Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trưởng ban Dân nguyện: Cử tri bức xúc với tham nhũng vặt

"Tham nhũng vặt, không chỉ ảnh hưởng đến mỗi người dân mà ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội, đạo đức con người", bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện chia sẻ.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chia sẻ bên lề Quốc hội những vấn đề cử tri quan tâm trước phiên chất vấn của các thành viên Chính phủ.

- Những vấn đề nào cử tri quan tâm trong nội dung chất vấn lãnh đạo Chính phủ và các "tư lệnh" ngành thưa bà?

Việc lựa chọn vấn đề chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành đã được quy định rất chặt chẽ. Bốn lĩnh vực lựa chọn chất vấn đều được cử tri quan tâm.

Trong lĩnh vực tài chính, cử tri đặt ra những vấn đề về công trình này, con đường kia đang cấp vốn dở dang... liên quan đến bố trí vốn, lập dự toán, thanh quyết toán - lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính. Đây là những trở ngại của nền kinh tế trong thời gian vừa rồi.

Cu tri buc xuc tham nhung vat anh 1
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quochoi.vn.

Với Chánh án TAND tối cao, trong thời gian qua, các vụ án tham nhũng, vụ án oan sai và công tác bồi thường được dư luận quan tâm. Nhân dân kỳ vọng vào hệ thống tư pháp, tính minh bạch cũng như độc lập xét xử.

Việc chất vấn Chánh án TAND tối cao tại kỳ này rất phù hợp và là dịp để ngành tòa án chia sẻ những khó khăn trong công tác xét xử, khó khăn về nhân lực, vật lực.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông được chất vấn vì các vấn đề liên quan đến quản lý báo chí truyền thông, an ninh mạng, mạng xã hội đang tác động trực tiếp đến người dân, len lỏi vào đời sống nhân dân...

- Nếu các thành viên Chính phủ chưa trả lời thỏa đáng tại phiên chất vấn trực tiếp thì thế nào?

- Quyền của đại biểu Quốc hội là có thể chất vấn bằng văn bản, được công khai trên các phương tiện truyền thông.

Tới đây, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ. Việc trả lời chất vấn, cam kết của các thành viên Chính phủ là một căn cứ để Quốc hội đánh giá mức tín nhiệm. 

- Lời hứa, cam kết từ việc trả lời kiến nghị cử tri đã giải quyết đến đâu qua các kỳ họp?

- Nhiều kiến nghị được trả lời thấu đáo, rốt ráo. Ví dụ, những kiến nghị liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu công tác thanh tra chuyên ngành, chồng chéo...

Bên cạnh đó, cử tri quan tâm việc xử lý tham nhũng, tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng chưa tương xứng với thực trạng, đặc biệt là thu hồi tài sản sau xử lý tham nhũng chưa triệt để.

Cử tri bày tỏ sự chưa hài lòng và lo lắng liên quan đến tham nhũng vặt. Thủ tướng tuyên bố mạnh mẽ về Chính phủ liêm chính, kiến tạo... nhưng cử tri phản ánh, cơ quan công quyền thực thi công vụ cấp huyện, cấp xã còn tham nhũng, vòi vĩnh, nhũng nhiễu.

Thủ tướng rất tâm huyết nhưng tâm huyết ấy cần phải được lan tỏa mạnh hơn nữa, có chế tài kiểm tra tốt hơn để làm sao sức nóng ở trên lan tỏa xuống dưới.

Mấu chốt, căn bản mà cử tri mong muốn là đạo đức công vụ, trách nhiệm thực thi công vụ của chính quyền cơ sở phải được chuyển biến để xây dựng được Chính phủ liêm chính, hành động. Nạn tham nhũng vặt, không chỉ ảnh hưởng đến mỗi người dân mà ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội, đạo đức con người.

Những vấn đề nóng nào chờ đợi 4 tư lệnh ngành tại chất vấn Quốc hội?

Trong 3 ngày 16-18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ trưởng: Tài chính, Thông tin - Truyền thông, Chánh án TANDTC và Thống đốc NHNN sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.



Thắng Quang ghi

Bạn có thể quan tâm