Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắc Giang thành đầu tàu tăng trưởng cả nước, Bắc Ninh vẫn đi lùi

Trong 3 tháng đầu năm, có 57/63 tỉnh, thành ghi nhận tăng trưởng dương, trong đó, Bắc Giang vươn lên dẫn đầu cả nước với tăng trưởng GRDP ước đạt gần 14,2%.

Trong 3 tháng đầu năm nay, Bắc Giang dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng GRDP gần 14,2%. Ảnh: Nam Khánh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) so với cùng kỳ năm trước ghi nhận mức tăng ở 57 địa phương và giảm ở 6 địa phương trên cả nước.

TP.HCM vượt Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng

Trong 57 tỉnh, thành có GRDP tăng quý I, có 5 địa phương ghi nhận GRDP tăng trưởng 2 con số, dẫn đầu là Bắc Giang với tăng trưởng đạt gần 14,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng địa phương này mới đạt trên 6,6%, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành.

Trong đó, công nghiệp tiếp tục trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang. Trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Giang tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng gần 11%). Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất và hoạt động ổn định từ cuối quý III/2023 đến nay.

Sau Bắc Giang, Trà Vinh là địa phương có tăng trưởng GRDP cao thứ 2 cả nước với mức tăng 13,9%. Theo sau là Thanh Hóa, Khánh Hòa và Hà Nam, với tăng trưởng GRDP lần lượt ở mức 13,2%, 12,4% và 11%.

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng tiếp tục là địa phương có tốc độ tăng GRDP quý I cao nhất, đạt 9,3% và đứng thứ 7 trong 63 địa phương. Xếp theo sau là TP.HCM tăng 6,5%, Hà Nội tăng 5,5%.

Đứng vị trí thứ 4 nhóm này là Cần Thơ với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 3,1%, xếp thứ 53/63 địa phương.

Đáng chú ý, trong quý I, tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng đã ghi nhận mức âm 0,83%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp hạng 58/63 địa phương.

Cũng trong 3 tháng đầu năm nay, TP.HCM vươn lên xếp thứ 18 với mức tăng trưởng GRDP 6,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng của đầu tàu kinh tế cả nước chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 TP trực thuộc Trung ương.

Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng gần 6%; khu vực dịch vụ tăng hơn 7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng hơn 4%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gần 1%... là những động lực tăng trưởng của TP.HCM.

BẮC GIANG TRỞ THÀNH ĐẦU TÀU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CẢ NƯỚC QUÝ I/2024
5 địa phương dẫn đầu về tăng trưởng GRDP trong quý I. Nguồn: Tổng cục Thống kê
NhãnBắc GiangTrà VinhThanh HóaKhánh Hòa Hà Nam

% 14.1813.9313.1512.410.98

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I của TP.HCM cũng tăng hơn 5% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I tăng mạnh, ước đạt trên 12%. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của thành phố có dấu hiệu hồi phục và khởi sắc trở lại, ước đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 7%.

Còn TP Hà Nội xếp thứ 32 với mức tăng trưởng 5,5% trong quý I, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (tăng 5,8%). Tuy nhiên, các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, chỉ có mức tăng ngành dịch vụ quý I thấp hơn.

Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu đi lùi

Ở chiều ngược lại, có 6 địa phương ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế âm trong quý đầu năm nay. Đứng đầu là Lai Châu - địa phương có GRDP giảm 5,6% quý vừa qua, trong khi cùng kỳ năm ngoái địa phương này vẫn ghi nhận tăng trưởng 0,5%.

Trong quý đầu năm nay, một số địa phương tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm là Bắc Ninh (-3,8%), Quảng Nam (-3,1%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-1,7%). Bên cạnh đó, Sơn La cũng ghi nhận tăng trưởng âm 2,7%, trong khi quý I/2023 tăng trưởng 2,1%.

Đáng chú ý là trường hợp của Đà Nẵng bất ngờ ghi nhận tăng trưởng âm gần 1% trong quý đầu năm nay. Xét trong khối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam là 2 địa phương có quy mô GRDP đạt thấp hơn cùng kỳ.

Dịch vụ - vốn là khu vực có đóng góp chính cho tăng trưởng chung của Đà Nẵng chỉ tăng nhẹ 0,14% trong quý đầu năm nay, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giảm tới gần 3,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.

tang truong kinh te anh 1

Đà Nẵng bất ngờ ghi nhận tăng trưởng âm trong quý đầu năm 2024. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Nguyên nhân nhịp độ tăng trưởng kinh tế của thành phố này có xu hướng chậm lại trong quý I, theo Cục Thống kê Đà Nẵng, do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn như sản xuất công nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi, thị trường bất động sản trầm lắng, lĩnh vực đầu tư và xây dựng chưa có nhiều điểm sáng...

Về tổng thể cả nước, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tăng gần 5,7% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng quý I cao nhất kể từ năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gần 3%, đóng góp 6,1% vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 41,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,1%, đóng góp 52,2%.

Tổng cục Thống kê đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng kinh tế quý I/2024 của nước ta vẫn duy trì tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

GDP quý I tăng 5,66%

Với mức tăng 5,66% trong quý I năm nay, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng trong quý đầu năm cao nhất giai đoạn 2020-2024.

Giá gạo, nước, điện khiến CPI quý I tăng 3,77%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước, do giá gạo trong nước tăng theo xuất khẩu, trong khi một số địa phương điều chỉnh giá nước, EVN tăng giá điện.

Hà Nội có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội tiếp tục là địa phương có mức sống cao nhất cả nước, TP.HCM vượt Quảng Ninh để xếp thứ 2.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm