không đá rắn và đá xấu.
Phát biểu sau trận, HLV Graechen cũng không có lời phàn nàn nào đối với thái độ thi đấu của đối thủ. Ở những vòng trước đó, nguyên nhân khiến HAGL thua trận ít nhiều đều đi kèm cảm giác không hài lòng của nhà cầm quân người Pháp, về việc các học trò của ông bị xấu chơi.
Tiền vệ Tuấn Anh (HAGL) tranh bóng cùng tiền vệ Quang Tình (SLNA). Ảnh: Tùng Lê |
HLV Graechen thừa nhận: “SLNA thể hiện quyết tâm cao hơn HAGL”. Nhưng tinh thần không hoàn toàn là nguyên nhân khiến 3 điểm ở lại sân Vinh. Lối chơi của đội bóng xứ Nghệ cũng hợp lý hơn đội bóng phố núi. Theo dõi trận đấu, HLV Nguyễn Thành Vinh phân tích: “HAGL cầm bóng nhiều hơn nhưng lối chơi bế tắc. Trong khi đó, SLNA phòng ngự vững vàng và đá phản công rất có nét”.
Sự vượt trội của đội bóng xứ Nghệ so với đội bóng phố núi không phải vì thầy trò HLV Ngô Quang Trường sở hữu nhiều lợi thế hơn, ngoại trừ việc được đá trên sân nhà. Nếu đội chiến thắng HAGL chiều 12/4 là Bình Dương, vấn đề sẽ được nhìn nhận ở cán cân chênh lệch lực lượng. Nếu đó là Hà Nội T&T, kinh nghiệm của dàn cầu thủ suốt 4-5 năm cạnh tranh ngôi vô địch V.League là điều Công Phượng cùng đồng đội khó có thể so bì.
Nhưng đó là SLNA, đội bóng có độ tuổi trung bình trẻ thứ hai mùa này (23,5 so với 21,7 của HAGL). Và tương tự HLV Graechen, HLV Ngô Quang Trường cũng không có sự phục vụ của những ngoại binh cừ. Việc đội bóng xứ Nghệ nhập cuộc bằng đội hình toàn nội binh được hiểu là do cầu thủ ngoại của họ quá dở, chứ không phải SLNA có ý định “chơi đẹp” với HAGL.
Những khó khăn mà đội bóng xứ Nghệ phải đối diện cũng lớn như đội bóng của bầu Đức. Sự ra đi của HLV Nguyễn Hữu Thắng để lại khoảng trống lớn trên băng ghế huấn luyện và việc sử dụng hàng loạt cầu thủ trẻ là sự lựa chọn miễn cưỡng, sau khi các trụ cột như Công Vinh, Trọng Hoàng... chia tay.
SLNA (áo vàng) đã thể hiện quyết tâm cao trong cuộc đọ sức với HAGL. Ảnh: Tùng Lê |
Trong khi HAGL khởi đầu mùa giải bằng chiến thắng tưng bừng 4-2 trước Khánh Hòa, SLNA thua đậm Hải Phòng 0-3 ngay trên sân Vinh. Nhưng bây giờ, vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng của thầy trò HLV Ngô Quang Trường không chỉ nói lên sự tiến bộ của các cầu thủ trẻ mà còn tiếp tục chứng minh truyền thống “liệu cơm gắp mắm” của bóng đá xứ Nghệ.
Theo chiều ngược lại, việc HAGL tụt xuống vị trí thứ 12 không cho thấy sự cải thiện nào về phong độ sau kỳ nghỉ. Sơ đồ 4-3-3 thay thế cho sơ đồ 4-4-2 của HLV Graechen, hay việc sử dụng nhiều hơn những đường chuyền dài, cũng không trở thành cứu cánh giúp Công Phượng cùng đồng đội thoát khỏi hình ảnh bế tắc và bất lực.
Từng dẫn dắt SLNA gần 20 năm, HLV Nguyễn Thành Vinh tâm sự: “SLNA lúc này rất giống với thời điểm 2004-2005. Sau khi chia tay 15 cầu thủ, lứa Huy Hoàng, Văn Quyến, Công Vinh được trao cơ hội khi mới chập chững đôi mươi và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Công Phượng cùng đồng đội đã thất bại tâm phục, khẩu phục trước SLNA. Ảnh: Tùng Lê |
Đấy là điều đang không diễn ra khi cờ được trao đến tay lứa “gà nòi” của bầu Đức. Ông chủ đội bóng phố núi cũng khó có thể tự hào về việc dùng toàn cầu thủ trẻ và sẵn sàng đá “chấp” Tây, khi SLNA là ví dụ hiển hiện của điều đó và là sự khác biệt về tính hiệu quả hơn 10 năm qua.
Khi quyết định tung Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội vào đá V.League, bầu Đức và cộng sự của ông có lẽ đã quá tự tin và chưa hình dung hết sự khắc nghiệt lứa cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG phải đối diện. Hơn cả một thất bại, trận thua trên sân Vinh còn là bài học đối với HAGL về triết lý biết mình, biết người.