Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ U23 Việt Nam: Tôi bảo con rằng bố không cần đứng giữa sân khấu

Trong kỳ tích của U23 Việt Nam, nếu các cầu thủ là diễn viên chính, đứng giữa sân khấu thì các bác sĩ là âm thanh, là ánh sáng, là những người hùng thầm lặng sau hậu trường.

Bac si U23 Viet Nam khong can dung giua san khau anh 1
Niềm hạnh phúc cao quý và giản đơn của người bác sĩ trong ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đồ họa: Quý Sáng.

Zing.vn đã có cuộc gặp gỡ với bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy - người đứng đầu tổ y tế của U23 Việt Nam tại Giải U23 châu Á 2018. Cùng với 2 bác sĩ khác, các anh là những người hùng thầm lặng trong kỳ công của bóng đá Việt Nam.

Làm bác sĩ là ước mơ và niềm tự hào

- Bác sĩ thể thao là công việc ít người biết đến ở Việt Nam. Bác sĩ có thể chia sẻ mình đã bén duyên với nghề này như thế nào không?

- Trở thành bác sĩ luôn là ước mơ của tôi từ thuở nhỏ. Ngày còn học mẫu giáo, khi chơi trò đóng vai, chẳng hiểu sao các cô giáo luôn bảo tôi đóng bác sĩ. Tôi yêu nghề bác sĩ từ ngày ấy. Khi thi đại học, Đại học Y là lựa chọn đầu tiên của tôi. Được điều trị cho các VĐV, cầu thủ, được sống với họ, chia sẻ vui buồn, tình cảm cùng họ, nhìn họ tập lại bình thường sau chấn thương, tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc rồi. Nghề bác sĩ là niềm tự hào của tôi.

- Vậy nghề bác sĩ thể thao có gì khác những bác sĩ bình thường?

- Thực ra, bác sĩ gì thì nhiệm vụ chính vẫn là chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Điểm khác là họ điều trị cho người bình thường còn chúng tôi điều trị cho các VĐV - những người có thể chất khỏe hơn ngưỡng cơ bản. Bác sĩ thường làm theo chuyên khoa còn chúng tôi phải quan tâm tới mọi khía cạnh. Tôi hay đùa là bác sĩ thể thao phải biết từ móng chân tới đỉnh đầu của VĐV.

Chúng tôi cũng phải hiểu thêm về khoa học thể thao, sinh lý thể thao, sinh lý vận động. Ví dụ trong một động tác của VĐV, những cơ quan nào là bộ phận làm việc, làm như thế đã đạt hiệu quả hay chưa? Tất cả đều phải học.

CĐV mạo hiểm đu bám xe buýt để xin chữ ký các tuyển thủ U23 Kết thúc trận đấu giữa SLNA và Quảng Nam, xe buýt của CLB Sông Lam Nghệ An không thể di chuyển trong vòng 30 phút vì những nữ CĐV hâm mộ hai tuyển thủ Văn Đức và Xuân Mạnh.

- Nỗi sợ hãi của các bác sĩ khác là tử thần cướp mất bệnh nhân. Vậy nỗi sợ hãi của các bác sĩ thể thao là gì?

- Bác sĩ thường giành giật sự sống cho bệnh nhân còn chúng tôi giành giật trạng thái sung mãn nhất cho họ. Bác sĩ thường chỉ cần bệnh nhân khỏe mạnh, chúng tôi cần vận động viên ở trạng thái tốt nhất. Nhưng chúng tôi không bao giờ sợ hãi. Bác sĩ mà sợ hãi, mềm lòng thì chính là làm hại người bệnh. Chúng tôi không sợ hãi dù thử thách, bệnh lý có phức tạp, khó khăn đến đâu.

Thầy Park buồn và đau khi chúng tôi mỏi mệt

- Mọi người đều biết các bác sĩ rất vất vả trong kỳ tích của U23 Việt Nam. Nhưng vất vả thế nào thì chưa ai rõ cả. Anh có thể kể về một ngày làm việc của mình với U23 Việt Nam tại Trung Quốc?

- Chúng tôi thức dậy từ 7h sáng và đi ngủ lúc 3h đêm. Buổi sáng, sau khi vệ sinh cá nhân, chúng tôi phải kiểm tra một lượt các trường hợp chấn thương, ốm đau, giấc ngủ của từng cầu thủ. Sau đó, các bác sĩ ăn sáng cùng và cấp thuốc riêng cho từng người. Hết bữa, chúng tôi phải báo cáo lại với HLV trưởng. Sau đó, ông Park Hang-seo sẽ lên kế hoạch chi tiết trong ngày và phổ biến tới toàn đội.

Bac si U23 Viet Nam khong can dung giua san khau anh 2
Khoảnh khắc này là niềm tự hào của các bác sĩ U23 Việt Nam. Đồ họa: Quý Sáng.

Các cầu thủ khi đó được về nghỉ một lát còn chúng tôi phải ra sân sớm, chuẩn bị đồ uống điện giải, vitamin... Thời tiết Trung Quốc lạnh nên chúng tôi phải pha thêm trà gừng. Khi các cầu thủ tập, chúng tôi vẫn đồng hành cùng họ, theo dõi, hướng dẫn họ các bài tập phù hợp đồng thời chăm sóc mọi chấn thương phát sinh.

Đến bữa trưa, chúng tôi báo cáo những điều bất thường với thầy Park rồi chuẩn bị cho buổi tập chiều. Công việc buổi chiều cũng kéo dài tương tự đến tối. Sau bữa tối, chúng tôi tiến hành mát xa, trị liệu cho cầu thủ. Mỗi tối, 3 bác sĩ trị liệu cho 9 tới 15 cầu thủ. Đến 23h, chúng tôi họp lại, tổng kết công việc rồi lên kế hoạch hôm sau. Đến 2, 3h sáng thì công việc kết thúc.

- Khối lượng làm việc lớn như thế, các bác sĩ không cảm thấy mệt ư?

- (cười) Mọi người cứ bảo chúng tôi vất vả lắm nhưng tôi lại thấy bình thường. Chẳng hiểu sao chúng tôi không thấy mệt. Chúng tôi yêu và thấy may mắn lắm vì được phục vụ đội tuyển U23. Mình vừa làm việc mình thích, vừa làm cho đội tuyển nên không mệt. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi lại thấy mình khỏe lại như cũ. Có nhiều lúc buồn ngủ lắm nhưng cứ có việc là mấy anh em bác sĩ lại khỏe hẳn lên.

Cầu thủ U23 Việt Nam bóc mẽ nhau trên truyền hình Trong chương trình giao lưu cùng các cầu thủ U23 Việt Nam, Xuân Trường và các đồng đội đã có những màn giới thiệu hết sức hài hước.

- HLV Park Hang-seo hẳn phải dặn dò các anh rất nhiều trước ngày đội tuyển tập trung?

- Không đâu, ông Park Hang-seo không dặn dò gì nhiều. Ông ấy chỉ nói hoàn toàn tin tưởng chúng tôi. Ông bảo các anh hãy quyết định mọi vấn đề y tế đi. Nếu cần thứ gì phục vụ tốt nhất cho đội tuyển mà Việt Nam không có, các anh cứ liệt kê với tôi, tôi sẽ nhờ bạn ở Hàn Quốc mua bằng được. Vậy là tôi liệt kê một số thực phẩm và dụng cụ thể thao, HLV Park lập tức nhờ người mua cho U23 Việt Nam. Những thứ ấy đều không có ở trong nước.

- Khoảnh khắc HLV Park Hang-seo trao huy chương cho bác sĩ Phạm Văn Minh ở M-150 Cup khiến rất nhiều người xúc động. Với các anh, ông Park là người thế nào?

- HLV Park Hang-seo rất thân thiện với mọi người. Ông luôn hỏi han các bác sĩ và dặn chúng tôi phải giữ gìn sức khỏe. Có lúc, HLV nhìn tôi và hỏi vì sao má anh ngày càng hóp thế. Tiếng Anh giữa chúng tôi chưa phải siêu phàm gì nên nói được cho nhau hiểu là điều rất khó. Bởi thế, ông ấy phồng má lên, tả lại cái má hóp của tôi. Ông ấy khiến tôi hiểu ông ấy rất buồn và đau lòng khi thấy tôi như vậy.

Có thời điểm, cầu thủ chấn thương hơi đông, bác sĩ làm không xuể việc nên cầu thủ tự cầm máy siêu âm cho mình. Ông Park thấy vậy liền chạy tới bảo cầu thủ nằm xuống. Ông ấy tự cầm máy làm cho họ. Ông ấy cũng không ngại tự mát xa cho cầu thủ. Có những lúc sau buổi làm việc, thấy chúng tôi mệt mỏi, ông còn bóp vai, ấn lưng cho chúng tôi. Chúng tôi và ông ấy gần như không có khoảng cách.

Con gái từng hỏi tại sao tôi không được xướng tên?

