Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạc Hy Lai lĩnh án chung thân, mất hết tài sản

Tòa án Nhân dân trung cấp Tế Nam hôm nay tuyên án chung thân cho Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, vì ông này phạm các tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Bạc Hy Lai tới Tòa án Nhân dân trung cấp Tế Nam vào lúc 9h38 sáng nay. Vào lúc 10h, tòa án bắt đầu công bố diễn biến trên mạng xã hội Weibo. Theo họ, ba người thân của Bạc, 22 phóng viên và 89 người chứng kiến buổi tuyên án.

Bị cáo bước vào phòng xử lúc 10h08. Hai phút sau, chủ tọa phiên tòa đọc bản án dành cho Bạc Hy Lai. Chủ tọa khẳng định Bạc phạm các tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực nên xứng đáng nhận án chung thân. Ngoài ra tòa còn yêu cầu tịch thu toàn bộ tài sản của Bạc và cấm ông tham gia chính trường trong suốt phần đời còn lại.

Tòa bác bỏ lời biện hộ của Bạc, đồng thời khẳng định lời khai của các nhân chứng như Cốc Khai Lai, Vương Lập Quân, Vương Chính Cương phù hợp với bằng chứng mà cơ quan điều tra thu được.

Cảnh sát áp giải cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh ra khỏi phòng xử vào lúc 10h58.

Bạc Hy Lai trong phiên tòa ngày 22/9. Ảnh: AP.

Báo  Hong Kong Commercial Daily đưa tin rất có thể Bạc sẽ thụ án tại trại giam Tần Thành, nơi cha của Bạc, cựu phó thủ tướng Bạc Nhất Ba, từng ở. Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, cũng chấp hành án tại đây.

Từng là một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, Bạc Hy Lai bất ngờ mất hết quyền lực sau khi Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh và là "cánh tay phải" của ông, gây nên một vụ động trời cách chạy tới lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô để xin tị nạn chính trị vào ngày 6/2. Tại đây Vương tiết lộ một thông tin sốc: Cốc Khai Lai, phu nhân của Bạc Hy Lai, đã giết người. Nạn nhân của Cốc là Neil Heywood, một người bạn thân của gia đình Bạc.

Chẳng bao lâu sau khi Vương tới lãnh sự quán Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đình chỉ mọi chức vụ của ông Bạc từ ngày 14/3/2012. Giới truyền thông nhận định, vụ cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh là "quả bom chính trị" kinh thiên động địa nhất tại Trung Quốc trong nhiều năm gần đây.

Là con trai của phó thủ tướng Bạc Nhất Ba, một nhà lãnh đạo cấp tiến và có ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc, con đường hoạn lộ của Bạc Hy Lai khá thuận lợi. Từ vị trí chủ tịch thành phố Đại Liên, ông được cất nhắc lên vị trí Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và giành một trong số 25 ghế của Bộ Chính trị. Sau đó ông nhận chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh, một thành phố lớn của Trung Quốc với 30 triệu dân.

Khi Bạc Hy Lai về Trùng Khánh năm 2007, nhiều người cho rằng đây là ngõ cụt cho sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, Bạc vẫn biết cách xoay chuyển tình thế để tạo dấu ấn. Ông thực hiện nhiều biện pháp mạnh để trấn áp tội phạm và nạn tham nhũng, phát động hàng loạt chiến dịch nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Một chủ trương khá lạ của ông là khôi phục các bài hồng ca từ thời Mao Trạch Đông. Phong trào thi hát nhạc đỏ lan từ Trùng Khánh tới nhiều địa phương khác trong cả nước. Bạc trở thành người hùng đối với những người bảo thủ tôn sùng tư tưởng Mao Trạch Đông.

Với phong cách của Mao, Bạc trở thành một ứng cử viên sáng giá cho những vị trí lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, những chủ trương của Bạc khiến một bộ phận dư luận lo ngại Trùng Khánh sẽ quay trở về thời kỳ Cách mạng văn hóa, khi mà chính quyền có thể xử tội công dân mà không cần lý do. Hồi tháng 3 năm ngoái cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh báo rằng đất nước phải cải cách hơn nữa và tránh sa vào một cuộc Cách mạng văn hóa lần thứ hai.

Có lẽ khi ở trên đỉnh cao của danh vọng, Bạc không bao giờ nghĩ rằng mối quan hệ của ông với Neil Heywood - một giáo viên tiếng Anh mà ông gặp khi giữ chức chủ tịch thành phố Đại Liên, tỉnh Sơn Đông trong thập niên 90 - lại góp phần tạo nên bước ngoặt thê thảm trong sự nghiệp của ông. Heywood đã xây dựng cuộc sống khá giả nhờ mối quan hệ với gia đình ông Bạc. Anh ta vừa tư vấn kinh doanh cho gia đình Bạc, vừa giúp đỡ Bạc Qua Qua trong quá trình học tại Anh và Mỹ. Nhờ vậy mà Heywood mua được biệt thự sang trọng ở Bắc Kinh và xe hơi hạng sang.

Song một thực trạng khó tin đã âm thầm diễn ra. Mối quan hệ giữa bà Cốc Khai Lai với Heywood, vốn khăng khít hơn cả mối quan hệ giữa Bạc với người đàn ông Anh, đã rạn nứt dần dần bởi những mâu thuẫn về lợi ích trong kinh doanh. Để chấm dứt mâu thuẫn, bà Cốc quyết định thủ tiêu đối thủ. Bà đã thực hiện thành công âm mưu bằng bữa tiệc với người bạn thân thiết trong một phòng khách sạn vào tháng 11/2011. Heywood ăn, uống với Cốc mà không hề nghĩ rằng người phụ nữ này sẽ đổ chất độc xyanua vào miệng ông ta. Bác sĩ pháp y kết luận Heywood chết vì đau tim và người ta nhanh chóng hỏa thiêu xác.

Vốn là "cánh tay phải" của Bạc, nhưng Vương Lập Quân vẫn ra lệnh điều tra vụ án mạng của Heywood và nghi ngờ Cốc Khai Lai. Bí thư thành ủy Trùng Khánh đã giáng cho thuộc cấp thân tín một cái tát mạnh khiến Vương kinh hãi. Lo ngại Bạc sẽ ra tay tàn độc, Vương quyết định chạy tới lãnh sự quán Mỹ tại Trùng Khánh để xin tị nạn.

Nghe lén các nhà lãnh đạo cấp cao cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến sự nghiệp của Bạc sụp đổ nhanh hơn. Trong một cuộc họp nội bộ của Văn phòng Trung ương đảng vào ngày 11/4 năm ngoái, chủ tịch một tập đoàn nhà nước, người đọc biên bản cuộc họp, đã nói Bạc nghe lén nhiều lãnh đạo cao cấp, bao gồm Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình. Có lẽ Bạc nghe lén điện thoại để tìm kiếm thông tin về ý định quy hoạch nhân sự của các nhà lãnh đạo cao nhất.

Một cựu quan chức trong chính quyền thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, tiết lộ rằng từ khi lãnh đạo thành phố, ông Bạc đã ra lệnh cấp dưới ghi âm cuộc điện thoại của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân khi ông thăm Đại Liên.

Việc Vương Lập Quân chạy tới Thành Đô để xin tị nạn chính trị tại lãnh sự quán Mỹ đã khiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo cấp cao khác ra lệnh thành lập tổ điều tra đặc biệt đối với Vương và những người liên quan. Trong quá trình điều tra, các chuyên gia phát hiện những chứng cứ cho thấy Bạc yêu cầu cấp dưới nghe trộm các cuộc nói chuyện điện thoại.

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm