Bắt đầu từ Siêu Cúp quốc gia, các tuyển thủ U23 Việt Nam và hàng nghìn cầu thủ chuyên nghiệp khác sẽ trở lại sân cỏ V.League. Ảnh: AFC. |
Cuộc đối đầu giữa SLNA và Quảng Nam tại Siêu Cúp quốc gia không chỉ là một trận cầu tranh ngôi vương. Đó còn là trận đấu khai xuân của bóng đá Việt Nam, là lần đầu tiên trong năm mới, trái bóng lăn trên các sân cỏ Việt. Theo quan điểm tâm linh, một trận cầu đẹp, một khán đài đầy ắp sẽ mở ra may mắn trong năm cho bóng đá Việt.
Dù là đương kim vô địch V.League và Cúp quốc gia, SLNA và Quảng Nam đều không phải những tên tuổi lớn. Đó vẫn là hai đội bóng tỉnh lẻ, sở hữu lực lượng hạng khá, được dẫn dắt bởi 2 HLV ít tên tuổi (Nguyễn Đức Thắng và Hoàng Văn Phúc). Đội hình của họ có 2 ngôi sao U23 Việt Nam và Quả bóng Vàng Đinh Thanh Trung. Nhưng đó đều không phải những gương mặt “ăn khách” của truyền thông. Trận Siêu Cúp diễn ra tại Hàng Đẫy - nơi từng là thánh địa nhưng giờ chỉ còn những khán đài lạnh lẽo.
Rõ ràng, cuộc đối đầu ấy không phải món khai vị hảo hạng mà thực khách đang chờ đợi.
Nhưng đó mới chính là khung cảnh điển hình của bóng đá Việt Nam trước, nay và cả sau này. Bởi ngoài một số rất ít những đội bóng tên tuổi, ngoài những tuyển thủ U23 Việt Nam, phần còn lại của V.League vẫn là mảnh đất xa lạ. Ở giải đấu ấy, vẫn còn nhiều đội bóng tỉnh lẻ, còn rất nhiều cầu thủ vô danh. Nhưng chính vùng đất ấy là điểm khởi nguồn của câu chuyện cổ tích mang tên U23 Việt Nam.
Ai đó từng nói: yêu U23 Việt Nam thì hãy tới sân xem V.League.
Bởi trận Siêu Cúp này chỉ là điểm khởi đầu cho một mùa giải chuyên nghiệp kéo dài tới 26 vòng đấu. Khi những cầu thủ U23 tỉnh giấc, họ sẽ về lại nơi này. Tiền thưởng rồi sẽ cạn, những lời tung hô, những tấm huy chương sẽ được đặt vào tủ kính. Các tuyển thủ sẽ phải ra sân, chiến đấu với cuộc mưu sinh thường ngày. V.League với họ là bánh mỳ và bơ, là cả cuộc sống.
Các tuyển thủ đã cống hiến những gì đẹp nhất tới người hâm mộ. Và bây giờ, họ cần người hâm mộ hơn lúc nào hết.
Phan Văn Đức sẽ trở về SLNA với mục tiêu tìm một suất đá chính tại CLB. Ảnh: AFC. |
Công bằng mà nói, bóng đá Việt Nam đang trên đà tiến bộ. Bất chấp những chỉ trích và vô số định kiến, V.League vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Sự ra đời của hệ thống đào tạo trẻ mới, ưu tiên mà những HLV dành cho các mầm non, chiến lược đúng đắn của VFF đã dẫn bóng đá Việt Nam tới nhiều thành công. Vòng 1/8 ASIAD 2014, vòng loại thứ hai World Cup 2018 hay ngôi Á quân U23 châu Á là những bằng chứng rõ ràng nhất.
Nếu không có V.League, bóng đá Việt không thể có những thành tựu ấy.
Ở nhà đắp chăn, xem truyền hình hay tới sân, bỏ tiền mua vé? Lựa chọn ấy thuộc về người hâm mộ. Nhưng với các tuyển thủ U23 Việt Nam và hàng nghìn cầu thủ chuyên nghiệp khác, họ không được quyền chọn.
Vào sân và chiến đấu, đó là lẽ sống duy nhất của họ.