Bình luận
Tuyển Việt Nam chỉ có thể rút ra trực tiếp bài học về đẳng cấp từ sân bãi, nơi những người khổng lồ lấy đi điểm số và để lại cho chúng ta hàng núi kinh nghiệm bằng vàng.
Học từ những bàn thua
Sau 10 trận đấu ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, thầy trò ông Park thắng một, hòa một, thua 8 trận, ghi 8 bàn và thủng lưới 19 bàn. Mỗi bàn thắng ở đấu trường toàn các “ông kẹ” như thế này đều đáng được trân trọng, nhưng chúng ta sẽ dành thời gian để nói trước về các bàn thua.
9 trong 10 trận đấu (trừ trận gặp Trung Quốc tại sân Mỹ Đình), huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đều xếp đội hình với tư tưởng xe buýt nhiều tầng. Cả 11 vị trí trên sân đều ý thức rõ việc phải phòng ngự hoặc hỗ trợ phòng ngự. Đấy không phải là ý đồ tiêu cực, mà đơn giản chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác để đối phó với các đội mạnh hơn. Dù đã nỗ lực hết tầm, tuyển Việt Nam không thể giữ sạch lưới trận nào.
Có một nỗi ám ảnh mà thầy Park đã lường trước và cho toàn đội tập rất nhiều nhưng vẫn lực bất tòng tâm, đó là các tình huống tạt cánh đánh đầu. 8 bàn thua đến theo kịch bản này, 5 trong số đó xuất phát từ cánh trái đối thủ, tức là cánh phải của chúng ta, nơi Vũ Văn Thanh, Hồ Tấn Tài luân phiên trấn giữ. Nếu tính cả những pha tạt bóng mà đối thủ dứt điểm thành công bằng chân, riêng cánh này đã chịu 7 lần thủng lưới.
Hàng thủ Việt Nam vẫn yếu trong tranh chấp bóng bổng. Ảnh: OFA. |
Phân tích từ góc độ thời gian, tuyển Việt Nam chỉ thua một bàn trong nửa tiếng đồng hồ đầu tiên, 5 bàn từ phút 30 đến bù giờ hiệp một, còn lại 13/19 bàn đến ở hiệp 2. Đó là câu chuyện muôn thuở về sức bền chịu đựng. Đội quân của thầy Park sau nửa đầu trận phải căng mình chống đỡ không ngơi nghỉ, tất yếu sẽ xuống sức, mất tập trung ở nửa sau.
Chúng ta quay ngược về quá khứ, thế hệ Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn được coi là vàng son rực rỡ cũng thường chỉ đủ thể lực đá 70 phút trước các đội bóng “ngang vai” trong khu vực. Với họ, ra châu lục luôn là nỗi sợ hãi thường trực về bóng bổng và hụt hơi.
Lứa cầu thủ dưới tay thầy Park được coi là chuyên nghiệp hơn hẳn về sinh hoạt, tập luyện, có điều kiện hơn hẳn về cọ xát và trưởng thành, nên đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với các đội hàng đầu châu Á. Nhưng thu hẹp với san bằng là sự khác biệt rất lớn. Chúng ta không còn là rổ đựng bóng nữa, nhưng vẫn chưa thoát khỏi vai kẻ lót đường.
Học từ những sai lầm
Ngay từ khi giành vé dự vòng loại thứ ba World Cup 2022, HLV Park Hang-seo đã e ngại không giành nổi dù chỉ là một điểm ở sân chơi quá sức này. Thực tế chỉ ra cả thầy lẫn trò đều “ngộp” trong lần đầu tiên hít thở ở độ cao của nóc nhà châu Á.
Bản thân HLV Park cũng có nhiều lựa chọn không chính xác, mà sau đó ông đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình. Điển hình như lần HLV Park đưa Nguyễn Thanh Bình vào cuối trận gặp tuyển Trung Quốc, để rồi trung vệ trẻ này mắc lỗi trực tiếp dẫn đến thua chung cuộc.
Việc ông cố gắng tận dụng mối liên kết giữa các cầu thủ HAGL trong suốt nửa đầu vòng loại thứ 3 World Cup, về sau cũng bị giới chuyên môn đặt dấu hỏi vì nó không mang lại hiệu quả như mong đợi. Cách HLV Park mài mòn mãi chiến thuật cũ kỹ đi kèm với bộ khung nhân sự cũ kỹ, mà ít trao cơ hội cho những gương mặt mới cũng là chủ đề bàn luận kéo dài đến tận sau thất bại ở AFF Cup.
Những nhân tố mới giúp tuyển Việt Nam khó lường hơn. Ảnh: Reuters. |
Trên sân, các cầu thủ của ông Park ngay trong những thất bại nặng nề nhất vẫn có thời điểm chơi khá tốt, nhưng họ luôn bị trừng phạt bởi các sai lầm. Dĩ nhiên, sai lầm là điều không thể tránh đối với những tay mơ lần đầu học việc ngoài biển lớn.
Có những lỗi lặp đi lặp lại như các bàn thua từ tạt cánh mà chúng ta đã nói ở trên, hay 5 quả phạt đền (chỉ có 3 trong đó chuyển thành bàn thắng cho đối thủ). Việc tuyển Việt Nam bị thổi 11 m nhiều nhất trong các đội dự vòng loại thứ 3 World Cup có nhiều nguyên nhân: sức ép từ đối thủ, thói quen cố hữu từ V.League, hay sự mơ hồ trước con mắt của VAR.
Bên cạnh đó, những cuộc “mổ băng” sau mỗi thất bại cũng giúp các cầu thủ nhận thức được họ đã hớ hênh như thế nào khi đánh chặn từ xa, mất phương hướng như thế nào khi đeo bám trong vòng cấm và ngây thơ như thế nào khi đối thủ tăng tốc bất ngờ sau quãng dài ru ngủ.
Tuy vậy, nhận thức được vấn đề không có nghĩa là giải quyết được vấn đề. Sau khi mắc lỗi, các cầu thủ được thầy Park phân tích, đánh giá triệt để và tập luyện để “vá lỗi”. Nhưng vá xong lỗi này, các cầu thủ lại sa vào lỗi khác, vì 5 đối thủ là 5 lối vận hành chiến thuật khác nhau, từ đó sản sinh ra vô số tình huống biến hóa khác nhau.
Chúng ta đã có 4 lần dẫn trước các đội mạnh hơn gấp bội, và nhờ đó thu về một trận thắng (Trung Quốc), một trận hòa (Nhật Bản). Nhưng 2 lần khác, vô tình chúng ta đã thức tỉnh bản năng đối thủ, khiến họ tấn công dữ dội từ mọi hướng để lội dòng nước ngược (thua cùng tỷ số 1-3 trước Saudi Arabia và Oman).
Chiếm được lợi thế ở sàn đấu toàn “hổ báo” này đã khó, duy trì lợi thế còn nan giải gấp bội phần. Nhưng dẫu sao, những khoảnh khắc tạm coi là bất ngờ dễ chịu như vậy cũng là động lực để tuyển Việt Nam đứng lên từ thất bại, từ chỉ trích và từ chính những sai lầm của người trong cuộc.