Đó chính là nhà văn Bà Tùng Long (1915-2006), người nổi tiếng trong làng báo Sài Gòn những năm 50-60 thế kỷ XX, qua mục Gỡ rối tơ lòng và Tâm tình cởi mở trên hai báo hằng ngày Sài Gòn Mới và Tiếng Vang.
Ngoài ra, tên bà được độc giả khắp miền Nam yêu mến nhờ những tiểu thuyết về đề tài xã hội, với nhân vật chính là những người phụ nữ bình dân hết sức gần gũi với các tầng lớp lao động, như Bóng người xưa, Mẹ chồng nàng dâu, Giang san nhà chồng…
Tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh tại Hội An, do cha bà là nhân viên ngành thuế được cử đi làm việc tại khắp nhiều tỉnh miền Trung, nên bà cũng có tuổi thơ "xê dịch" cùng gia đình và tốt nghiệp trung học ở trường Áo Tím (Gia Long), Sài Gòn.
Bà bộc lộ năng khiếu văn chương từ khá sớm. Khi còn học trung học, bà đã có bài báo, tùy bút hoặc bài dịch về đề tài phụ nữ từ báo Pháp, gửi đăng báo Sài Thành.
Bà quen biết rồi yêu nhà văn, nhà báo Nguyễn Đức Huy (bút danh Hồng Tiêu) qua trang báo, sau đó nên duyên vợ chồng năm 1935. Tuy ông Hồng Tiêu trước đó đã có một đời vợ và có ba con, nhưng hai ông bà sống với nhau rất hạnh phúc đến tận cuối đời và có với nhau tới sáu người con nữa, cả chín người con đều sống chung đầm ấm cùng ông bà.
Năm 1944, do máy bay quân Đồng Minh ném bom Sài Gòn đánh quân Nhật, hai ông bà sơ tán về quê ông ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ở đây, bà bắt đầu tham gia công tác dạy học, xóa mù chữ cho người dân cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Dạy học có uy tín, bà từng được Ty giáo dục Quảng Ngãi mời làm liên Hiệu trưởng các trường quanh vùng Nghĩa Kỳ.
Gia đình bà trở lại Sài Gòn năm 1951, bà tham gia dạy Việt văn và Pháp văn tại các trường tư thục như Ðạt Ðức, Tân Thịnh, Les Lauriers. Sau này, để tăng thêm thu nhập, bà bắt đầu viết truyện cho các nhật báo. “Vì anh của chồng tôi (ông Bút Trà - Nguyễn Ðức Nhuận) làm chủ báo, các cháu tôi cũng có đứa làm chủ nhiệm báo tuần, nên tôi có đất để hoạt động”, bà kể lại.
Bước vào làng báo, bà dùng bút danh Bà Tùng Long do ông Hồng Tiêu đặt cho, do người xưa hay nói “Vân tùng Long, Phong tùng Hổ” (mây theo rồng, gió theo hổ), bà tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. "Khi ký bút danh này, tôi thấy không trùng với ai, cho nên tôi dùng luôn đến nay", bà kể lại trong cuốn Hồi ký Bà Tùng Long.
"Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, cho nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt... Hồi còn trẻ bà Đạm Phương thường dùng danh từ Đạm Phương nữ sĩ, và bà Tương Phố cũng dùng bút danh Tương Phố nữ sĩ... Riêng tôi không dám tự hào là nữ sĩ, nên tôi không ký Tùng Long nữ sĩ...", bà lý giải.
Trong cuốn Hồi ký Bà Tùng Long, nhà văn kể lại chi tiết chuyện đời, chuyện nghề của mình. |
Nghỉ dạy đi viết báo, bà trở thành nguồn lao động chính của gia đình, do ông Hồng Tiêu không muốn viết báo với Pháp, Nhật và Mỹ. Trong cuốn Hồi ký, Bà Tùng Long đánh giá, thời kỳ thành công và phồn thịnh nhất trong sự nghiệp của mình là từ năm 1957 đến năm 1963.
Lúc còn đi dạy, mỗi tháng lương bà được 10.000 đồng, bằng hai lượng vàng. Khi viết báo, tiền viết cho báo Phụ nữ Ngày mai và Phụ nữ Diễn đàn cùng Văn nghệ Tiền phong được 15.000 đồng, tiền viết hai mục ở báo Tiếng Vang là 12.000 đồng. Tiền lĩnh ở báo Sài Gòn Mới cũng 12.000 đồng. Tính ra vàng là cả chục cây. Còn nhuận bút mỗi cuốn sách của bà trung bình khoảng 70.000 - 100.000 đồng/cuốn, lúc giá vàng là 5.000 đồng/lượng.
Nhờ tiền nhuận bút, bà có đủ tiền đề mua căn cư xá Chu Mạnh Trinh, nơi tập trung rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, để chuyển gia đình về ở.
Hầu hết thời gian hoạt động của bà đều dành cho việc phục vụ chồng con và viết lách. Ðêm nào bà cũng chong đèn ngồi viết, không nghỉ đêm nào, không một ngày du lịch nơi đâu. Cứ hết ba trang feuilleton (truyện dài kỳ đăng lần lượt trên báo) cho báo này lại chuyển qua ba trang feuilleton cho báo khác.
Các tòa báo tự cho người đến nhà bà lấy bài về đăng mỗi ngày. Có lúc bà viết cùng lúc bốn tiểu thuyết dài kỳ cho bốn tờ báo.
Bà tự nhận xét về bản thân: “Tôi chưa bao giờ dám tự hào xưng mình là văn sĩ, nữ sĩ. Tôi chỉ nói tôi viết văn là để nuôi con, chỉ thế thôi”. Dù là nhà văn nổi tiếng, bà vẫn tự nhận: “Nghề dạy học luôn được tôi xem là nghề tay mặt, còn viết văn chỉ là nghề tay trái mà thôi”.
Và dù viết văn chỉ được bà coi là "nghề tay trái", nhưng với 60 tác phẩm ra đời từ năm 1956 đến 1967, cùng 400 truyện ngắn và hàng ngàn bài báo, bài tư vấn tâm lý, Bà Tùng Long là một nhà văn nữ có sức làm việc phi thường và đáng nể.
Con trai bà, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ðông Thức, hồi tưởng trong cuốn ký ức Ði qua nước mắt nụ cười: “Nhiều hôm ngủ một giấc thức dậy, tôi vẫn thấy mẹ cặm cụi ngồi viết, tiếng bút Bic chạy rào rào trên giấy. Sức “cày” đó, suốt đời tôi không chạy theo kịp và cũng khó có nhà văn nam nào làm việc bằng”.
Sau năm 1975, nhiều cuốn tiểu thuyết của Bà Tùng Long tiếp tục được in và được công chúng đón nhận. Bà mất năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 90 tuổi.