Tiểu thuyết tâm lý Agatha của tác giả kiêm nhà tâm lý học Anna Cathrine Bomann là tác phẩm được ưa thích và được dịch ra 23 ngôn ngữ trên toàn thế giới.
Lấy bối cảnh ở Paris những năm 1940, nhưng câu chuyện của vị bác sĩ trị liệu tâm lý và những bệnh nhân của ông, đặc biệt là người phụ nữ trẻ gốc Đức Agatha Zimmermann hầu như không có khoảng cách với hiện tại.
Ở tuổi 72, vị bác sĩ trị liệu tâm lý giấu tên sống một mình trong căn nhà được cha mẹ để lại. Ông không có người thân, bạn bè, đồng thời luôn cố gắng né tránh mọi kết nối và mối quan hệ bên ngoài phòng khám. Thứ quen thuộc duy nhất với ông là những tiếng động và âm nhạc phát ra từ ngôi nhà sát vách; nhưng ông cũng không hề có ý định tìm hiểu hay bắt quen với người hàng xóm đã sống cạnh mình hàng chục năm trời qua. Tại phòng khám, ông chỉ có những cuộc trò chuyện ngắn ngủi với người trợ lý tỉ mỉ Madame Surrugue, người đã làm việc cùng ông hơn 30 năm qua.
Sách Agatha. Ảnh: Tĩnh Văn. |
Chỉ còn 5 tháng nữa vị bác sĩ sẽ được nghỉ hưu, thời gian này được ông quy đổi tương đương với 800 buổi điều trị và ông đang đếm ngược từng ngày cho đến thời điểm đó. Vị bác sĩ đã tưởng tượng: chờ đợi ông ở thời điểm đó hẳn sẽ là một cuộc sống thú vị, một phần thưởng to lớn cho những gì ông đã phấn đấu.
Tuy nhiên trong những tháng ngày cuối cùng trước khi nghỉ hưu, trải qua nhịp sống đơn điệu, cảm nhận rõ ràng những dấu hiệu tuổi già trên cơ thể, ông nhận ra “tôi không thể biết được sự tồn tại đó sẽ chứa đựng những gì đáng mong đợi. Nhưng điều duy nhất tôi có thể chắc chắn là nỗi sợ hãi và sự cô đơn".
Công việc và cuộc sống của vị bác sĩ già bắt đầu có sự thay đổi khi người phụ nữ trẻ gốc Đức Agatha Zimmermann, có tiền sử bệnh tâm thần khá nặng, đang mất cảm hứng sống, khăng khăng muốn được ông điều trị, bất chấp thời gian ông làm việc còn lại khá ít ỏi, có thể không đủ để ông giúp đỡ cô. Agatha được các bác sĩ trước đó chẩn đoán “mắc chứng hưng cảm nặng sau một lần cố gắng tự tử cách đây vài năm".
Hành trình trị liệu hóa ra lại là một quá trình soi chiếu và trị liệu cùng nhau của vị bác sĩ già và người phụ nữ có vẻ ngoài mong manh, nhưng ẩn sâu lại là một con người mạnh mẽ, hấp dẫn. Để rồi qua các phiên trị liệu cả hai người họ đều có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống của mình.
Agatha cuối cùng cũng có thể nói ra nỗi đau thuở thơ bé từng bị người cha ruột lạm dụng tinh vi, để bước qua tổn thương và tìm lại được khát vọng sống.
Tác giả Anne Cathrine Bomann. Ảnh: Libreriamo. |
Vị bác sĩ cuối cùng cũng có những kết nối xã hội đầu tiên khi ông quyết vượt qua ngại ngần thăm chồng bà thư ký bị bạo bệnh đang ở bên ranh giới mong manh của cái chết. Ông cũng quyết định đến cửa hàng bán đồ làm bánh, mua nguyên liệu, hỏi công thức làm một chiếc bánh táo để gửi tặng người hàng xóm câm điếc bao lâu nay vẫn chơi đàn cho ông nghe. Hơn thế, ông không còn đếm các phiên trị liệu để chờ tới ngày về hưu nữa.
Câu nói kết thúc cuốn tiểu thuyết được bệnh nhân Agatha nói với vị bác sĩ khi ông đứng ngập ngừng sau cô trước cửa một quán café: “Thế cuối cùng ông có định vào không bác sĩ?” thể hiện vai trò thúc đẩy của cô trong quá trình trị liệu, đồng thời mang đến cho cuốn tiểu thuyết cái kết mở đầy hy vọng.
Với 200 trang cỡ chữ vừa, được trình bày thoáng đãng với những chương sách ngắn, tiểu thuyết tâm lý Agatha là tác phẩm mỏng nhẹ mà độc giả có thể đọc nhanh trong thời gian ngắn. Đây cũng là cuốn sách nên đọc cho bất cứ ai quan tâm đến việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, cũng như vai trò của những kết nối thực sự trong cuộc sống của con người.