Bibi Hawa mếu máo, khuôn mặt đẫm nước mắt khi bà đang nằm trên giường bệnh tại bệnh viện ở Sharan, thủ phủ của tỉnh Paktika, Afghanistan.
Ít nhất một tá thành viên trong gia đình Bibi nằm trong số hơn 1.000 người thiệt mạng trong trận động đất thảm khốc xảy ra trong vùng vào rạng sáng 22/6. Người phụ nữ 55 tuổi sợ rằng bà chỉ còn lại một mình.
“Tôi sẽ đi đâu bây giờ, tôi biết đi đâu”, bà Bibi day dứt.
Khi một y tá cố gắng trấn an Bibi, nhẹ nhàng trò chuyện và xoa nhẹ lên trán bà, Bibi thở dài: "Trái tim tôi đang yếu ớt lắm".
Em bé được điều trị trong bệnh viện ở thành phố Sharan sau khi bị thương trong trận động đất thảm khốc ở quận Gayan, thuộc tỉnh Paktika hôm 22/6. Ảnh: AFP. |
Đào hết ngôi mộ này đến ngôi mộ khác
Trận động đất mạnh 5,9 độ tấn công mạnh nhất ở khu vực phía đông hiểm trở và nghèo khó, nơi người dân vốn đã sống “ăn bữa nay, lo bữa mai” kể từ khi Taliban tiếp quản vào tháng 8/2021.
Tâm chấn nằm ở tỉnh Paktika, cách thành phố Khost khoảng 50 km về phía tây nam, theo Phòng Khí tượng học của nước láng giềng Pakistan.
Thảm kịch chết chóc nhất trong 2 thập kỷ phơi bày thách thức lớn đối với chính quyền Hồi giáo hà khắc đã khiến quốc gia bị cô lập vì các chính sách cứng rắn của mình.
“Mọi người đang đào hết ngôi mộ này đến ngôi mộ khác để chôn cất”, ông Mohammad Amin Huzaifa - người đứng đầu Sở Văn hóa và Thông tin ở Paktika nói với AFP, đồng thời cho biết thêm rằng con số ít nhất 1.000 người chết trong vụ động đất được ghi nhận ở riêng tỉnh này.
“Trời còn đang mưa và tất cả nhà cửa đã bị phá hủy. Nhiều người vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát”, ông nói với các nhà báo.
Cư dân địa phương nỗ lực sơ tán những người bị thương trong trận động đất. Ảnh: AP. |
Số người chết không ngừng được cập nhật gia tăng suốt ngày 22/6 trong bối cảnh tin tức về thương vong có độ trễ do các khu vực khó tiếp cận trên núi. Lãnh đạo tối cao của Taliban Hibatullah Akhundzada cảnh báo con số này có thể sẽ còn tăng thêm.
Trước đó, một thủ lĩnh bộ lạc từ tỉnh Paktika - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất - cho biết người sống sót và lực lượng cứu hộ đang cố gắng giúp đỡ những người bị ảnh hưởng từ trận động đất.
“Các chợ địa phương đã đóng cửa và tất cả người dân đã đổ xô đến các khu vực bị ảnh hưởng (để trợ giúp)”, ông Yaqub Manzor nói với AFP qua điện thoại.
Những bức ảnh và video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng loạt ngôi nhà bị tàn phá ở các khu vực hẻo lánh. Một số hình ảnh cho thấy cư dân địa phương đưa các nạn nhân lên trực thăng quân sự.
Liên Hợp Quốc xác nhận ước tính ban đầu cho thấy 2.000 ngôi nhà bị phá hủy trong khu vực, nơi mỗi gia đình trung bình có khoảng 20 thành viên.
Trong căn phòng nơi bà Bibi đang được điều trị, hàng chục phụ nữ khác nằm trên giường - nhiều người ngủ say, một số vùi mình dưới chăn, những người khác đang được truyền dịch.
Shahmira không bị thương, đứa cháu trai một tuổi nằm trong lòng bà. Trên giường bên cạnh, con dâu của bà đang ngủ với những vết thương khắp cơ thể, trong khi con trai bà đang được điều trị tại một khu khác.
"Chúng tôi đang ngủ thì nghe thấy một tiếng động lớn", bà kể lại với AFP về trận động đất.
"Tôi hét lên... Tôi đã tưởng rằng gia đình bị chôn vùi dưới đống đổ nát và tôi là người duy nhất sống sót”, người phụ nữ kể lại.
Nước mắt khắp nơi
Ở một khu liền kề, hàng chục người đàn ông cũng đang được chăm sóc trên giường bệnh.
Một người cha ôm con trai vào lòng - cậu bé mặc chiếc quần màu mù tạt với những trái tim nhỏ màu đen, một chân bó bột bằng thạch cao.
Gần đó, một đứa trẻ khác nằm dưới tấm chăn màu xanh lam. Cánh tay trái của cậu bé cũng đang bó bột, trong khi trên trán có một dải băng trắng với chữ "cấp cứu" được viết bằng bút dạ màu đen.
"Thật khủng khiếp", Arup Khan, 22 tuổi, nhớ lại những khoảnh khắc sau trận động đất.
"Tiếng khóc ở khắp mọi nơi. Những đứa trẻ và cả gia đình tôi mắc kẹt dưới bùn đất”, Khan nói thêm.
Giám đốc Bệnh viện Sharan, Mohammad Yahya Wiar, cho biết họ đã cố gắng hết sức để chữa trị cho mọi người.
Khi những người bị thương đến, họ "gào khóc và chúng tôi cũng bật khóc", anh nói với AFP.
"Đất nước chúng tôi nghèo khó và thiếu thốn nguồn lực. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nó giống như một cơn sóng thần", vị giám đốc nói thêm.
Người dân địa phương đang tập trung để giúp đỡ. Trước bệnh viện, hàng trăm người đàn ông đang kiên nhẫn chờ đợi.
Một chiến binh Taliban giải thích: "Họ đã đến để truyền máu - khoảng 300 người đã truyền máu từ sáng nay".
Vị trí tâm chấn. Đồ họa: BBC. |