Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Australia nóng kỷ lục, biển thành ‘nồi lẩu’ nấu chín nhiều sinh vật

Biến đổi khí hậu khiến Australia đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục với nhiều vụ cháy rừng và ảnh hưởng của nó dưới biển còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Khi Rodney Dillon mặc đồ lặn xuống vịnh Trumpeter nhiều năm về trước để bắt bào ngư, thức ăn yêu thích của ông, ông nhận thấy rừng tảo bẹ ở khu vực này “đã trở nên thưa thớt”. Dillon đã lên bờ và gọi cho một nhà khoa học tại Đại học Tasmania ở Hobart. “Chúng ta sắp mất hết tảo bẹ, ông phải xuống đây và xem ngay”, ông Dillon nhớ lại.

"Không ai có thể ngăn được điều này", ông Dillon nói với Washington Post về tình trạng tảo bẹ đang bị "nấu chín" trong nước biển. 

bien,  tao be,  Tasmania,  chay rung anh 1

Ông Rodney Dillon cùng với bộ đồ lặn của mình. Ảnh: Washington Post.

Tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hòn đảo xa xôi này và tảo bẹ khổng lồ phát triển mạnh ở vùng nước lạnh là một trong những nạn nhân đầu tiên.

Những thập kỷ gần đây, tốc độ ấm lên của biển ngoài khơi Tasmania, bang cực nam của Australia và là cửa ngõ vào Nam Cực, đã tăng lên gần gấp bốn lần mức trung bình toàn cầu, các nhà hải dương học cho biết.

Hơn 95% tảo bẹ khổng lồ - loại tảo cao gần 10 m là nơi sinh sống của một số sinh vật biển hiếm nhất trên thế giới - đã chết.

Tảo bẹ khổng lồ từng có mặt ở khắp dài bờ biển phía đông của Tasmania. Giờ đây, chỉ còn một mảng tảo bẹ nhỏ gần Southport, cực nam của hòn đảo, nơi nước lạnh hơn.

"Đây là một điểm nóng", Giáo sư Neil Holbrook chuyên nghiên cứu về hiện tượng đại dương nóng lên tại Viện Nghiên cứu Hải dương và Nam Cực thuộc Đại học Tasmania, nói. "Và nó là một trong những điểm nóng lớn nhất".

Theo dữ liệu từ Trung tâm Hadley, cơ quan nghiên cứu của chính phủ Mỹ về sự thay đổi khí hậu, một phần bờ biển phía đông của Tasmania đã ấm lên gần 2 độ C.

“Sẽ có nhiều loài bị tuyệt chủng”

Khi nước biển ấm lên và những bẹ tảo dần biến mất, ông Dillon và những hậu duệ của các cư dân đầu tiên ở Tasmania đang dần mất đi sự kết nối với đại dương, thứ đã làm nên văn hóa của họ trong nhiều thiên niên kỷ.

bien,  tao be,  Tasmania,  chay rung anh 2
Tảo bẹ trên bờ biển Tasmania. Ảnh: Washington Post.

Trong thời kỳ đồ đá khoảng 40.000 năm trước, thổ dân đã đi đến vùng đất ngày nay là Tasmania, rất lâu trước khi nước biển dâng cao biến khu vực này thành một hòn đảo.

Tách biệt khỏi thổ dân trên đất liền, những thổ dân ở Tasmania tìm bào ngư giữa những bẹ tảo khổng lồ, săn bắn chuột túi và chim sẻ, biến tảo bẹ thành vật dụng và làm đồ trang sức từ vỏ ốc qua hàng trăm thế hệ.

Đó là những cuộc sống của thổ dân trước khi thực dân Anh chiếm đất và áp dụng chế độ phân biệt chủng tộc để quét sạch họ.

Giờ đây, khi những hậu duệ cuối cùng của họ đang cố gắng để được công nhận là chủ nhân đầu tiên của Tasmania, biến đổi khí hậu đang khiến nhiều sinh vật biển có mối liên hệ đặc biệt với nền văn hóa của thổ dân Tasmania biến mất.

Hai trong số những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận đã diễn ra trong những năm gần đây.

bien,  tao be,  Tasmania,  chay rung anh 3
Đợt nắng nóng kéo dài ở Úc đã liên tiếp gây ra nhiều vụ cháy rừng. Ảnh: Washington Post.

Đợt nắng nóng đầu tiên bắt đầu vào năm 2015. Nhiệt độ nước biển tăng gần 3 độ C ở vùng biển giữa Tasmania và New Zealand.

Các đợt nắng nóng của khu vực này thường kéo dài hai tháng. Tuy nhiên, đợt nắng nóng 2015-2016 kéo dài đến tám tháng. Alistair Hobday, người đã nghiên cứu sự kiện này, đã so sánh nó với đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2003 dẫn đến cái chết của hàng nghìn người.

Vùng nước ấm lên ở Tasmania không chỉ giết chết tảo bẹ khổng lồ mà còn biến đổi cuộc sống của động vật biển.

Các loài sống ở nước ấm đang bơi về phía nam, nơi mà chúng không thể nào sống sót vài năm trước. Cá thu vua, nhím biển, động vật phù du và thậm chí cả vi khuẩn từ những vùng ấm hơn hiện chiếm lĩnh các vùng nước gần Nam Cực.

Tuy nhiên, các loài sống ở vùng nước lạnh bản địa không có nơi nào khác để đi. Những động vật như cá tay đỏ đã quen với dòng nước lạnh lẽo gần bờ. Chúng không thể sống vùng nước sâu giữa Tasmania và Nam Cực.

“Những loài động vật biển chỉ có thể tìm thấy ở Australia có thể biến mất”, Craig Johnson, giám đốc trung tâm sinh thái và đa dạng sinh học tại Viện nghiên cứu biển và Nam cực thuộc Đại học Tasmania nói. “Sẽ có nhiều loài bị tuyệt chủng”.

Truyền thống bị mai một

Bà Nanette Shaw ở Launceston, một hậu duệ của thổ dân Tasmania, vẫn giữ truyền thống đan giỏ bằng tảo bẹ của tổ tiên.

Người phụ nữ 66 tuổi cho biết bà chuyển sang làm nghề đan giỏ để xoa dịu nỗi đau mà bà đã trải qua khi là một thổ dân. Bà bị trầm cảm và nghiện rượu và việc đan giỏ khiến bà phân tâm. "Tôi đã không uống rượu trong gần 10 năm. Khi nỗi buồn ập đến, thay vì đi uống rượu, tôi sẽ đan giỏ".

bien,  tao be,  Tasmania,  chay rung anh 4

Bà Nanette Shaw đan giỏ bằng tảo bẹ. Ảnh: Washington Post.

Tuy nhiên, nếu tác động từ biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, kĩ thuật làm đồ thủ công không thể truyền lại cho thế hệ sau, bà Shaw nói.

Nước biển ấm lên và trở nên ô nhiễm hơn khiến vỏ ốc trở nên khan hiếm. 20 năm trước, khó có thể đi trên bãi biển mà không giẫm lên chúng, bà Shaw chia sẻ. "Bây giờ bãi biển chỉ có cát", bà nói.

Cách đó 145 km trên bãi biển Scamander, bà Patsy Cameron, bạn của bà Shaw, đang tìm vỏ ốc và tảo bẹ để tặng người bạn của mình.

bien,  tao be,  Tasmania,  chay rung anh 5

Dây chuyền vỏ ốc do bà Patsy Cameron, 72 tuổi, làm và được giữ trong một giỏ tảo bẹ theo kiểu truyền thống ở Beaumaris, Tasmania. Ảnh: Washington Post.

Bây giờ bà mất gần một ngày để tìm đủ vỏ ốc thay vì chỉ hai giờ như trước đây.

"Nếu biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới rong biển, nguồn cung vỏ ốc của chúng tôi sẽ biến mất cùng với rừng tảo bẹ", người phụ nữ 72 tuổi nói.

Thảm kịch dưới nước

Australia đang trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục với nhiều vụ cháy rừng khiến 9 người chết và hơn 700 ngôi nhà bị phá hủy. Tuy nhiên, thảm kịch diễn ra dưới nước tồi tệ hơn nhiều, và đa số chúng ta không thấy được điều này.

Năm 1950, tảo bẹ khổng lồ bao phủ khu vực trên 9 triệu mét vuông dọc bờ biển Tasmania, Cayne Layton, một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu biển và Nam Cực cho biết. Ngày nay, khu vực này chỉ còn 500.000 mét vuông và nằm rải rác bên bờ biển.

bien,  tao be,  Tasmania,  chay rung anh 6

Một du khách xem triển lãm dây chuyền vỏ ốc tại Phòng triển lãm nghệ thuật Tasmania ở Hobart, Tasmania. Ảnh: Washington Post.

Tảo bẹ cần nước lạnh, sạch, giàu chất dinh dưỡng để tồn tại và Tasmnia đang mất cả ba điều này.

Đây là một mất mát nghiêm trọng. Các thợ lặn khao khát bơi giữa rừng tảo bẹ để thấy các sinh vật hiếm nhất thế giới. Mực kiếm ăn ở rừng tảo bẹ, cá tay đỏ cũng ẩn náu ở đó, cá chìa vôi và tôm hùm đá cũng sống ở đây.

Nghiên cứu gần đây nhất - được thực hiện 10 năm trước - ước tính rằng 95% tảo bẹ khổng lồ đã biến mất do nước biển ấm lên và ô nhiễm hơn, Layton cho biết. Điều này có nghĩa tình hình hiện tại có lẽ còn tồi tệ hơn nhiều.

Bên cạnh đó, nước biển ấm lên đã đem đến một mối nguy mới: nhím biển, loài có món ăn ưa thích là tảo bẹ.

Trong cuộc khảo sát năm 1978 của Viện nghiên cứu biển và Nam Cực, các nhà khoa học chỉ tìm thấy một con nhím duy nhất ở vùng nước lạnh ngoài khơi Tasmania.

Nhím biển thích nước ấm. Giờ đây, chúng tràn ngập những rạn đá nơi tảo bẹ mọc lên, để lại khu vực cằn cỗi và không có sự sống.

"Tầm quan trọng của rừng tảo bẹ tương đương với rừng trên đất liền", Layton nói. “Hãy tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu không có cây cối, một thế giới không có rừng tảo bẹ cũng tương tự".

Các nhà khoa học cho biết dòng hải lưu Đông Australia là lý do duy nhất giải thích việc nhím biển di cư từ môi trường tự nhiên ấm áp gần Sydney đến vùng nước lạnh quanh Tasmania. Dòng hải lưu Đông Australia mang theo ấu trùng của các loài ở vùng nước ấm đến những nơi chúng chưa từng sinh sống trước đó.

Theo nghiên cứu được biên soạn bởi Giáo sư Gretta Pecl tại Đại học Tasmania, tảo độc nở hoa nơi tảo bẹ khổng lồ từng nở rộ. Bào ngư có chất lượng kém dần. Loài bạch tuộc Maori có màu sắc rực rỡ đang được thay thế bằng loài bạch tuộc tối màu phổ biến ở vùng biển gần Sydney. Một con rắn biển bụng vàng có độc vốn sống ở vùng nước ấm đã di cư đến khu vực này.

"Không thể nói những hiện tượng này là do biến đổi khí hậu", ông Holbrook, nhà khoa học nghiên cứu đại dương cho biết. "Những gì chúng ta có thể nói là cường độ của những hiện tượng này gia tăng có nhiều khả năng do biến đổi khí hậu”.

"Có thể so sánh với việc hút thuốc," ông nói. "Nếu bạn hút thuốc, bạn sẽ tăng khả năng bị ung thư phổi".

Gấu koala chặn người đi xe đạp xin nước uống vì quá nóng Một con gấu koala đã chặn đoàn người đi xe đạp ở Australia xin nước uống, trong bối cảnh tình trạng cháy rừng và nắng nóng kỷ lục hoành hành ở xứ sở chuột túi.

Khói mù độc hại, nước biển dâng - Trái Đất cầu cứu năm 2019

Năm 2019 là một năm mà khủng hoảng khí hậu được nhắc tới ngày càng nhiều, với nhiều thiên tai, sự kiện, con số đáng lo ngại, không loại trừ nước nào.

Cháy rừng tàn phá Australia, gấu túi chặn người đạp xe để xin nước

Hàng nghìn con koala được cho là đã chết do cháy rừng hoặc do đói khát, trong lúc thời tiết nắng nóng tiếp tục đe dọa sự sống còn của loài vật biểu tượng Australia.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm