Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bà Châu Thị Thu Nga khai chi tiền cho hội đồng bầu cử'

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, bà Thu Nga khai chi tiền cho Hội đồng bầu cử địa phương để được vào Quốc hội.

Chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình Sáng 18/11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Hai nhóm vấn đề trả lời

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng.

Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Chat van Quoc hoi anh 1
Chánh an TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Quochoi.vn.

Ai trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội này?

- Ngày 16/11: Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

- Chiều 16/11 - sáng 17/11: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

- Ngày 17/11: Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

- Sáng 18/11: Chánh án TADN tối cao Nguyễn Hòa Bình

- Chiều 18/11: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

Các thành viên khác của Chính phủ có thể cùng chia lửa với các vị trưởng ngành, tùy thuộc vào vấn đề đại biểu nêu.

  • 54 đại biểu đăng ký chất vấn

    Mở đầu phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 54 đại biểu đăng ký chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình.

    Các đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội), Lê Ngọc Hải (Quảng Nam), Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM)... đặt câu hỏi chất vấn về vấn đề hướng giải quyết vướng mắc trong các vụ việc Bảo hiểm xã hội kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm; "Số phận mong manh của các bản án", nhiều bản án vừa tuyên có hiệu lực bị giám đốc thẩm, bất nhất về quan điểm nghiệp vụ; về xây dựng và phát triển án lệ; trách nhiệm, xử lý các vụ án oan sai; xử lý các vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...

    Khi nào xét xử tiếp vụ Trương Hồ Phương Nga

    Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, năm 2017 toà án xét xử nhiều vụ án tham nhũng trong đó có vụ án Hà Văn Thắm. "Trong cuộc chiến với phòng, chống tham nhũng, cử tri mong muốn nhiều vụ án được đưa ra xét xử. Vậy kinh nghiệm qua những vụ án tương tự là gì?", bà Mai nêu câu hỏi.

    Về vụ án hoa hậu Trương Hồ Phương Nga được dư luận quan tâm vì không chỉ đơn giản là tranh chấp tài sản mà còn liên quan đến giá trị đạo đức. Sau một thời gian xét xử đã tạm dừng. Nữ đại biểu chất vấn về kế hoạch xét xử thời gian tới và hướng giải quyết vụ việc như thế nào.

  • Có vụ án trả tới trả lui 7 lần, vì sao?

    Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Thời qua có một số vụ, tòa án trả tới trả lui nhiều lần, cá biệt có vụ trả 7 lần. Đến nay, TAND đã trả điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án. Việc trả điều tra bổ sung là cần thiết khi chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm, có dấu biệu bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan. Đây là một chế định.

    Năm 2017, có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần. Trong đó, trả 4 lần là 20 vụ, trả 5 lần có 9 vụ. Vụ trả nhiều nhất là 7 lần đã được xét xử sơ thẩm.

    Chat van Quoc hoi anh 2

    Về nguyên nhân tại sao vụ án kéo dài: Trước tiên, do chất lượng điều tra, truy tố. Thời gian hồ sơ nằm ở tòa án theo quy định của luật. Việc kéo dài năm này qua năm khác không nằm ở tòa án, mà ở giai đoạn tiền xét xử.

    Ngoài ra, cũng có những thẩm phán không tuân thủ pháp luật, nể nang thiếu bản lĩnh. Theo quy định cũ, VKSND được trả 2 lần, TAND trả 2 lần. Theo quy định mới từ 1/1/2018, TAND trước khi xét xử được trả 1 lần và chủ tọa được trả 1 lần khi xét xử.

    Nếu những yêu cầu điều tra bổ sung không được đáp ứng thì phải tuyên không đủ căn cứ kết tội. Buộc phải nâng cao công tác truy tố xét xử. Chúng tôi quán triệt thẩm phán không trả quá nhiều lần. Nếu không đủ yếu tố kết tội thì phải tuyên không đủ yếu tố kết tội.

    Những lần trả hồ sơ, TAND phải ghi rõ yêu cầu điều tra bổ sung. Trước khi nhận, phải kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu bổ sung này.


  • Án oan ở Điện Biên: Phải xin lỗi 3 người bị oan

    Ông Nguyễn Hòa Bình: Vụ án 3 người oan sai ở tỉnh Điện Biên là điều đáng tiếc. Vụ án này đã xảy ra 27 năm trước, đến nay, có người bị oan sai đã chết.

