Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo dữ liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp, gạo tẻ ngon trong dịp Lễ ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán. Quý I, giá gạo tăng 21,71% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm.
Nhiều mặt hàng tăng giá
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm nước sinh hoạt tăng 10,58% do nhu cầu sử dụng nước tăng cùng với động thái tăng giá nước ở một số tỉnh, thành, khiến CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,38% khi nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4/5/2023 và ngày 9/11/2023, góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,4% do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng, làm CPI chung tăng 1,02 điểm phần trăm.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông quý I giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước bởi giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
CPI THÁNG 3 HẠ NHIỆT SO VỚI THÁNG TRƯỚC | ||||||||||||||
Tốc độ tăng/giảm CPI các tháng trong 1 năm qua. Nguồn: Tổng cục Thống kê. | ||||||||||||||
Nhãn | Tháng 3/2023 | Tháng 4 | Tháng 5 | Tháng 6 | Tháng 7 | Tháng 8 | Tháng 9 | Tháng 10 | Tháng 11 | Tháng 12 | Tháng 1 | Tháng 2 | Tháng 3 | |
% | 3.35 | 2.81 | 2.43 | 2 | 2.06 | 2.96 | 3.66 | 3.59 | 3.45 | 3.58 | 3.37 | 3.98 | 3.77 |
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý I giảm 1,75% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 4,63%. Cụ thể, giá xuất khẩu cà phê tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng cao; giá xuất khẩu gạo tăng hơn 21% do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới tăng cao.
Đặc biệt, chỉ số giá vàng tiếp tục gây chú ý khi tháng 3 tăng 4,59% so với tháng trước và tăng 22,71% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23%. Chỉ số giá USD tháng 3/2024 cũng tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước, bình quân quý I tăng 3,97%.
CPI cả năm dự kiến tăng 3,8-4,5%
Nhận định về áp lực lạm phát trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá cho biết áp lực lạm phát được nhìn nhận, đánh giá dựa trên yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế.
Thời gian qua, lạm phát thế giới có xu hướng hạ nhiệt, song tình hình xung đột giữa các quốc gia đang làm gia tăng chi phí vận tải, rủi ro an ninh lương thực, an ninh năng lượng... gây sức ép tới giá nguyên liệu sản xuất của Việt Nam.
Về tình hình trong nước, bà Oanh đánh giá áp lực lạm phát không nhỏ. Đơn cử như giá gạo, nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia như Trung Quốc, UAE, Malaysia... tăng tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng kéo theo giá gạo tăng trong nước tăng.
"Bên cạnh đó, áp lực về giá điện lớn. Bởi đây là mặt hàng tác động lớn đến CPI, nếu chỉ số giá điện tăng 10% thì sẽ làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm. Năm nay EVN có thể tiếp tục tăng giá điện để đảm bảo biến động tăng chi phí đầu vào sản xuất điện. Thêm vào đó, thời tiết cực đoan khiến nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tăng lên...", Vụ trưởng Vụ thống kê giá nhìn nhận.
Ngoài ra, bà Oanh cho biết giá xăng dầu thế giới từ nay đến cuối năm cũng có xu hướng tăng, điều này sẽ tác động tới giá xăng dầu trong nước. Theo vị này, giá xăng dầu trong nước tăng 10% thì sẽ tác động CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Giá điện dự kiến tăng tiếp trong năm nay sẽ gây áp lực lạm phát. Ảnh: Việt Linh. |
Về các kịch bản lạm phát trong năm nay, lãnh đạo Vụ thống kê giá cho biết Tổng cục Thống kê đã đưa ra 3 kịch bản lạm phát dựa trên biến động giá các loại hàng hóa có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng.
Theo đó, ở kịch bản 1, chỉ số CPI tăng 3,8%; với kịch bản 2, CPI tăng 4,2% và kịch bản 3, CPI tăng 4,5%.
Trước dự báo trên, bà Oanh khuyến nghị đối với việc tăng giá điện, y tế, giáo dục, các bộ, ngành cần lên kế hoạch và có lộ trình cụ thể, từ đó đề xuất Ban chỉ đạo điều hành giá xem xét.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đảm bảo lưu thông hàng hóa, nhất là mặt hàng xăng dầu, đảm bảo đủ cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tổng cục Thống kê khuyến nghị đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho tiêu dùng của người dân, theo dõi sát diễn biến giá hàng hóa, điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa.
CPI là chỉ số phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá cả chung theo thời gian của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân. Chỉ số này dùng để đo lường tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế trong một thời gian nhất định. Nếu CPI tăng, tỷ lệ lạm phát đang gia tăng (tức giá cả hàng hoá dịch vụ trở nên khá đắt đỏ, khiến sức mua bị suy giảm) và ngược lại.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.