- Sau AFF Cup, HLV Hữu Thắng từng nói “bác sĩ hội chẩn sai, dẫn đến việc đưa phác đồ điều trị không hợp lý, làm Tuấn Anh và Hoàng Thịnh không kịp dự giải”. Cảm giác của anh thế nào khi đọc những dòng đó?

- Nói thật là lúc ấy, tôi rất buồn. Nhưng việc đó là bình thường thôi bởi chúng tôi là bác sĩ chuyên nghiệp. HLV nào cũng muốn VĐV được phục vụ nhanh nhất, tốt nhất. Nhưng có những chấn thương rất nặng nề. Các trường hợp của Tuấn Anh và Hoàng Thịnh đều đã hội chẩn nhiều Giáo sư và bác sĩ ở những viện lớn. Họ đều bảo thời gian hồi phục phải lâu hơn nữa.

Nhưng chúng tôi đã muốn VĐV phải bình phục nhanh hơn thế. Chúng tôi thực sự rất tiếc vì hai trường hợp ấy. Chúng tôi đã không có đủ thời gian để hồi phục cho các bạn ấy trong vài tuần. Đó đều là những chấn thương cần phẫu thuật hoặc hồi phục dài ngày. Như Tuấn Anh sau AFF Cup 2016, bạn ấy đã mất tới nửa năm để bình phục.

Bac si U23 Viet Nam khong can dung giua san khau anh 3
Họ là những người hùng thầm lặng, luôn đứng phía sau và không bao giờ bỏ rơi các cầu thủ. Đồ họa: Quý Sáng.

- Có bao giờ anh chạnh lòng vì ít được nhắc tới trong chiến công của U23 Việt Nam?

- Chúng tôi hay đùa rằng cầu thủ là diễn viên chính, huấn luyện viên là đạo diễn còn các bác sĩ là âm thanh, ánh sáng trong bóng tối hậu trường. Chúng tôi chỉ cần làm tốt nhất việc của mình và thế là đủ rồi. Chuyện mọi người quên chúng tôi có phải là điều gì to tát đâu.

Hôm gala vinh danh ở Mỹ Đình, khi tôi về nhà, vợ tôi kể rằng con gái hỏi: ‘Tại sao bố không được xướng tên trong gala, bố là người tuyệt vời thế cơ mà?’ Tôi giải thích cho con rằng tôi là người đứng sau các cầu thủ để sắp xếp mọi thứ một cách tốt nhất. Tôi bảo bố không cần phải đứng giữa sân khấu đâu con.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy sinh ngày 31/10/1980 tại thành phố Hải Phòng. Anh là bác sĩ trưởng trong kỳ tích của U23 Việt Nam tại vòng chung kết Giải U23 châu Á 2018. Bác sĩ Thủy tốt nghiệp Đại học Y, có bằng chuyên khoa Y học thể thao. Anh đến với thể thao từ năm 2007 và bắt đầu làm việc tại các đội tuyển từ năm 2009.

Hơn một thập kỷ theo nghiệp bác sĩ thể thao, bác sĩ Thủy đã làm việc dưới 6 đời HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Tại giải U23 châu Á vừa qua, tổ y tế 3 người do bác sĩ Thủy đứng đầu đã làm việc 15, 16 tiếng/ngày suốt gần 2 tháng. Họ chính là những người hùng thầm lặng trong kỳ tích của bóng đá Việt.

Y học thể thao có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề sức khỏe, thể chất, điều trị, phòng tránh chấn thương, bệnh lý liên quan tới thể thao. Bác sĩ thể thao phải tốt nghiệp các Đại học Y. Sau đó, họ phải học thêm chuyên khoa về Y học thể thao trong 2 tới 3 năm. Quá trình đào tạo một bác sĩ thể thao có thể mất khoảng 10 năm.

HLV Park Hang-seo nhường huy chương cho bác sĩ 9X của U23 Việt Nam

Sau khi rời bục nhận giải, HLV người Hàn Quốc trao lại tấm huy chương đồng của mình cho anh Phạm Văn Minh, bác sĩ sinh năm 1993 lần đầu lên làm nhiệm vụ ở U23 Việt Nam.

Từ U23 Việt Nam tới Siêu Cúp: Bắt đầu thử thách tình yêu

16h chiều nay tại Hàng Đẫy, cuộc thử thách tình yêu dành cho bóng đá Việt và tuyển U23 sẽ bắt đầu. Đấy là lúc người hâm mộ phải trả lời câu hỏi: họ có thực sự yêu U23 Việt Nam?

Thanh Hà (thực hiện)

Đồ họa: Quý Sáng

Bạn có thể quan tâm