Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton tại phiên điều trần về vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Benghazi, Libya. Ảnh: New York Times |
Trey Gowdy, nghị sĩ đảng Cộng hòa, được chọn đứng đầu Ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ về vụ tấn công khủng bố nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Benghazi, Libya năm 2012 làm 4 người Mỹ thiệt mạng. Trong phiên điều trần kéo dài hơn 10 giờ hôm 22/10, bà Hillary Clinton phải phản bác rất nhiều câu hỏi nhằm buộc tội bà lơ là nhiệm vụ bảo vệ cơ quan ngoại giao bên ngoài lãnh thổ khi còn đảm trách cương vị ngoại trưởng Mỹ, New York Times đưa tin.
Tuy nhiên, ứng viên tổng thống đang dẫn đầu của đảng Dân chủ không đơn độc. Nhiều nghị sĩ Dân chủ có mặt trong Ủy ban điều tra. Trong phiên điều trần, bất đồng giữa các bên bị đẩy lên tới đỉnh điểm. Tại một thời điểm, Nghị sĩ Cộng hòa Trey Gowdy, chủ tịch Ủy ban điều tra và 2 nghị sĩ Dân chủ cãi vã xung quanh việc trao đổi email của bà Clinton khi đang đảm trách cương vị ngoại trưởng Mỹ.
Khi phiên điều trần diễn ra được hơn 6 giờ, các thành viên đảng Dân chủ bực tức bởi cách điều hành của vị chủ tịch thuộc phe Cộng hòa. Họ đe dọa rút khỏi ủy ban điều tra và cáo buộc phía Cộng hòa đang cố gắng làm tổn hại tới ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ.
Sau khi tạm hoãn ăn nghỉ trưa, các nghị sĩ lại tiếp tục bất đồng xung quanh vấn đề của bà Clinton. Phía Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hòa “lãnh đạo cuộc thập tự chinh đảng phái” chống lại bà Clinton trong khi phía Cộng hòa buộc tội phe Dân chủ đang nỗ lực ngăn cuộc điều tra hợp pháp về sai sót an ninh chết người tại một cơ sở ngoại giao Mỹ.
Phiên điều trần của bà Clinton được phát trực tiếp trên truyền hình và Internet. Đây là cơ hội đầu tiên để bà Clinton có thể thanh minh về vụ việc bị chỉ trích nhiều nhất trong nhiệm kỳ ngoại trưởng của bà kể từ năm 2013. Những câu trả lời cho thấy ứng viên tổng thống Mỹ Clinton tìm cách tạo dựng hình ảnh điềm tĩnh và uy quyền, mạnh mẽ trước ủy ban trong khi phát biểu tại phiên điều trần.
Bà Clinton cũng nhắc lại sự can đảm của J. Christopher Stevens - đại sứ Mỹ tại Libya và 3 nhà ngoại giao khác thiệt mạng trong vụ tấn công ở Benghazi năm 2012. Một lần nữa, bà Clinton nhận trách nhiệm về vụ tấn công làm 4 người Mỹ chết.
Tuy nhiên, trên cương vị người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Mỹ, bà không trực tiếp phê duyệt hoặc bác bỏ yêu cầu tăng cường an ninh ở cơ sở ngoại giao ở nước ngoài. Bà cũng phản báo cáo buộc trách nhiệm trong cái chết của các nhà ngoại giao Mỹ dù cá nhân bà rất “đau buồn”.