    Khi có đại biểu Quốc hội chuyển cho tôi hồ sơ này, tôi thấy có dấu hiệu oan sai. Thực chất, vụ án này TAND Tối cao đã hủy từ năm 2003. Nhưng khi hủy xong, Tòa lại chưa có kết luận cuối cùng.

    Tôi căn cứ vào việc trong biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu xác định nguyên nhân chết là vỡ sọ. Khi khai quật lần 2 họp sọ còn nguyên, tôi khẳng định là án oan.

    Tôi gọi điện cho Bí thư Điện Biên để phối hợp. Trong thời gian ngắn, chúng tôi họp liên ngành khẳng định đây là án oan và đình chỉnh vụ án. Đại diện 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điên Biên phải xin lỗi 3 người bị oan.

    Vấn đề bây giờ là phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc xử lý trách nhiệm cũng phải được đặt ra. Đầu tiên là 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điện Biên phải xem lại để kiểm điểm từ điều tra đến xét xử. Việc thương lượng bồi thường đang diễn ra theo quy định.

  • Công khai 32.000 bản án, mã hóa thông tin cá nhân để đảm bảo bí mật đời tư

    Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Việc công khai bản án trên mạng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin theo quy định Hiến pháp. Đây là chủ trương thực hiện việc công khai, minh bạch của tòa án, đề cao trách nhiệm của thẩm phán. Qua đây, người dân và cơ quan dân cử cũng có thể giám sát tòa án và là kênh thông tin chúng tôi đánh giá chất lượng thẩm phán.

    Đến nay chúng tôi công bố hơn 32.000 bản án.

    Liên quan đến mối quan tâm đại biểu có ảnh hưởng bí mật đời tư hay không, chúng tôi đã ban hành nghị quyết quy định không được công khai một số vụ án về an ninh quốc gia, bản án liên hoan người thành niên. Khi công khai tên người liên quan và một số thông tin cá nhân sẽ được mã hóa.

    Riêng tên thẩm phán và tỉnh, thành nơi người liên quan cư trú không mã hóa. Nhiều nước cũng đã mã hóa tên người liên quan và các thông tin như số nhà, đường phố, quận huyện nên bí mật đời tư được đảm bảo.

    Chat van Quoc hoi anh 3

  • Khởi tố bổ sung 3 bị can vụ Trịnh Xuân Thanh

    Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Về mặt chức năng nhiệm vụ, trong quá trình xét xử, bên cạnh tuyên bao nhiêu năm, Tòa có quyền khởi tố vụ án, bị can tại tòa và kiến nghị khởi tố. Việc khởi tố mặc dù luật cho phép nhưng yêu cầu phải đủ các điều kiện mới khởi tố. Do đó, hội đồng thẩm phán thường chọn kiến nghị viện kiểm soát khởi tố. Trừ những vụ có dấu hiệu rõ ràng. Đây là giải pháp an toàn của thẩm phán. Riêng khởi tố tại tòa từ trước đến nay là 12 vụ, rất khiêm tốn.

    Trong quá trình xét xử, theo dõi quyết định khởi tố, chúng tôi nhận được sự hợp tác của cơ quan điều tra, viện kiểm sát đối với các vụ việc tòa khởi tố ngay tại tòa. Tôi có thể lấy ví dụ như vụ Oceanbank, chúng tôi đã thực hiện khởi tố ngay tại tòa. Hay vụ Trịnh Xuân Thanh, chúng tôi bổ sung khởi tố Trịnh Xuân Thanh ở tòa phúc thẩm về hành vi tham ô hàng chục tỷ đồng. Ngoài Trịnh Xuân Thanh cũng bổ sung khởi tố thêm 3 bị can khác.

    Tuy được chế định cho phép nhưng số lượng hạn chế do các thẩm phán chọn giải pháp an toàn. Trong tương lai, chúng tôi yêu cầu các thẩm phán phải thực hiện hết quyền hạn của mình trong đó có khởi tố ngay tại tòa.

  • Đang điều tra tiếp vụ Châu Thị Thu Nga khai 'chạy tiền' để vào Quốc hội

    Chánh án tòa tối cao nói về vụ Châu Thị Thu Nga chạy tiền vào Quốc hội Về thông tin cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga muốn khai "chạy" vào đại biểu Quốc hội nhưng không được, Chánh án TAND Tối cao khẳng định không giấu giếm gì.

