"AUKUS sẽ đem lại năng lực quân sự thực chất cho khu vực quan trọng nhất", Richard Fontaine, Giám đốc viện chính sách Center for a New American Security (Mỹ), nói với Zing.
Ông Fontaine đang nhắc tới liên minh do Australia, Mỹ và Anh tuyên bố thành lập vào ngày 15/9. Một phần của thỏa thuận này là việc Australia sẽ được hai nước còn lại giúp sở hữu tàu ngầm hạt nhân - loại tàu ngầm có thể hoạt động lâu hơn ở dưới biển và kín đáo hơn.
Ngoài việc là liên minh an ninh, AUKUS còn là điểm khởi đầu cho sự hợp tác sâu sắc giữa bộ ba Australia, Mỹ và Anh trên nhiều lĩnh vực khác trong tương lai, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) nhận định.
Tuy sự thành lập của AUKUS gặp phải phản ứng gay gắt từ Pháp do nước này mất hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD cho Australia, cả hai chuyên gia đều cho rằng quan hệ giữa Paris và Canberra, Washington rồi sẽ trở lại bình thường.
Australia, Mỹ và Anh ngày 15/9 thông báo liên minh an ninh AUKUS. Một phần của liên minh này là việc Mỹ và Anh sẽ giúp Australia có tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: New York Times. |
Tác động lâu dài của AUKUS
- Sự thành lập của AUKUS sẽ có tác động lâu dài như thế nào đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?
- Giáo sư Thayer: Tác động mấu chốt của AUKUS về lâu dài là việc Australia đã gắn kết tương lai chiến lược của mình ngày càng gần hơn với Mỹ.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia). Ảnh: AFP. |
AUKUS hiện tại chỉ là quan hệ đối tác an ninh ba bên. Nhưng thông báo chung của AUKUS còn tuyên bố rằng đây là điểm khởi đầu cho “sự cộng tác hơn nữa của ba bên… nhằm tăng cường năng lực và tính tương tác của chúng tôi… trên phương diện năng lực số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, và các năng lực dưới biển khác”.
Tóm lại, AUKUS đưa đến sự đối trọng đáng kể đối với sự hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc. Cùng Bộ Tứ, AUKUS là một phần trong chiến lược của chính quyền Biden nhằm xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác để đối trọng Trung Quốc. Cả hai cũng là những thỏa thuận an ninh mới nổi và sẽ được phát triển cũng như thể chế hóa theo thời gian.
- Ông Fontaine: Liên minh AUKUS sẽ đem lại năng lực quân sự thực chất cho khu vực quan trọng nhất. Sẽ mất nhiều năm để đội tàu ngầm hạt nhân mới của Australia được triển khai, nhưng bước đi này sẽ giúp số lượng tàu ngầm của đồng minh Mỹ tăng gấp đôi.
AUKUS cũng neo được Anh vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời củng cố hơn nữa quan hệ Mỹ - Australia, trong bối cảnh cán cân quân sự đang nghiêng về phía Trung Quốc.
Richard Fontaine, giám đốc viện chính sách Center for a New American Security (Mỹ). Ảnh: CNAS. |
AUKUS không nhằm làm suy yếu EU
- Mỹ, Anh, và Australia công bố liên minh chỉ một ngày trước khi EU dự định công bố chiến lược đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Liệu cách chọn thời điểm này là ngẫu nhiên hay có tính toán?
- Giáo sư Thayer: Thời điểm thông báo AUKUS nhiều khả năng là nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp trực diện đầu tiên của nhóm Bộ Tứ (QUAD).
Cả Mỹ và Australia đều không được lợi gì khi chiếm ánh hào quang của EU. Ngược lại, hai nước này đều mong muốn được thấy EU tham gia nhiều hơn vào việc ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
- Ông Fontaine: Tôi cho rằng điều này chỉ là sự tình cờ.
- Việc Mỹ giữ kín đàm phán AUKUS với EU cho thấy Mỹ có thái độ như thế nào?
- Giáo sư Thayer: Thực tế là Mỹ có lợi ích quốc gia đáng kể khi ủng hộ cả NATO và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, nhưng vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được ưu tiên hơn vì đây là động cơ của nền kinh tế toàn cầu.
AUKUS không có mục đích làm suy yếu EU, dù đúng là Pháp đã chịu thiệt hại ngoài dự kiến.
Dù sao đi nữa, khi tình hình lắng xuống sau bước ngoặt bất ngờ trong quan hệ địa chiến lược, Mỹ và EU vẫn cùng chia sẻ lợi ích trong việc ngăn chặn những hành động cứng rắn của Trung Quốc và Nga.
Bài học cho châu Âu ở đây là chính quyền Biden có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa đơn phương (unilateralism - PV) như việc rút quân khỏi Afghanistan và thành lập AUKUS. Châu Âu vì thế phải củng cố sự tự trị chiến lược để có thể tự bảo vệ lợi ích của mình nếu cần thiết.
- Ông Fontaine: Tôi không nghĩ là động thái này của Mỹ thể hiện điều gì.
EU là đối tác của Mỹ. Các thành viên của EU là đồng minh của Mỹ. Tôi cảm thấy rằng chính quyền Biden mong muốn hợp tác thân thiết hơn nữa với châu Âu, bất chấp sự việc lần này.
Đại diện cấp cao EU phụ trách đối ngoại Josep Borrell ngày 16/9 nói hiệp ước AUKUS cho thấy EU cần phát triển chiến lược an ninh riêng, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters. |
- Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà EU mới công bố hôm 16/9 có gì nổi bật?
- Giáo sư Thayer: Chiến lược của EU có mục đích tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện trên 7 lĩnh vực: Y tế, an ninh, dữ liệu, cơ sở hạ tầng, môi trường, thương mại, và an ninh hàng hải.
Tại lĩnh vực thứ 7, EU muốn tăng cường triển khai tàu hải quân tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để bảo vệ tuyến đường biển liên lạc của châu Âu. Ngoài ra, mục tiêu mà EU đề ra trong 6 lĩnh vực đầu cũng báo hiệu việc khối này sẽ ngày càng gia tăng sự hiện diện ngoại giao trong khu vực.
Pháp rốt cục sẽ nguôi giận
- Tại sao Pháp giận dữ như vậy trước sự thành lập của AUKUS? Việc Australia hủy thỏa thuận tàu ngầm ảnh hưởng như thế nào đến Pháp, trong khi nước này có hai lãnh thổ hải ngoại tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?
- Giáo sư Thayer: Pháp tức giận vì không được tiết lộ ở cấp cao mà chỉ được cho biết ít lâu trước khi AUKUS được công bố. Đây là cú đòn giáng vào cá nhân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tháng 6, ông Macron từng tiếp đón Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Paris. Khi ấy, ông Morrison đã thẳng thắn với ông Macron về những khó khăn với Tập đoàn Hải quân Pháp trong hợp đồng chế tạo 12 tàu ngầm loại thường cho Australia.
Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison không nói với người đồng cấp rằng tàu ngầm của Pháp không còn phù hợp với hoàn cảnh chiến lược đang thay đổi. Ông cũng không đề cập tới việc Australia đang thương lượng với Mỹ để có công nghệ đẩy bằng hạt nhân cho tàu ngầm tương lai. Quan chức Pháp cho rằng hành động này là sự bội tín.
Như vậy, thiệt hại lớn về mặt thương mại cùng đòn đánh vào uy thế nhiều khả năng sẽ gây bất lợi cho Tổng thống Macron - người sẽ phải tái tranh cử vào năm 2022.
Trong cuộc gặp vào tháng 6, Tổng thống Macron từng nhận xét nước Mỹ đã quay trở lại dưới thời ông Biden. Ảnh: Reuters. |
- Ông Fontaine: Rất dễ hiểu, Pháp bực bội vì hai nguyên nhân. Đầu tiên, hiệp ước Mỹ - Anh - Australia được đàm phán bí mật mà bỏ qua Pháp. Đương nhiên, hiệp ước này cũng bỏ qua mọi nước khác, bao gồm cả đồng minh thân cận như Canada, Đức, và Nhật Bản.
Thứ hai, hợp đồng tàu ngầm được ký kết giữa Australia và Pháp là một trong những hợp đồng đáng giá nhất trên thế giới, với giá trị ước tính hơn 50 tỷ USD. Việc bất ngờ mất đi hợp đồng này rất đau đớn.
- Liệu thỏa thuận giữa Mỹ và Australia có làm suy yếu hoặc giới hạn chiến lược của Pháp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không?
- Giáo sư Thayer: Do có lãnh thổ tại biển Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, Pháp vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích quốc gia, thông qua việc đảm bảo an ninh cho những vùng lãnh thổ hải ngoại này. Australia đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Pháp.
Vì thế Pháp là phía quyết định liệu họ sẽ hành động một mình trong khoảng thời gian trước mắt, hay là ngậm bồ hòn AUKUS để tiếp tục cộng tác với Australia.
- Ông Fontaine: Không. Thỏa thuận AUKUS về tổng thể sẽ tăng cường vị thế của Mỹ và đồng minh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này rốt cục sẽ có lợi cho Pháp.
- Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Pháp đã triệu tập hai đại sứ của nước này tại Australia và Mỹ về nước để tham vấn. Độ nghiêm trọng của hành động này như thế nào và nó sẽ có ảnh hưởng gì tới quan hệ EU - Mỹ và Pháp - Australia?
- Giáo sư Thayer: Đây sẽ là bước đi rất nghiêm trọng nếu Pháp quyết định giữ hai vị đại sứ ở lại Paris trong thời gian dài. Còn quá sớm để biết được liệu Pháp có để bụng và sẽ phá đám tại EU hay không.
Pháp có thể phá đám nỗ lực của Australia nhằm đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU. Nước này cũng có thể cố làm suy yếu chính sách cạnh tranh với Trung Quốc theo kiểu diều hâu của chính quyền Biden.
Dù vậy, thời gian sẽ là yếu tố chính giúp giảm căng thẳng giữa Pháp và Mỹ, Australia. Nguyên nhân là ba nước cùng có chung lợi ích trong việc cứng rắn hơn với Trung Quốc, cũng như trong việc ủng hộ các giá trị dân chủ chung.
- Ông Fontaine: Đây là thời điểm khó khăn, nhưng quan hệ Mỹ - Pháp vẫn sẽ vững chãi vì điều này có lợi cho đôi bên.
Mỹ và Pháp trước đó từng có nhiều thời điểm khó khăn khác, như cuộc khủng hoảng kênh Suez năm 1956, “cú sốc Nixon” năm 1971, cuộc chiến tại Iraq, và giai đoạn ông Donald Trump làm tổng thống.
Hai bên rồi cũng sẽ vượt qua giai đoạn này.