Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bãi biển biến thành nghĩa địa sau vụ đắm tàu thảm khốc ở Italy

Cư dân ngôi làng nhỏ ở phía Nam Italy đã đau buồn tột độ khi chứng kiến thi thể của những người di cư trôi dạt vào bờ biển sau vụ đắm tàu chết chóc hôm 26/2.

chim tau di cu anh 1

Vào khoảng 5h30 sáng 26/2, ông Vincenzo Luciano vội vã đến bãi biển ở Steccato di Cutro thuộc vùng Calabria, sau khi nhận được cuộc gọi từ một ngư dân mô tả việc nhìn thấy một chiếc thuyền bị gãy trong những cơn sóng.

“Trời vẫn còn tối, nhưng khi đến nơi, tôi có thể nhìn thấy nhiều thi thể trên bãi biển, trong đó có cả trẻ em. Với ánh sáng từ điện thoại, tôi cố gắng tìm những người khác dưới biển”, ông Luciano nói.

Ông cho biết sự việc như vậy chưa từng xảy ra trên dải bờ biển này trước đây, đồng thời hy vọng có thể nhanh chóng quên đi những hình ảnh đó.

Ít nhất 62 người, trong đó có 12 trẻ em, đã thiệt mạng sau khi một chiếc thuyền chở hơn 100 người gặp nạn ngoài khơi bờ biển Italy trong thời tiết mưa bão. Con tàu đã khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ, chở theo những người tị nạn từ Afghanistan, Iran và một số quốc gia khác, theo Al Jazeera.

Nó đã bị chìm ngoài khơi Steccato di Cutro, một ngôi làng nhỏ có khoảng 450 người sinh sống và là một địa điểm du lịch nổi tiếng vào mùa hè.

"Bãi biển giống nghĩa địa"

Đêm 25/2, một chiếc máy bay thuộc Frontex - cơ quan biên giới của EU - phát hiện con tàu này cách bờ biển Italy 74 km. Tuy nhiên, các tàu tuần tra được điều động đã không thể tiếp cận và phải quay trở lại cảng do thời tiết xấu.

Nhiều thi thể được phát hiện dạt vào bãi biển, trong khi những thi thể khác được vớt lên từ dưới nước. Những mảnh vỡ của con tàu dài 20 m nằm rải rác dọc bờ biển vào hôm 27/2, cùng với nhiều đồ đạc của các hành khách.

Con tàu được cho là đã chìm sau khi va phải đá trong thời tiết khắc nghiệt. Vụ việc đã kích hoạt chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ quy mô lớn trên đất liền và trên biển, theo BBC.

Khi đến bãi biển này vào sáng 27/2, ông Luciano phát hiện thêm một thi thể, tin rằng đó là một nạn nhân người Iraq. “Tôi đang lái xe quanh bãi biển trên chiếc xe Jeep của mình thì phát hiện anh ta”, ông Luciano nói.

chim tau di cu anh 2

Ông Luciano là một trong những người đầu tiên đến hiện trường vụ tàu đắm. Ảnh: Guardian.

“Tất cả đều bị sốc. Bãi biển giống một nghĩa địa”, Antonella, một người dân địa phương, cho biết.

80 người sống sót sau vụ chìm tàu, trong đó 20 người đã được nhập viện. Hai người bị giam giữ vì tình nghi buôn người. Guardian cho biết không rõ có bao nhiêu người trên con thuyền này.

“Một số người sống sót nói rằng có 120 người trên thuyền; những người khác nói 200”, Sergio Tedesco, giới chức cảnh sát địa phương, cho biết. “Những con số rất khó xác định và chúng ta cần phải đợi. Có thể khi biển lặng hơn, nhiều thi thể sẽ dạt vào bờ biển, thậm chí sau một tuần”.

Guardian nhận định đây là vụ đắm tàu chở di dân chết chóc nhất xảy ra gần bờ biển ở Italy kể từ khi một chiếc thuyền bị chìm ngoài khơi đảo Lampedusa vào tháng 10/2013, khiến 368 người thiệt mạng.

“Tôi đã điều trị cho những người di cư trong 30 năm và chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế này. Trước đây, chúng tôi từng chứng kiến thuyền gặp nạn trên bãi biển này, nhưng mọi người đều được cứu”, Orlando Amodeo, một bác sĩ chăm sóc cho những người sống sót, cho biết.

“Những người này đã đi 1.078 km bằng đường biển chỉ để chết cách bờ 3 m. Đó là một bi kịch trong một bi kịch cho những người vốn đã bất hạnh”, ông nói thêm.

Khơi lại cuộc tranh luận về di cư

Vụ đắm tàu cũng khơi lại cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư ở châu Âu và Italy. Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đã áp đặt các biện pháp cứng rắn đối với những tổ chức từ thiện cứu hộ trên biển.

Liên quan đến vụ chìm tàu, bà Meloni bày tỏ "nỗi buồn sâu sắc" trước cái chết của những người nhập cư. Bà cho rằng thảm kịch vừa qua là lỗi của các phần tử đưa người di cư trái phép vì đã vẽ ra "viễn cảnh sai lầm về chuyến đi an toàn" cho người nhập cư.

Italy là một trong những điểm đến chính của người di cư cố gắng vào châu Âu bằng đường biển. Tuyến đường biển này đi qua trung tâm Địa Trung Hải, được biết đến là một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các quốc gia thành viên EU đã không đưa ra được kế hoạch chung và hiệu quả để quản lý người di cư, đồng thời không có hoạt động tìm kiếm cứu nạn chính thức ở Địa Trung Hải.

Christopher Hein, giáo sư về luật và chính sách nhập cư tại Đại học Luiss ở Rome, cho biết: “Tôi thấy câu nói 'ngừng di cư' là vô nghĩa, đặc biệt là từ một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có số lượng người tị nạn lớn nhất thế giới và hiện phải đối phó với một cuộc khủng hoảng động đất”.

“Tôi thậm chí còn thấy vô lý hơn khi nói rằng 'chúng ta phải ngăn mọi người rời khỏi quê hương của họ' - làm thế nào bạn có thể ngăn họ rời khỏi Afghanistan hoặc Syria? Đây chỉ là những lời sáo rỗng”, ông nói thêm.

chim tau di cu anh 3

Các đội tìm kiếm và cứu hộ làm việc trên bãi biển Steccato di Cutro. Ảnh: Guardian.

Ông Hein cũng chỉ trích những bình luận của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Vào hôm 26/2, bà đã khẳng định EU phải tăng cường nỗ lực đối với việc thực thi một hiệp ước về di cư và tị nạn, cũng như “kế hoạch hành động” ở trung tâm Địa Trung Hải.

“Trong hơn 500 trang của hiệp ước này, không có từ nào nói về nỗ lực của châu Âu trong việc tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Tôi đã so sánh những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Italy và châu Âu sau thảm kịch này với những tuyên bố được đưa ra sau vụ Lampedusa năm 2013, và không có gì thay đổi”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong khi đó, cư dân ở Steccato di Cutro đã dành một phút mặc niệm cho những người đã tử nạn trong vụ đắm tàu.

Tuy nhiên, khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm trong bối cảnh thời tiết xấu vào chiều 27/2, sự tức giận ngày càng tăng lên trước việc nhiều tổ chức chính trị tại Italy và châu Âu không thể quản lý di cư một cách nhân đạo.

“Chúng tôi chỉ là một ngôi làng có 450 người và tất cả đều rất đau buồn - chứng kiến những đứa trẻ chết trên biển là điều không thể chấp nhận được. Họ đến đây để tìm kiếm ảo ảnh về châu Âu, nhưng thay vào đó lại tìm thấy cái chết”, một cư dân của ngôi làng cho biết.

Những cuốn sách hay về châu Âu

Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Cảnh tượng 'ám ảnh cả đời' khi tàu chở di dân đắm tại Italy

Ít nhất 60 người thiệt mạng, trong đó có 12 trẻ em, khi một thuyền gỗ chở người nhập cư bị đắm ngoài khơi Italy hôm 26/2.

Hàng chục thi thể dạt vào bờ biển Italy

Con thuyền được cho là chở 100 người tị nạn từ Iran, Pakistan và Afghanistan đã bị đắm sau khi đâm vào đá ngầm.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm