Hà Nội tiếp tục là địa phương có mức sống đắt đỏ nhất cả nước. Ảnh: Việt Linh. |
Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm qua là Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Dương.
Trong khi đó, năm 2022, Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu là 5 địa phương có mức giá cao nhất. Như vậy, TP.HCM đã vượt Quảng Ninh về chi phí sống đắt đỏ trong năm 2023.
Ở chiều ngược lại, 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Bến Tre, Nam Định, Quảng Trị, Sóc Trăng và Gia Lai. Như vậy, so với năm 2022, Bến Tre đã vượt Quảng Trị để dẫn đầu về chi phí sống rẻ nhất cả nước và Gia Lai cũng mới góp tên trong top 5.
TP.HCM vượt Quảng Ninh về chi phí sống đắt đỏ
Tại báo cáo này, TP.HCM xếp thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, địa phương này có 3 nhóm chỉ số giá bình quân cao hơn Hà Nội như hàng hóa và dịch vụ khác (121%); giáo dục (117%); đồ uống và thuốc lá (115%).
Trong khi đó, một số nhóm hàng của TP.HCM có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội là may mặc, mũ nón và giày dép (82%); văn hóa, giải trí và du lịch (92%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (94%); thiết bị và đồ dùng gia đình (95%).
TP.HCM là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.
"Bên cạnh nguồn cung hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, TP đã đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa, theo đó giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn so với Hà Nội", Tổng cục Thống kê đánh giá.
TP.HCM VƯỢT QUẢNG NINH VỀ CHI PHÍ SỐNG ĐẮT ĐỎ | |||||||||||
Những địa phương có chỉ số SCOLI cao/thấp nhất năm 2023. Số liệu so với chỉ số tại Hà Nội là 100%. Nguồn: Tổng cục Thống kê. | |||||||||||
Nhãn | Hà Nội | TP.HCM | Quảng Ninh | Hải Phòng | Lâm Đồng | Gia Lai | Sóc Trăng | Quảng Trị | Nam Định | Bến Tre | |
% | 100 | 98.44 | 97.94 | 96.07 | 94.65 | 87.91 | 87.92 | 86.67 | 86.35 | 85.93 |
Đứng thứ ba cả nước là Quảng Ninh với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 6 nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội, như thiết bị và đồ dùng gia đình (92%); giao thông (94%); may mặc, mũ nón, giày dép (96%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (97%)...
Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng có giá cao hơn Hà Nội là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (114%); thuốc và dịch vụ y tế (107%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (104%); đồ uống và thuốc lá (104%); giáo dục (103%).
Theo cơ quan thống kê, Quảng Ninh có vị trí đắt đỏ thứ ba cả nước do là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.
Đáng chú ý, Bình Dương đứng thứ 5 cả nước với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 94,25%, tăng mức đắt đỏ 3 bậc so với năm 2022. Hầu hết nhóm hàng của Bình Dương đều thấp hơn Hà Nội. Chỉ riêng một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cao hơn 18%; bưu chính viễn thông cao hơn 13%; hàng hóa và dịch vụ khác cao hơn 8%.
Bến Tre có chi phí sống rẻ nhất nước
Theo Tổng cục Thống kê, Bến Tre là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2023 thấp nhất cả nước khi chỉ bằng 85,93% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Bến Tre so với Hà Nội trong khoảng 72-101%.
"Nhìn chung, giá lương thực, thực phẩm; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; dịch vụ giáo dục và y tế, chi phí du lịch thấp là các yếu tố chính khiến giá bình quân của Bến Tre thấp nhất cả nước", cơ quan thống kê lý giải.
Địa phương có chỉ số giá SCOLI thấp thứ 2 cả nước năm vừa qua là Nam Định với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 86,35%. So với Hà Nội, giá bình quân các nhóm hàng của Nam Định ở mức 73-103%. Tiếp theo là các tỉnh Quảng Trị, Sóc Trăng, Gia Lai, Long An, Nghệ An, Hậu Giang, Trà Vinh...
Cơ quan thống kê đánh giá các tỉnh có mức giá thấp nhất cả nước phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp.
Đồng Nai - tỉnh giáp ranh TP.HCM tăng 18 bậc về mức độ đắt đỏ trong năm 2023. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về địa phương có mức giá biến động nhiều nhất trong năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2022, năm 2023 có 32 địa phương giảm mức độ đắt đỏ, 28 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 3 địa phương không biến động.
Trong đó, các tỉnh biến động nhiều nhất (tăng/giảm 10-18 bậc) là Đồng Nai, Bạc Liêu, Lai Châu, Bình Phước, An Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Long An, Cao Bằng, Đắk Nông, Hà Giang, Sơn La.
Trong đó, Lai Châu có chỉ số SCOLI năm 2023 thay đổi biên độ lớn nhất cả nước, giảm mức đắt đỏ xuống 15 bậc so với năm 2022. Hay Long An năm 2022 ở vị trí thứ 46 nhưng đến năm 2023 xếp ở vị trí thứ 58...
Ngược lại, một số địa phương như Đồng Nai, Bạc Liêu, An Giang, Bình Phước, Thanh Hóa, Bắc Giang, Đắk Nông có biến động tăng mức độ đắt đỏ của năm 2023 so với năm 2022 tương đối cao (11-18 bậc).
Cụ thể, Thanh Hóa từ vị trí thứ 36 trong năm 2022 lên vị trí thứ 24 do giá nhóm đồ uống và thuốc lá cao hơn 15% so với Hà Nội; bưu chính, viễn thông cao hơn 7%. Bình Phước từ vị trí thứ 36 trong năm 2022 lên vị trí thứ 23.
Đáng chú ý, Đồng Nai từ vị trí thứ 25 trong năm 2022 cũng vọt lên vị trí thứ 7 trong năm 2023 do nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cao hơn 11% so với Hà Nội; nhóm thuốc và dịch vụ y tế cao hơn 3%; nhóm giáo dục cao hơn 1%.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.