Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ATR-42 từng gặp nạn 23 lần trong 30 năm

Là sản phẩm hướng đến phân khúc vận tải tầm ngắn nên độ tiện nghi cũng như tiêu chuẩn an toàn bay của ATR-42 ở mức tương đối và tỷ lệ tử vong trên mỗi chuyến bay gặp nạn là 8,81.

a
ATR-42 là phiên bản thu nhỏ của ATR-72. Ảnh: Gary Watt

Theo Airliners, ATR-42 là dòng phi cơ thương mại tầm ngắn do công ty Aerei da Trasporto Regionale (ATR), liên doanh giữa Pháp và Italy sản xuất. Quá trình lắp ráp tổng thể máy bay này được thực hiện tại nhà máy ở Toulouse, Pháp. Nó chia sẻ một số công nghệ từ Airbus của Anh. Tên gọi ATR-42 xuất phát từ chỗ ngồi tiêu chuẩn từ 40 đến 52 hành khách của máy bay.

Với phương châm thiết kế cho mục đích vận tải tầm ngắn nên nhà sản xuất đã tối giản các đặc tính của máy bay nhằm tiết kiệm chi phí. Khoang hành khách được bố trí 2 dãy ghế. ATR-42 bắt đầu được đưa vào khai thác thương mại từ năm 1985.

Các chuyên gia hàng không đánh giá ATR-42 có khả năng linh hoạt cao, quãng đường cất, hạ cánh ngắn. Nó rất hữu ích trong các hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa tầm gần. Đặc biệt ở phiên bản ATR-42 500, nhà sản xuất đã thiết kế một bộ chuyển đổi độc đáo cho phép biến một máy bay chở khách thành chở hàng chỉ trong 30 phút.

Do thiết kế cho vận tải tầm ngắn nên phi cơ này tồn tại nhiều nhược điểm. Một trong những điểm hạn chế của máy bay là khả năng cách âm tương đối kém. Hành khách thường xuyên cảm thấy khó chịu vì tiếng ồn của động cơ bên trong khoang khá cao. Đến phiên bản ATR-42 500, nhà sản xuất mới khắc phục được điểm yếu này bằng cách sử dụng động cơ mới.

Bên cạnh đó, chỗ ngồi và lối đi giữa 2 hàng ghế khá chật tạo cảm giác tù túng cho hành khách. Máy bay này được sản xuất với 6 phiên bản, trong đó hiện đại nhất là ATR-42 600. Phiên bản này có ghế ngồi mới thiết kế rộng hơn, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng. Người ta trang bị cho máy bay hệ thống điện tử hàng không mới nhằm nâng cao tiêu chuẩn an toàn bay.

Cũng theo Airliners, đến cuối năm 2012, khoảng 367 máy bay đã được sản xuất và bàn giao cho khách hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ATR-42 chỉ phù hợp cho các hãng hàng không giá rẻ, bởi mức độ tiện nghi không phải là điểm mạnh của dòng phi cơ này.

Một trong những máy bay kém an toàn nhất

a
Phi cơ ATR-42 320, số hiệu N902FX của hãng Empire Airline gặp nạn ngày 27/1/2009. Ảnh: FAA

Theo dữ liệu của Mạng An toàn hàng không quốc tế, từ khi được đưa vào vận hành thương mại đến nay, ATR-42 từng gặp phải 23 tai nạn nghiêm trọng. Trong khi đó, thống kê của Airsafe.com cho kết quả, tỷ lệ tử vong trên mỗi chuyến bay gặp nạn là 8,81 người. Máy bay này cùng với ATR-72 là 2 trong những phi cơ chở khách kém an toàn nhất thế giới. Thang điểm an toàn bay của ATR-42 là 0,39 so với 0,1 của Airbus A320 và 0,27 của Boeing 777, 2 máy bay thương mại tốt nhất thế giới.

Thảm kịch đầu tiên xảy ra ngày 15/10/1987 với chuyến bay của hãng Aero Trasporti Italiani, Italy khiến toàn bộ 37 người thiệt mạng. Cuộc điều tra sau đó cho kết quả, hiện tượng đóng băng trên cánh là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Đến ngày 21/8/1994, chuyến bay số hiệu 630 của Royal Air Maroc đâm vào dãy núi Atlas khiến 44 người tử nạn. Nguyên nhân tai nạn là lỗi của hệ thống lái tự động. Sự cố thảm khốc nhất của ATR-42 xảy ra ngày 21/2/2008 trên chuyến bay số hiệu 518 của Santa Barbara Airlines, Venezuela khiến 43 hành khách và 3 thành viên phi hành đoàn tử vong.

Thảm kịch mới nhất của phi cơ này xảy ra ngày 16/8 trên chuyến bay số hiệu TGN267 của hãng Trigana Air, Indonesia. Máy bay mất liên lạc với kiểm soát không lưu trên khu vực dãy núi Irian Jaya, tỉnh Papua. Người dân địa phương đã nhìn thấy các mãnh vỡ của phi cơ trên khu vực vùng cao Bintang, Oksibil. Vị trí máy bay rơi cách sân bay ở Oksibil khoảng 12 km. Cơ quan cứu nạn Indonesia đã cử 2 đội tìm kiếm trên không đến hiện trường.

Người dân nhìn thấy máy bay Indonesia đâm vào núi

Giám đốc Cơ quan Vận tải Hàng không Indonesia cho biết người dân đã tìm thấy mảnh vỡ của máy bay ATR-42 mất tích ở khu vực Papua hẻo lánh. 150 nhân viên cứu hộ đã tới khu vực.

Trigana Air từng gặp nhiều tai nạn hàng không nghiêm trọng

Trigana Air, hãng có chuyến bay mang số hiệu TGN267 mất tích tại khu vực đồi núi ở Indonesia nằm trong danh sách cấm bay trên không phận châu Âu vì lo ngại về tiêu chuẩn an toàn.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm