Ngay khi thị trường mở cửa phiên cuối cùng trong tuần này (20/4), cổ phiếu QCG đã lập tức giảm sàn 7%, xuống mức 10.850 đồng/cổ phiếu. Chỉ 2 ngày, cổ phiếu QCG đã mất 14% giá trị.
Đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu doanh nghiệp đại gia phố núi này trong vòng gần một năm qua. Cách đây đúng một năm chính là thời điểm thăng hoa của QCG khi cổ phiếu này có hàng chục phiên tăng trần liên tiếp, đẩy giá tăng mạnh từ mức trên dưới 4.000 đồng/cổ phiếu lên gần 30.000 đồng/cổ phiếu.
Cũng tương tự như phiên giảm sàn hôm qua, thanh khoản của QCG phiên hôm nay cũng chỉ đạt vỏn vẹn 168.900 đơn vị và đã không còn bất kỳ lệnh đặt mua nào. Trong khi đó, lượng cổ phiếu dư bán vẫn còn hơn 1,78 triệu đơn vị.
Với phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, cổ phiếu QCG đã giảm xuống mức giá thấp nhất trong gần 1 năm trở lại đây. Nguồn: VNDirect. |
Với việc giảm sàn thứ 2 liên tiếp này, sau khi mất hơn 233 tỷ đồng vốn hóa vào phiên hôm qua, Quốc Cường Gia Lai tiếp tục “bốc hơi” thêm 220 tỷ đồng vốn hóa. Hiện, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp bất động sản phố núi này chỉ còn lại 3.205 tỷ đồng, giảm tới gần 730 tỷ đồng so với đầu tuần (16/4).
Với hơn 57% cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp, gia đình đại gia Nguyễn Quốc Cường tiếp tục mất thêm hơn 125 tỷ đồng tài sản nữa trên sàn chứng khoán.
Đà sụt giảm mạnh của QCG đến ngay sau khi Thành ủy TP.HCM có yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng đất tại dự án Phước Kiển giữa đại gia bất động sản này với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.
Mới đây, Quốc Cường Gia Lai đã chính thức lên tiếng về việc UBND TP.HCM không đồng ý việc bán chỉ định đối với dự án Phước Kiển.
Theo đó, doanh nghiệp bất động sản này cho biết khu đất nông nghiệp trên 32,4 ha tại xã Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM được nhắc đến là khu đất mới mà công ty đã nhận chuyển nhượng nhưng diện tích đất được đền bù không tập trung, còn da beo rất nhiều, không có mặt tiền và đường vào khu đất.
Dự án Khu dân cư Phước Kiển được công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai với giá 419 tỷ đồng, chênh so với giá thị trường 2.000 tỷ đồng. |
Hiện công ty đang tiếp tục đền bù các thửa đất của người dân, khi đền bù đủ 100% thì mới được công nhận chủ đầu tư để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, quy mô quy hoạch của khu đất này là khoảng 50 ha nằm tại xã Phước Kiển và hoàn toàn không liên quan tới dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển có diện tích 91,6 ha mà Quốc Cường GIa Lai đã được chấp thuận đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Phước Kiển.
Đại gia phố núi cũng khẳng định nếu giao dịch khu đất nông nghiệp 32,4 ha với Công ty Tân Thuận không thành công vẫn không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của doanh nghiệp thời gian tới.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, cũng cho biết hợp đồng mua đất của Công ty Tân Thuận là giao dịch dân sự thông thường, thuận mua vừa bán. Nếu TP.HCM yêu cầu thì doanh nghiệp sẵn sàng trả lại trên cơ sở điều khoản hợp đồng ký kết.