Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thăm Kyiv hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |
"Vấn đề đầu tiên là chúng tôi không có vũ khí hạt nhân. Luôn có cơ hội khả thi để các đồng minh chia sẻ hạt nhân", Tổng thống Duda nói ngày 5/10, Bloomberg đưa tin.
Việc chia sẻ hạt nhân có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức, từ cung cấp máy bay hộ tống hoặc trinh sát cho một nhiệm vụ hạt nhân, hoặc cung cấp máy bay mang theo vũ khí hạt nhân của đồng minh.
Một số thành viên NATO như Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các nước này.
Tổng thống Duda cho biết Ba Lan đã trao đổi với giới lãnh đạo Mỹ về khả năng Washington cân nhắc các phương án chia sẻ hạt nhân.
Bình luận được Tổng thống Duda đưa ra sau khi giới chức Nga từng cảnh báo có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, trong bối cảnh quân đội Ukraine đạt được bước tiến đáng chú ý tại Kharkiv, Luhansk và Kherson những ngày gần đây.
Hồi tháng 4, Chủ tịch đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền Jaroslaw Kaczynski, một trong các chính trị gia quyền lực nhất Ba Lan, cho biết Warsaw sẵn sàng cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.
Trước tuyên bố của ông Kaczynski, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết lập trường của chính phủ Ba Lan "gây lo ngại sâu sắc", có thể dẫn tới leo thang căng thẳng tại châu Âu.
Hôm 4/10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ chưa nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân, theo Reuters.
"Chúng tôi hiện chưa thấy bất cứ lý do nào để điều chỉnh trạng thái của lực lượng hạt nhân chiến lược, cũng như không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân", bà Jean-Pierre nói.