Study Times, một tờ tuần báo của Đảng Cộng sản, hôm qua đăng một bài bình luận có tiêu đề "Sự cởi mở về pháp lý qua phiên xử ông Bạc". Đây cũng là cụm từ khá phổ biến trong các bài báo trên trang các tờ báo nhà nước. Bài bình luận cho rằng phiên xử kéo dài 5 ngày cho thấy "niềm tin của Trung Quốc vào luật pháp, các bằng chứng và khả năng phân biệt trắng đen".
Rất ít người trong giới phân tích đưa ra những khẳng định to tát như thế. Giới bình luận ở Trung Quốc thì tranh cãi về việc liệu phiên xử ông Bạc đóng góp chút gì vào tiến trình giúp bộ máy tư pháp nước này ngày càng trở lên độc lập hơn hay không. Phiên toà có đủ yếu tố của một màn kịch gay cấn: những lời khai mùi mẫn về chuyện tình tay ba, biệt thự nghỉ mát trị giá hàng triệu USD ở Pháp hay chuyên cơ riêng tới Tanzania.
Báo chí trong nước không ngớt lời chỉ trích Bạc Hy Lai dù vụ án vẫn chưa đến hồi kết. Phần lớn người Trung Quốc dõi theo phiên toà này. Họ thấy các dòng tiêu đề như: "Công tố viên: 'Bạc không nhận tội, ông ta sẽ bị trừng trị thích đáng'". Đảng Cộng sản Trung Quốc xử Bạc về những bê bối tài chính thời kỳ đầu sự nghiệp thay vì những cáo buộc lạm dụng quyền lực. Giới phân tích cho rằng gần như Bạc chắc chắn bị xử có tội.
Một số học giả ca ngợi tính minh bạch của phiên toà. Giới lãnh đạo bất ngờ cho phép tòa án công bố các bản ghi chép trong phiên xử.
"Phiên toà rất công khai và quyền của bị đơn được bảo vệ", Zhang Qianfan, giáo sư môn luật ở đại học Bắc Kinh, bình luận. Một học giả khác cũng cho rằng phiên toà xử Bạc Hy Lai cũng "cởi mở hơn tất cả các phiên xử quan chức cao cấp khác".
Vụ xử này cũng đặc biệt hơn phần lớn các phiên toà khác ở Trung Quốc. Một ví dụ là thời gian. Phiên xử kéo dài những 5 ngày. Năm ngoái, vợ ông Bạc - Cốc Khai Lai - và giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chỉ ra tòa trong một hay hai ngày. Sau phiên toà, lãnh đạo Trung Quốc gợi ý rằng những phiên xử ấy có thể là mô hình cho tương lai.
Tuy nhiên, hiện giới quan sát chưa rõ phiên xử Bạc sẽ ảnh hưởng thế nào tới hệ thống tư pháp của Trung Quốc và liệu nó sẽ khác gì so với nỗ lực cải cách mà chính phủ thông báo tháng trước. Giới học giả cho rằng đây là một ngoại lệ chứ không phải mô hình cho tương lai.
Nhiều học giả về luật pháp cho biết phiên toà xử Bạc khó có thể là mô hình nhân rộng khắp Trung Quốc mặc dù Chủ tịch nước Tập Cận Bình hứa sẽ diệt nạn tham nhũng tận gốc. Kể từ phiên điều tra ông Bạc, nhiều hoạt động trấn áp tham nhũng đã diễn ra. Tuy nhiên, không đối tượng nào thu hút sự quan tâm của công chúng như Bạc Hy Lai và các phiên xử dành cho họ (nếu xảy ra) cũng không ồn ào như vụ này.