Trao đổi với Zing.vn chiều 20/4, sau khi có thông báo của Văn phòng Thành ủy TP.HCM nói về việc chuyển nhượng khu đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè không theo đúng quy định, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG), doanh nghiệp mua dự án này, khẳng định đã tìm hiểu kỹ và mua với giá thị trường. Tuy nhiên, bà Loan cũng nhấn mạnh nếu thành phố muốn thu hồi doanh nghiệp sẽ giao lại và bên bán phải có thỏa thuận đền bù hợp lý.
Tìm hiểu kỹ mới thực hiện giao dịch
- Liên quan đến văn bản của Thành ủy TP.HCM về việc đàm phán hủy hợp đồng chuyển nhượng lô đất gần 33 ha ở xã Phước Kiển vì không đúng quy định, bà phản hồi về việc này như thế nào?
- Tôi xin khẳng định tất cả lô đất này tôi mua từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận hoàn toàn không phải là đất công. Hai bên đều là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và có pháp nhân rõ ràng. Khi tôi mua cũng được HĐQT đồng ý cho mua, bên Tân Thuận cũng thế, Thành ủy TP.HCM đồng ý.
Nếu nói Tân Thuận có vốn 100% của Thành ủy thì lô đất được bán là tài sản công là không hợp lý. Điều này đồng nghĩa với việc bán căn hộ cũng là tài sản công, phân lô bán nền cũng là bán tài sản công, dư luận đang hiểu khập khiễng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng lô đất gần 33 ha tại Phước Kiển không phải là đất công và đã mua đúng giá thị trường. Ảnh: Trương Khởi. |
Tôi nói rõ hơn, lô đất hơn 32 ha này không phải được Nhà nước giao cho Tân Thuận quản lý rồi mang đi bán. Lô đất này hình thành từ vốn sản xuất kinh doanh của Tân Thuận. Công ty này cũng đang đền bù cho người dân và đã báo cáo tồn kho này vào tài khoản 154 là hàng hóa tồn kho của công ty. Hơn nữa, nguồn thu chuyển nhượng này được điều chuyển bổ sung vào vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh - dịch vụ, tạo nguồn thu cho ngân sách Đảng bộ thành phố.
Tôi đã tìm hiểu rất kỹ mới thực hiện giao dịch, và cũng hiểu mua đất công phải qua đấu giá. Tôi là Chủ tịch HĐQT, nếu quyết định không đúng, tôi sẽ làm thất thoát tiền của hơn 2.000 cổ đông. Đây là điều không thể quyết định vội vàng.
- Theo nhiều văn bản xác định quá trình đàm phán và thực hiện giao dịch với lô đất này rất nhanh và QCG đang được ưu ái, để hoàn tất sớm thương vụ?
- Thương vụ này tôi không hiểu căn cứ nào nói rằng rất nhanh. Trong năm 2016, tôi đến Công ty Tân Thuận đàm phán phải mất đến hơn 10 tháng mới đi đến ký kết hợp đồng.
Tôi được biết ngay sau khi đàm phán, Tân Thuận đã thuê định giá và trình lên Thành ủy, thời gian này cũng hết 3-4 tháng. Sau khi trình và được đồng ý thì mới thực hiện.
Thêm vào đó, chúng tôi cũng phải thực hiện thủ tục công chứng xong mới bắt đầu triển khai. Một giao dịch đất như vậy là hết sức bình thường. Tôi không hiểu căn cứ nào nói thương vụ này được quyết định trong vòng vài ngày.
Tôi đã tìm hiểu kỹ mới giao dịch, và hiểu mua đất công phải qua đấu giá. Tôi là Chủ tịch HĐQT, nếu quyết định không đúng, tôi sẽ làm thất thoát tiền của hơn 2.000 cổ đông.
Trong suốt quá trình hơn 10 tháng thực hiện đàm phán, thương lượng và đi đến ký kết hợp đồng chuyển nhượng này, QCG hoàn toàn ý thức được việc giao dịch mua bán tuân thủ đúng theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai. Chúng tôi khẳng định luôn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật khi ký Hợp đồng nhận chuyển nhượng.
"Tôi thấy mình mua đúng giá thị trường"
- Vậy còn sự ưu ái về giá mua dự án này khiến Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng cũng được nhắc đến, bà nói thế nào?
- Tôi khẳng định giá bán khu đất đã được điều chỉnh tăng lên theo các phụ lục hợp đồng và đúng với giá thị trường. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng và thanh toán xong, đến tháng 12/2017 thì Tân Thuận phát hành cho chúng tôi công văn ngưng hợp đồng theo văn bản chỉ đạo của Thành ủy. Tôi rất bất ngờ về chuyện này. Tiền giao rồi, đất đang san ủi không có lý do gì để ngưng hợp đồng.
Đến tháng 2/2018, Công ty Tân Thuận và QCGL ký lại phụ lục hợp đồng số 3 điều chỉnh đơn giá theo thuyết minh kết quả của Sở Tài nguyên - Môi trường.
Tổng số tiền tăng thêm là 155 tỷ đồng sẽ được QCG thanh toán 70% chậm nhất vào cuối năm 2018, phần còn lại thì thanh toán trong quý I/2019. Tất cả việc điều chỉnh này đều được đánh giá kỹ từ các cơ quan chức năng.
Lô đất Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng từ Công ty Tân Thuận. Ảnh: Lê Quân. |
- Vậy tổng cộng số tiền QCG chi mua khu đất này là bao nhiêu?
- Ban đầu chúng tôi không đồng ý với phương án trên. Tuy nhiên, do giá đất bồi thường (tức số tiền chủ đầu tư đã trả để có được khu đất hoặc trực tiếp giải tỏa bồi thường) sẽ được khấu trừ vào tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất không ảnh hưởng tới cổ đông, nên công ty đồng ý trả thêm. Với điều kiện chúng tôi được nợ lại đến cuối năm 2018 mới thanh toán 70% như trên.
Như vậy, tổng giá trị khu đất này là 632 tỷ đồng chứ không phải 419 tỷ đồng như báo chí đăng tải. Tôi thấy mình mua đúng theo giá thị trường nhưng không hiểu sao dư luận vẫn gán cho chúng tôi là mua được rẻ.
- Nhiều thông tin cho rằng ngoài việc mua lại hơn 32 ha đất công sản này, từ năm 2009 Công ty Quốc Cường Gia Lai còn nhận chuyển nhượng đất của người dân. Thời điểm đó, công ty đã đền bù đất nông nghiệp trồng lúa với giá hơn 4,6 triệu đồng/m2. Vậy giá mua đang thấp hơn rất nhiều so với giá đền bù?
- Tôi không hiểu con số này ở đâu ra. Có thể đây là sự nhầm lẫn nếu thông tin cho rằng chúng tôi mua dự án này năm 2009 với giá 4,6 triệu đồng/m2. Tại thời điểm này, chúng tôi chưa có dự án nào sao có thể mua với giá đó được?
Giá 4,6 triệu đồng/m2 chúng tôi mua là của dự án Bắc Phước Kiển rộng 91 ha, nằm cách dự án này tới 10 km. Dự án 91 ha nằm gần trung tâm hơn nhưng trũng, tôi mua với giá đó là chính xác.
Nếu trường hợp xấu nhất bị thu hồi dự án thì chúng tôi cũng xem xét trả lại, và bên bán có thể thỏa thuận đền bù hợp lý.
Tuy nhiên, đưa giá của khu này áp cho khu kia là điều không hợp lý. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông, yêu cầu xác minh rõ. Công ty tôi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chuyện này vì các hợp đồng mua bán đều chững lại trong thời gian qua.
Không có ý định đưa vụ việc ra tòa
- Vậy trong trường hợp dự án này sẽ bị thu hồi theo như văn bản của Thành ủy, hướng xử lý tiếp theo của QCG như thế nào?
- Từ ngày chúng tôi đàm phán và ký hợp đồng đến nay chưa nhận được một văn bản nào của Thành ủy, ngoại trừ các lần gặp gỡ để điều chỉnh phụ lục hợp đồng. Vì thế, hiện tại chưa có cơ sở để giải quyết việc này như thế nào. Nếu trong trường hợp xấu nhất bị thu hồi dự án thì chúng tôi cũng xem xét trả lại, và bên bán có thể thỏa thuận đền bù hợp lý.
- Vậy còn thông tin bà trả lời báo chí cho rằng sẽ đưa mọi việc ra tòa?
- Tôi khẳng định QCG giải quyết chuyện này trên phương diện thiện chí, hai bên tìm ra những thỏa thuận hợp lý và căn cứ trên hợp đồng. Nếu Thành ủy thu hồi khu đất, chúng tôi cũng sẵn sàng giao lại chứ không hề có ý định đưa mọi việc ra tòa vì mọi việc đều căn cứ trên hợp đồng.
Một lần nữa tôi khẳng định QCG sẽ đối diện vấn đề này một cách thiện chí nhất có thể.
Thương vụ được thực hiện trong vòng 7 ngày?
Theo thông tin đăng tải trên Tiền Phong, ngày 19/4/2017, Công ty Tân Thuận tiến hành cuộc họp của Hội đồng Xây dựng giá bất động sản kinh doanh. Ngày 24/4/2017, Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai họp bàn phương án chuyển nhượng khu đất. Đến 25/4/2017, Tổng giám đốc Trần Công Thiện có trình tờ trình số 354/TTr-TT trình lên Hội đồng Thành viên Công ty Tân Thuận, và hai ngày sau ông Trần Công Thiện thay mặt Hội đồng Thành viên tiếp tục trình lên lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Phòng Quản lý Đầu tư - Kinh doanh Vốn (Văn phòng Thành ủy) về phương án chuyển nhượng đất và hợp tác với Quốc Cường Gia Lai.
Chỉ trong 7 ngày, Tân Thuận đã chuyển nhượng khu đất công sản này cho Quốc Cường Gia Lai.