Học phí cho một khóa học làm mỹ phẩm này dao động 250.000 đồng đến 8 triệu đồng, tùy vào số lượng cũng như độ khó các sản phẩm. Ngoài được dạy về các loại nguyên liệu mỹ phẩm cơ bản, cách pha chế, bảo quản... học viên còn nắm được kiến thức cơ bản về cấu trúc da.
Thanh Mai, sinh viên đại học ở quận 5, mới vào nghề kinh doanh mỹ phẩm handmade được vài tháng nay. Cô cho biết, nếu khéo tay và sắp xếp thời gian học tập hợp lý, công việc này sẽ mang lại mức thu nhập khá với sinh viên. Một thỏi son môi chỉ tốn 20.000 đồng tiền nguyên liệu, nhưng bán ra 40.000-60.000 đồng. Với nước hoa sáp tốn 35.000 đồng nguyên liệu, bán ra với giá 80.000 đồng….
Trước đó, Mai đã tham gia một lớp học làm mỹ phẩm ngắn hạn, với học phí 4 triệu đồng cho 5 sản phẩm thông dụng là son môi, sữa dưỡng da, dầu gội, sữa tắm, nước hoa sáp. Những lớp học cấp tốc này chỉ kéo dài 2-3 tuần, dành cho mọi đối tượng.
Một lớp học làm mỹ phẩm handmade với đủ các loại nguyên liệu và công cụ điều chế. Ảnh: NVCC |
Chị Nguyễn Thị Hồng Thương, giáo viên dạy làm mỹ phẩm handmade cho một trung tâm ở quận Bình Thạnh, cho biết, học viên tham gia các lớp học này rất đa dạng. Sinh viên, nhân viên văn phòng, bà nội trợ, và nhiều nhất là những người muốn học để có thể tự làm ra sản phẩm kinh doanh.
Giáo viên này cho biết thêm, mỗi lớp học thường có 3-10 học viên. Chỉ mấy tháng đầu năm nay, đã có hơn 300 học viên tham gia các khóa học làm mỹ phẩm handmade qua công ty chị. Theo chị Thương, để có thể làm được mỹ phẩm kinh doanh, học viên phải trải qua ít nhất 2 khóa học cơ bản và nâng cao. Mỗi khóa kéo dài từ 15 ngày đến 2 tháng, phụ thuộc vào công thức mỹ phẩm.
Học viên học xong có thể tự làm mỹ phẩm để bán, nhưng để kinh doanh bền vững, trung tâm luôn khuyên học viên của mình đăng ký mẫu sản phẩm với cơ quan quản lý, xin giấy phép sản xuất.
Tại cơ sở này, để tham gia một khóa học, học viên phải đóng 250.000-8.500.000 đồng, bao gồm cả nguyên liệu. Nhưng tùy thuộc vào số lượng và tính chất đơn giản hay phức tạp của sản phẩm mà mức học phí sẽ cao hay thấp. Sản phẩm làm ra học viên được mang về sau những buổi học.
Kem dưỡng môi học viên vừa thực hiện. Ảnh NVCC |
Ưu điểm của mỹ phẩm hanndmade là nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên, khách hàng có thể kiểm soát được công dụng, giá trị, tự lựa chọn những mùi hương cho riêng mình, giá lại rẻ, nên được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng vì những lý do này mà hiện nay, rất nhiều điểm tự phát, nhiều trung tâm lớn nhỏ đua nhau mở lớp dạy làm mỹ phẩm, đa phần là các lớp ngắn hạn, chỉ kéo dài 1-3 tháng. Các lớp học này không ai quản lý, sản phẩm được rao bán bán tràn lan trên mạng cũng không ai thẩm định chất lượng, giá cả.
Ngoài ra, các loại mỹ phẩm tự làm có nhược điểm là hạn sử dụng ngắn, do làm thủ công và không sử dụng chất bảo quản. Người làm nếu không am hiểu nhiều về công thức, nguyên liệu, có thể gây dị ứng cho da nếu trộn lẫn một số nguyên liệu không tương thích với nhau.
Một chuyên gia của viện Pasteur, TP HCM, cho rằng, thực tế nếu nguyên liệu làm mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên thật, pha chế đúng công thức, sản xuất hợp vệ sinh, thì mỹ phẩm handmade không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Nhưng do sản phẩm làm thủ công, các khâu pha chế được thực hiện bằng tay khiến chất lượng không đồng đều, ít nhiều có sai số nhất định. Ngoài ra, người làm đặc biệt chú ý không nên trộn nhiều loại với nhau, vì sẽ làm thay đổi tính chất mỹ phẩm, gây hại cho người dùng.