    Khi chánh án Nguyễn Hòa Bình đang trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về việc tạm dừng vụ án Trương Hồ Phương Nga thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhắc về vụ cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga muốn khai mà không được khai tại phiên tòa.

    Ông Nguyễn Hòa Bình trả lời:

    Chủ tịch Quốc hội đề nghị nói rõ về việc trong vụ án Châu Thị Thu Nga, tòa không cho khai về việc bị cáo chạy tiền vào Quốc hội, còn có thông tin nói lúc đó bị cắt điện 30 giây. Tôi đã cho kiểm tra, báo cáo với Quốc hội là phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường, không có sự cố gì. Thứ hai, hồ sơ vụ án có đầy đủ lời khai của Châu Thị Thu Nga, việc chủ tọa phiên tòa không cho khai tiếp vì vụ án đã được tách ra thì theo quy định của luật là được phép. Trên thực tế chúng ta đã tách án rất nhiều. Nếu trong tình tiết mới xuất hiện mà không có quyết định tách án thì hội đồng xét xử phải làm rõ, nhưng khi đã được tách án thì không cần làm rõ nữa. Đây là thông lệ bình thường.

    Về lời khai chạy tiền để vào Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: 

    Vụ Châu Thị Thu Nga cũng không có gì dấu diếm. Nga khai chi tiền cho cho 2 mục đích là chi tiền cho Hội động bầu cử địa phương để có tên ứng cử và chi cho báo chí viết khi có phóng viên viết về việc bà Nga không đi học mà có bằng tiến sĩ. Cách chi theo lời khai là bà Nga gặp một doanh nhân buôn bán vàng, đưa cho người này nhiều lần có lần 100.000 USD, có lần 200.000 USD... Anh này mang đi đâu làm gì chỉ hai người biết, không có chứng cứ.

    Tại biên bản đối chất, doanh nhân này nói có quen biết Nga nhưng không nhận tiền và không làm việc đó. Cơ quan điều tra tách ra là điều cần thiết. Việc này tòa cũng không thể làm rõ tại tòa. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đang tích cực điều tra. Chúng ta sẽ có phiên tòa công khai khác.

  • 4 bài học từ đại án Hà Văn Thắm

    Trả lời về đại án Hà Văn Thắm, Chánh án cho hay: Năm 2017, tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm, dư luận đánh giá tính nghiêm minh và nhân đạo. Đây là cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, cử tri mong đợi bài học kinh nghiệm từ vụ Hà Văn Thắm, cải cách tư pháp. Vụ án công khai minh bạch, tranh tụng đến cùng có bản án phân hóa tội phạm.

    Từ khi có Nghị quyết 01/2013, thẩm phán ngại cho án treo với án kinh tế tham nhũng. HĐXX tuyên 34 án treo. Vụ Hà Văn Thắm là đại án nhưng nghiêm khắc với chủ mưu cầm đầu, nhân văn với người làm công ăn lương. Bản án cần thiết để cảnh tỉnh và răn đe.

    Tôi cho rằng bài học vụ án này có 4 vấn đề. Thứ nhất, xác định đúng tội danh. Tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất, Tòa đã trả lại hồ sơ để Viện kiểm sát xác định đúng tội danh. Và lần thứ 2, Viện kiểm sát đã xác định được đúng tội danh.

    Thứ hai, việc tranh tụng trong vụ án này là công khai, minh bạch, không hạn chế số lượng người tham gia.

    Thứ 3, phiên tòa xét xử phân hóa được bản án. Bản án rất nghiêm minh đối với bị cáo đứng đầu và nhân văn đối với những người lần đầu phạm tội và ở mức độ nhẹ, thành khẩn khai báo.

    Thứ 4, HĐXX đã làm hết chức năng của mình từ trách nhiệm dân sự đến khởi tố vụ án ngay tại tòa và kiến nghị các cấp xử lý các cán bộ khác.

    Chat van Quoc hoi anh 4

  • Có dấu hiệu chuyển từ tội về tham nhũng sang tội kinh tế

    Chat van Quoc hoi anh 5

    Chất vấn về tình trạng chuyển tội tham nhũng thành tội khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu 4 hạn chế liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được dư luận đặc biệt quan tâm.

    Thứ nhất, về thời hạn thì kéo dài, vi phạm quy định về thời gian điều tra, truy tố, xét xử. Có vụ khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc. Có những trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm chưa khởi tố (như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy).

    Thứ hai, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung rất cao, cao nhất trong tất cả các loại án, đặc biệt là các vụ án do cơ quan điều tra cấp trung ương và VKSND tối cao kiểm sát điều tra. Năm 2017, tỷ lệ này hơn 71%. 

    Thứ ba, có những vụ án kết quả xét xử sơ thẩm chưa nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Nhất là việc xác định tội danh, đặc biệt là có dấu hiệu chuyển từ tội về tham nhũng sang tội kinh tế ngay từ giai đoạn điều tra, nhất là từ tội tham ô sang tội cố ý làm trái. 

    Thứ tư, thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống tham nhũng. 

    Đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng Công an, Tư pháp cho biết tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân nào? Trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới ra sao?

     


  • Đề nghị dừng xét xử lưu động

     

    Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn): Việc bỏ các phiên toà xét xử lưu động có làm giảm tác dụng tuyên truyền, răn đe tội phạm hay không?

    Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Phiên tòa lưu động có tính răn đe, giáo dục, đặc biệt tại nơi xảy ra vụ án. Tuy nhiên, gần đây, xét xử lưu động không còn hiệu quả như trước do người dân không cần đến tòa vẫn có thể theo dõi vụ án qua truyền thông. Việc công khai bản án cũng giúp người dân nắm bắt vụ án.

    Phiên tòa lưu động phát sinh các yêu cầu khác như không đảm bảo an toàn, tốn kém. Mỗi năm tòa án chi khoảng 70 tỷ, chưa kể kinh phí do địa phương hỗ trợ. Trong khi nguyên tắc tố tụng khẳng định bị cáo chỉ có tội khi có bản án. Việc đưa xét xử công khai có thể ảnh hưởng đến người thân bị cáo, từ đó dẫn đến sự việc đang tiếc. Dó đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội dừng xét xử lưu động.

     

    Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thảo, đoàn Nghệ An, về việc dự luận cho rằng tòa án xử án đánh bạc nhẹ, chủ yếu án treo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết xử án treo là một chế định tích cực, đủ điều kiện răn đe phòng ngừa đối với loại tội phạm lấy tiền làm phương tiện phạm tội như đánh bạc, tai nạn giao thông. Theo thống kê, trên thế giới, tỷ lệ án treo chiếm 60%, còn Việt Nam là 20%. Tỷ lệ án treo tập trung ở các loại án liên quan đến giao thông 46%, án đánh bạc 39%...

    Trong Nghị quyết 49 của Đảng có nói đến việc tăng cường các hình phạt án treo, phạt tiền để nâng cao hình phạt khồn giam giữ. Tôi cho rằng, tỷ lệ án đánh bạc xử treo như thế không phải là cao, vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước. Chúng tôi vừa tổng kết Nghị quyết 01 về xử án treo. Thực tế cho thấy, tâm lý các thẩm phán là ngại xử án treo, mà xử án giam. Việc này dẫn đến tỉ lệ án treo của chúng ta thấp. Các thẩm phán, hộ đồng xét xử ngại xử treo vì sợ dư luận cho rằng có vấn đề gì trong xử án. Hơn nữa, đối với các vụ án xử treo, chúng tôi sẽ xem xét đầu tiên khi thanh, kiểm tra.

    Về việc đại biểu đặt câu hỏi liệu có tiêu cực trong việc xử nhiều án treo hay không, nếu đại biểu phát hiện vụ án nào tiêu cực, chúng tôi sẽ vào cuộc xử lý ngay.

  • Cựu đại biểu Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm lĩnh án. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

    Chat van Quoc hoi anh 6

  • Tâm trạng các bị cáo trong đại án Oceanbank sau khi tòa tuyên án Sáng nay, sau nhiều ngày xét xử tòa đã tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn, chung thân Hà Văn Thắm. Nhiều bị cáo rời tòa với dáng vẻ đăm chiêu.
  • Điều tra án tham nhũng khó khăn do tội phạm có thủ đoạn, có quan hệ

     

    Chat van Quoc hoi anh 7

    Trả lời bổ sung chất vấn của các đại biểu Quốc hội về công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay đối với công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng thời gian qua còn một số hạn chế, chưa đạt mong muốn của Đảng, Nhà nước và người dân do nhiều nguyên nhân. Do tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt, có thủ đoạn, có quan hệ, có chuyên môn để che dấu hành vi. Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện, hành vi được che đậy, các đối tượng quan hệ chặt chẽ, thông tin khép kín trong phạm nhất định. Thời gian điều tra kéo dài, khó khăn.

     

    Việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài phải liên quan tới hoạt động tương trự tư pháp nên kéo dài...

    Bộ trưởng Tô Lâm: 'Không nên đưa hình ảnh tử tù trước thi hành án'

    Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết pháp luật không cấm nhưng không nên công bố hình ảnh việc tiêm thuốc độc đối với tử tù Nguyễn Hải Dương.

     

     

     


  • Tham gia trả lời chất vấn, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí giải trình vì sao một số vụ án tham nhũng kéo dài, trả lại hồ sơ nhiều lần, có vụ "chuyển tội danh từ tham nhũng sang kinh tế liệu có bỏ lọt tội phạm hay không".

    Chat van Quoc hoi anh 8

  • Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận về công tác xuất nhập cảnh

    Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tranh luận với Bộ trưởng Công an: Chúng tôi chia sẻ sự khó khăn, phức tạp của điều tra án tham nhũng, đặc biệt là trong xuất nhập cảnh. Vừa qua xảy ra tình trạng có những đối tượng xuất nhập cảnh trót lọt, sau đó xác định là có tội. Nhưng tôi biết có những trường hợp doanh nhân là lãnh đạo tổng công ty nhà nước, thậm chí có doanh nhân nước ngoài bị cấm xuất cảnh mà không có một tờ giấy gì cả mà trong suốt 2 năm người ta không đi được. Trường hợp doanh nhân ở doanh nghiệp nhà nước thì sau đó xác định là không có tội.

    Đối với những trường hợp cấm xuất cảnh như vậy, nếu người ta thiệt hại vài chục triệu USD, người ta mà kiện thì chúng ta có đền được không?

    Tôi đề nghị Bộ trưởng xem xét, thậm chí đề nghị sửa đổi luật pháp làm thế nào vừa ngăn chặn được tội phạm, lại không gây khó khăn, trở ngại cho những người không có tội.

     

  • Thẩm phán, điều tra viên phải tuyên thệ khi được bổ nhiệm

    Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM: Tôi chuyển đề xuất của một cử tri đến Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Lâu nay, hệ thống tư pháp của chúng ta đóng góp rất nhiều vào việc phòng chống tham nhũng. Tôi cho rằng các chức danh như điều tra viên, công tố, thẩm phán, luật sư khi nhận quyết định bổ nhiệm hoặc được kết nạp vào đoàn luật sư phải đọc một lời tuyên thệ. Nội dung của lời tuyên thệ này là: Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với hiến pháp; Thứ hai bảo vệ công lý; Thứ ba là không tham nhũng.

    Nếu tuyên thệ được như thế tôi nghĩ sẽ tạo ra bước đột phá trong phòng chống tham nhũng. Nên khi bổ nhiệm mà đọc lời tuyên thệ như vậy cử tri sẽ có niềm tin cao hơn. Người tuyên thệ họ cũng có ý thức bảo vệ danh dự của mình và sẽ hạn chế được tham nhũng.

    Ngày xưa có hội minh thề. Người làm quan khi đó thề trước dân là luôn trong sạch, không tham nhũng. Bây giờ các quan chức có dám thề không? Tôi nghĩ rằng hệ thống của chúng ta, quan chức không có gì mà không dám thề cả. Xin Chánh án cho biết ý kiến?

  • Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chánh án Nguyễn Hòa Bình là người có nhiều kinh nghiệm trong ngành tư pháp, trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi. Theo bà Ngân, cơ bản là Chánh án đã làm hài lòng Quốc hội, nhưng đây là lĩnh vực phức tạp nên vẫn có tới 10 đại biểu tranh luận và 2 đại biểu chưa kịp tranh luận.

    "Đề nghị Chánh án tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu, triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế của ngành, đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử của toà án", Chủ tịch Quốc hội nói.

    Chiều nay, Thủ tướng sẽ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm