Các bác sĩ tại Anh cảnh báo 250 máy thở nước này vừa mua từ Trung Quốc có nguy cơ gây ra "tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tử vong, cho bệnh nhân" nếu được sử dụng tại bệnh viện, NBC News cho biết.
Theo các bác sĩ, lô máy thở do Trung Quốc sản xuất này có vấn đề về cung cấp khí oxy, không thể được làm sạch phù hợp, có thiết kế kỳ lạ và hướng dẫn sử dụng khó hiểu. Các máy này chỉ có thể được sử dụng hạn chế trong xe cứu thương và không thể được sử dụng tại bệnh viện.
Máy thở có vấn đề về chất lượng
Với hơn 26.000 người tử vong, những người chỉ trích cho rằng chính phủ Anh đã thất bại trong cung cấp thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế cũng như tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Tương tự Mỹ, chính phủ Anh bị chỉ trích nặng nề vì chiến lược phản ứng trong thời gian đầu đại dịch lây lan.
Hôm 4/4, các bộ trưởng chính phủ Anh đã tuyên bố đắc thắng về việc họ đã đạt được thành công lớn khi mua 300 máy thở từ Trung Quốc. Việc vận chuyển được tiến hành đầy phô trương khi lô hàng được dỡ xuống tại một căn cứ quân sự ở Anh.
"Tôi muốn cảm ơn chính phủ Trung Quốc vì sự hỗ trợ của họ", Bộ trưởng Ngoại giao Michael Gove tuyên bố trong ngày lô hàng cập bến nước Anh.
Nhưng không lâu sau, một nhóm các bác sĩ và chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ chết người mà 250 máy thở họ nhận được có thể mang lại. Những chiếc máy thở này là mẫu Shangrila 510, được sản xuất bởi tập đoàn Beijing Aeonmed, một trong những nhà sản xuất máy thở chính của Trung Quốc.
"Chúng tôi tin rằng nếu được sử dụng, tổn thương nghiêm trọng cho bệnh nhân, gồm cả tử vong, có khả năng xảy ra. Chúng tôi trông đợi các máy thở này sẽ được thu hồi và thay thế bằng thiết bị có thể hỗ trợ thở tốt hơn cho bệnh nhân cần điều trị tích cực", bức thư đề ngày 13/4 có đoạn, theo NBC News.
Lô hàng máy thở Trung Quốc được dỡ tại căn cứ quân sự của Anh. Ảnh: NBC News. |
Các bác sĩ cho biết khả năng cung cấp khí oxy của các máy thở là "không đáng tin cậy", chất lượng máy thở chỉ ở mức "cơ bản", trong khi lớp vỏ bằng vải không thể được làm sạch một cách phù hợp, điều đặc biệt nguy hiểm khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm các loại virus. Bên cạnh đó, các máy thở có ống dẫn khí oxy không đạt tiêu chuẩn của EU.
Bên cạnh những quan ngại lớn về chất lượng của lô máy thở, các bác sĩ cho biết một phần lý do khiến lô máy thở không an toàn bởi chúng được thiết kế "kỳ lạ", không quen thuộc với các bác sĩ Anh và không phù hợp để sử dụng trong cuộc khủng hoảng y tế hiện tại.
Các bác sĩ cho biết tình hình còn tồi tệ hơn bởi các máy thở đi kèm với quyển hướng dẫn "không đầy đủ", và không nhà phân phối nào tại Anh cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoặc thay thế các bộ phận cần thiết.
Các bác sĩ Anh miêu tả lô máy thở được chuyển tới nước này là loại "được thiết kế để sử dụng bên trong xe cấp cứu, không phải để sử dụng tại giường bệnh". Các bác sĩ cho biết đã phải thiết kế một loại giá đỡ để gắn những chiếc máy thở bên cạnh xe đẩy của bệnh viện.
Bức thư được viết bởi các chuyên gia chăm sóc tích cực và gây mê hàng đầu của Anh, đại diện cho nhóm các bác sĩ lâm sàng và quản lý cấp cao làm việc tại Birmingham, thành phố lớn thứ 2 của Anh và một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của Covid-19.
Hiện chưa rõ cơ quan nào đang xử lý bức thư của nhóm chuyên gia y tế từ Birmingham. Tuy nhiên, Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Anh, cơ quan quản lý Dịch vụ Y tế quốc gia cũng như việc mua máy thở từ nước ngoài, cho biết đã nắm được thông tin về quan ngại của các bác sĩ và thông báo với nhà sản xuất.
Nhà sản xuất từ chối phản hồi
NBC News cho biết Bộ Y tế Anh đã từ chối trả lời các câu hỏi chi tiết về bức thư, bao gồm số liệu cụ thể về tổng số máy thở đã được mua, vì sao mẫu máy thở đó được lựa chọn, và liệu các bác sĩ làm việc tại tuyến đầu có được tham khảo ý kiến trước khi quyết định đặt hàng được đưa ra hay không. Bộ Y tế cho biết lô máy thở trong vụ việc hiện không được sử dụng.
Hôm 1/5, sau khi nội dung bức thư lần đầu được đăng tải, Bộ Y tế Anh ra thông cáo cho biết "chưa có bệnh nhân nào gặp nguy hiểm" do sử dụng các máy thở do Trung Quốc sản xuất.
Truyền thông Anh đã liên lạc với Beijing Aeonmed, nhà sản xuất lô máy thở trong vụ việc. Quản lý bán hàng quốc tế của Beijing Aeonmed trả lời "tôi không biết" trước khi gác máy, khi được hỏi liệu tập đoàn này có nắm được thông tin về quan ngại của các bác sĩ Anh đối với lô hàng hay không.
Beijing Aeonmed đã từ chối phản hồi đối với các câu hỏi chi tiết về mẫu máy thở bàn giao cho chính phủ Anh cũng như các quốc gia khác nơi tập đoàn này xuất khẩu máy thở.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được đưa vào bệnh viện tại thủ đô London. Ảnh: Getty. |
Trên website chính thức, Beijing Aeonmed miêu tả sản phẩm của tập đoàn này là "máy thở vận chuyển khẩn cấp bền như đá tảng" và là thiết bị đầu tiên của Trung Quốc vượt qua các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe của EU.
Li Kai, trợ lý chủ tịch tập đoàn Beijing Aeonmed, trả lời tờ Global Times của Trung Quốc cho biết tất cả sản phẩm của tập đoàn này đều phải qua quá trình kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu ra nước ngoài. "Các nhà máy của chúng tôi hoạt động hết công suất để tăng sản lượng, do chúng tôi nhận được đơn hàng từ nhiều quốc gia".
Không phải lần đầu tiên
Anh không phải là quốc gia đầu tiên và duy nhất lên tiếng về chất lượng thiết bị y tế sản xuất tại Trung Quốc.
Từ tháng 3, chính phủ nhiều quốc gia đã tranh giành mua sắm thiết bị y tế, phần lớn từ Trung Quốc, để bù đắp cho sự thiếu hụt trong kho dự trữ của mình. Trong khi phần lớn các thiết bị đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch, một số cho thấy các vấn đề về chất lượng.
Cuối tháng 3, Hà Lan đã buộc phải thu hồi 600.000 khẩu trang mua từ Trung Quốc dù đã phân phối về các cơ sở y tế, sau khi Bộ Y tế nước này phát hiện lô hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng dùng trong chăm sóc y tế.
Đầu tháng 4, giám đốc cơ quan dịch vụ y tế khẩn cấp Phần Lan đã từ chức sau khi phát hiện lô hàng khẩu trang trị giá hàng triệu USD nhập khẩu từ Trung Quốc không bảo đảm chất lượng dùng trong môi trường bệnh viện.
Khẩu trang không phải là mặt hàng duy nhất có vấn đề. Chính phủ Tây Ban Nha trước đó đã thu hồi và gửi trả 50.000 thiết bị xét nghiệm virus corona sản xuất tại Trung Quốc do lô hàng này chỉ mang lại kết quả xét nghiệm với độ chính xác là 30%.
Anh từng đặt hàng 3,5 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm của Trung Quốc, tuy nhiên sau đó phát hiện tất cả không đủ chất lượng để sử dụng trên diện rộng. Chính phủ Anh tuyên bố đang đòi hoàn tiền từ nhà cung cấp.
Dường như phần lớn thiết bị được báo cáo có vấn đề về chất lượng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, quốc gia đang tìm cách tô vẽ bản thân không chỉ là người đã thành công đẩy lùi đại dịch, mà còn đang hào phóng ra tay giúp đỡ thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách cung cấp hàng hóa thiết yếu.
Nhà sản xuất Trung Quốc kiếm lời lớn từ các đơn hàng thiết bị y tế xuất khẩu. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc cam kết xử lý hàng kém chất lượng
Là công xưởng với năng lực sản xuất hàng đầu thế giới, Trung Quốc là nước chế tạo phần lớn những sản phẩm thiết yếu trong cuộc chiến chống đại dịch.
Trước khi cuộc khủng hoảng y tế bùng phát, Trung Quốc có thể sản xuất 20 triệu khẩu trang mỗi ngày, khoảng 50% sản lượng của toàn thế giới. Đến cuối tháng 2 vừa qua, nước này đã đẩy sản xuất khẩu trang lên quy mô 116 triệu chiếc mỗi ngày, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố.
Tới ngày 25/4, 74 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế đã ký 192 hợp đồng với các nhà cung cấp thiết bị y tế Trung Quốc, với tổng giá trị lên tới 1,41 tỷ USD. Con số này được lãnh đạo Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận.
Đa phần thiết bị được các đối tác tiếp nhận mà không có phàn nàn. Tuy nhiên, đã phát sinh nhiều báo cáo về các lô hàng bị lỗi, có vấn đề về chất lượng, hay thậm chí làm giả các nhãn hiệu.
Trước tình hình này, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ "trấn áp các sản phẩm làm giả và kém chất lượng", đồng thời cam kết sẽ "trừng phạt không dung thứ" bất cứ công ty nào bị phát hiện xuất khẩu thiết bị không đạt chuẩn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết hôm 15/4. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã tước giấy phép xuất khẩu của 2 công ty, đồng thời cảnh báo hành vi xuất khẩu gian dối.