Theo dự kiến chương trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XIV) diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/11.
Hơn một ngày chất vấn các vấn đề tài chính, ngân hàng
Quốc hội sẽ dành khoảng ngày rưỡi để đại biểu chất vấn các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân hàng.
Tư lệnh ngành đầu tiên trả lời chất vấn của Quốc hội là Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Sáng 16/11, ngay sau phiên khai mạc, tư lệnh ngành Tài chính sẽ trả lời chất vấn các vấn đề như quản lý thuế, hải quan, giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Liên quan đến công tác quản lý thuế, những vấn đề nhỏ được đặt ra là giải quyết nợ đọng thuế, thanh kiểm tra, chống thất thu thuế, chuyển giá.
Về hải quan, chất vấn dự kiến xoay quanh việc thực hiện để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là người đầu tiên đăng đàn chất vấn lần này. |
Lần đăng đàn chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là kỳ họp năm 2014. Khi đó, các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến đầu tư công, quản lý nợ công, hỗ trợ ngư dân. Sang năm 2015, tư lệnh ngành tài chính tiếp tục được chất vấn với những vấn đề tương tự.
Một tư lệnh ngành kinh tế khác cũng sẽ đăng đàn chất vấn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ông sẽ đăng đàn trong buổi chiều 16/11 và đầu giờ sáng 17/11.
Đây là lần đầu tiên Thống đốc Lê Minh Hưng chính thức ngồi "ghế nóng" nghị trường.
Nội dung chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý.
Vấn đề thứ hai là hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Bộ trưởng Thông tin lần đầu trả lời chất vấn
Cuối buổi sáng 17/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn sẽ trả lời chất vấn việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình. Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ, các bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các bộ trưởng, trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).
Chánh án TAND tối cao trả lời biện pháp nâng cao công tác xét xử
Ngày 18/11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng. Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Viện trưởng VKSND tối cao, các bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Nội vụ, Tư pháp và các bộ trưởng, trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).
Thủ tướng có 2 tiếng rưỡi trả lời chất vấn trước Quốc hội
Khác với các phiên chất vấn trước đây, kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội dành gần trọn một buổi làm việc cho phần chất vấn người đứng đầu Chính phủ.
Quốc hội sẽ dành 2,5 giờ, từ 14h đến 16h45 chiều ngày 18/11, để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn.
So với kỳ họp trước, thời lượng dành cho người đứng đầu Chính phủ tăng đáng kể, khi tại kỳ họp thứ 3, thời gian dành cho Thủ tướng chỉ 40 phút.
Mong các tư lệnh ngành trả lời trực tiếp các câu hỏi
Trao đổi với báo chí, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) mong muốn phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội mạnh dạn nói lên được những vấn đề mà cử tri đang quan tâm, bức xúc với một tinh thần thẳng thắn, không né tránh.
Theo ông Hiểu, các "tư lệnh" ngành khi trả lời chất vấn cần trả lời trực tiếp vào những câu hỏi mà cử tri mong muốn nhất. Đó là đưa ra những giải pháp, chương trình hành động để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong từng lĩnh vực với một tinh thần trách nhiệm.
"Tôi đặc biệt quan tâm đến hoạt động xét xử, chất lượng xét xử của tòa án và khả năng thi hành của bản án. Đây là vấn đề chúng ta cần thực hiện tốt đã được đề cập trong Hiến pháp năm 2013 để đảm bảo công bằng, quyền lợi của người dân mà tòa án là biểu tượng của công lý, công bằng...", đại biểu Hiểu chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội). Ảnh: Phạm Duy. |
Về nội dung chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, PGS.TS Triệu Thế Hùng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội) cho rằng thời gian qua Bộ TT&TT có những giải pháp hiệu quả rõ nét và cũng là bước tiến trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay.
“Tôi mong muốn tư lệnh ngành TT&TT mạnh mẽ hơn nữa trong những giải pháp để kiểm soát thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên thế giới phẳng”, PGS Triệu Thế Hùng nói.