Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ trở thành mồi béo bở cho tội phạm tại Pakistan

Suốt 5 năm qua, 26 bác sĩ giỏi của ở tỉnh Balochistan, Pakistan đã trở thành nạn nhân của những kẻ bắt cóc. Luật pháp vốn lỏng lẻo tại đây không thể bảo vệ họ.

Tối 17/9, bác sĩ Abdul Manaf Tareen, chuyên gia về tim mạch nổi tiếng, đang chuẩn bị rời bệnh viện để về nhà thì một nhóm người có vũ khí xuất hiện. Chúng dùng báng súng đánh vào ngực và lôi Tareen khi ông tỏ thái độ kháng cự. Sau đó chúng tống ông vào một chiếc xe đang đỗ bên ngoài và phóng, BBC mô tả.

Vụ bắt cóc xảy ra không xa các trụ sở được canh giữ nghiêm ngặt của Sư đoàn Bộ binh biên giới- lực lượng an ninh trọng yếu của tỉnh Balochistan. Các trạm kiểm soát và lực lượng cảnh sát hiện diện dày đặc trong tỉnh. Trong khi đó, các đội kỵ binh và nhân viên an ninh Pakistan bảo vệ các điểm ra, vào thành phố Quetta - thủ phủ tỉnh Balochistan.

Thế nhưng khi vụ việc xảy ra, không lực lượng nào có thể bảo vệ nạn nhân trước những kẻ bắt cóc.

Bác sĩ và các nhân viên y tế biểu tình tại thành phố Quetta để yêu cầu chính quyền chấm dứt nạn bắt cóc bác sĩ. Ảnh: BBC.

“Pháp luật vô hình”

Bác sĩ Tareen là một chuyên gia tim mạch mà nhiều người rất kính trọng. Đồng nghiệp miêu tả ông là một người tự lập mặc dù ông xuất thân từ tầng lớp thấp kém. Ông đã làm việc chăm chỉ để trở thành một trong số những bác sĩ giỏi nhất trong lĩnh vực tim mạch.

Bệnh nhân ở khắp nơi trên đất nước Pakistan tìm đến ông.Thậm chí nhiều người đến từ các nước láng giềng Iran và Afghanistan. Tại tỉnh Balochistan, người ta coi ông như một vị cứu tinh.

Vụ bắt cóc bác sĩ Tareen đã làm rúng động cộng đồng y khoa nước này trong bối cảnh luật pháp ngày càng trở nên “vô hình” tại nơi đây.

Các bác sĩ tỏ thái đô tức giận trước sự thờ ơ của giới chức bằng các cuộc biểu tình, tuyệt thực và tẩy chay các bệnh viện công. Tuy nhiên, thực trạng này dường như không tác động nhiều đến các vị quan chức mà chỉ tăng thêm nỗi đau đớn của những người bệnh tới từ nhiều nơi xa xôi, nghèo đói, đang chờ sự giúp đỡ của các bác sĩ.

“Làm sao chúng tôi có thể làm việc trong một xã hội thiếu luật pháp như vậy? Chúng tôi không được an toàn. Chúng tôi muốn chính phủ phải bảo đảm an toàn cho các bác sĩ.””, Naqeeb Ullah Achakzai, một bác sĩ, nói.

Thờ ơ

Vụ bắt cóc bác sĩ Tareen là trường hợp mới nhất. Bác sĩ Aftab Kakar, người phát ngôn của sở y tế Balochistan thuôc Hiệp hội Y khoa Pakistan, cho biết: “Trong suốt 5 năm qua, 26 bác sĩ và giáo sư giỏi của chúng tôi đã bị bắt cóc. Bọn bắt cóc đã trả tự do cho hầu hết các bác sĩ sau khi họ nộp một khoản lớn tiền chuộc”.

Ghulam Rasool, bác sĩ đầu ngành Tâm thần học của Học viện Y khoa Bolan tại thành phố Quetta, là một trong số những nạn nhân. 6 tên tội phạm có súng đã bắt cóc ông ngay trên con phố đông đúc ở trung tâm thành phố.

“Mọi người đều trông thấy sự việc nhưng không ai dám làm ngăn cản chúng”, ông Rasool nhớ lại.

Ngay tức khắc, chúng bịt mắt ông, đẩy ông lên xe và lái xe tới một nơi nào đó sau khoảng 5-6 tiếng. Những chuyện xảy ra tiếp theo ông không muốn kể lại, chỉ biết rằng ông đã phải nộp một khoản tiền chuộc và chúng thả ông sau 17 ngày.

 “Số tiền mà gia đình tôi phải xoay xở lớn tới mức chúng tôi phải làm việc 9 tháng tiếp theo để trả hết nợ”, bác sĩ Rasool nói. Với ông, đây là một trải nghiệm đau đớn trong đời. Ông và cả gia đình đều cảm thấy sốc và bàng hoàng.

Tự phòng vệ

“Chúng tôi tuy là những người trí thức nhưng không có tiếng nói trong một xã hội có tư tưởng bảo thủ. Mọi người  coi chúng tôi là những người giàu. Do đó chúng tôi trở thành mục tiêu để  bọn tội phạm kiếm tiền một cách dễ dàng”, bác sĩ Rasool lý giải.

Nhưng thực trạng này không cản trở ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp.

“Tôi là một bác sĩ tư vấn tâm lý, một giáo sư, một huấn luyện viên và một người giám định. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để đạt được thành công trong cuôc sống. Điều khác biệt duy nhất là bây giờ tôi phải thuê người để bảo đảm an toàn cho bản thân”, ông nói.

Trong những năm gần đây, tình hình bạo lực đang tăng dần tại tỉnh Balochistan. Một nhóm phần tử cực đoan dòng Sunni đã thực hiện các vụ tấn công quy mô lớn nằm vào các thành viên của cộng đồng người thiểu số Shia Hazara. Các nhóm tội phạm và chiến binh Hồi giáo liên minh chặt chẽ với Taliban và tổ chức khủng bố al-Qaeda đã thực hiện các vụ bắt cóc và sát hại nhiều người vô tội.

Có vẻ như các nhóm này thực hiện những tội ác mà không bị trừng phạt. Trong khi đó, hàng nghìn binh lính Pakistan đang chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy đòi ly khai kéo dài nhiều năm của quân đội Giải phóng người Baloch.

Người ta cáo buôc sư đoàn Bộ binh biên giới bắt cóc, tra tấn cũng như sát hại những phần tử ly khai mà họ tình nghi là người Baloch.

Và tại thành phố Quetta, dư luận cũng cho rằng sư đoàn Bộ binh biên giớikhông những để lọt các băng đảng tội phạm mà còn bảo vệ chúng.

Thiếu tương Ejaz Shahid, chánh thanh tra Sư đoàn bộ binh biên giới, bác bỏ những cáo buộc đó. Ông nói “những nhóm khủng bố và chủ nghĩa dân tộc cực đoan” là thủ phạm khiến các vụ bắt cóc ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, ông khẳng định rằng lực lượng sư đoàn đang thực hiện các biện pháp thắt chặt an ninh và bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa cảnh sát và các cơ quan an ninh khác trong việc triệt phá các băng nhóm tội phạm.

“Tôi có thể đảm bảo rằng lực lượng của chúng tôi tham gia giải quyết vấn đề chứ không gây ra vấn đề.”, ông nói thêm.

“Chính quyền nhắm mắt làm ngơ”

Thế nhưng các bác sĩ biểu tình trên đường phố Quetta đã quá quen với những lời đảm bảo như vậy.

“Bề ngoài, họ tỏ ra nỗ lực hết sức để khôi phục niềm tin của các nạn nhân bị bắt cóc. Mặt khác, họ lại khuyến khích các gia đình chấp nhận lời đề nghị của những kẻ bắt cóc”, một bác sĩ dẫn đầu nhóm bác sĩ biểu tình tại Quetta nói.

Theo ông, bằng chứng ngày càng rõ nét cho thấy các lực lượng an ninh thường “nhắm mắt làm ngơ” trước các vụ bắt cóc do họ đã nhận hối lộ từ chúng.

Hiệp hội Y khoa Pakistan ước tính, trong vòng 5 năm qua, khoảng 82 bác sĩ và giáo sư giỏi nhất của tỉnh Balochistan đã rời nơi đây. Nhiều người trong số họ có thểđã tới  làm việc tại châu Âu và Trung Đông. Một số người là bạn và đồng nghiệp của bác sĩ Rasool. Việc chuyển tới nơi khác làm việc cũng nằm trong dự tính của bác sĩ Rasool nhưng ông vẫn cảm thấy do dự.

“Nếu tất cả chúng tôi rời Balochistan, ai sẽ ở lại để giúp đỡ người dân nơi đây.”, ông tâm sự.

Cho tới nay, bác sĩ Rasool vẫn tích cực hỗ trợ đồng nghiệp trong kế hoạch biểu tình sắp tới nhằm gây sức ép lên nhà chức trách để họ bảo đảm bác sĩ Tareen sẽ trở về một cách an toàn.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm