Sau một tháng từ ngày binh biến, phong trào biểu tình ở Myanmar vẫn diễn ra mạnh mẽ, trong khi cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự bị bắt giữ hôm 1/2, đã bị cáo buộc thêm hai tội danh mới.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp mặt vào ngày 2/3 để thảo luận về vấn đề Myanmar, Bangkok Post dẫn lời Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết.
"Một cuộc họp trực tuyến đặc biệt của các ngoại trưởng ASEAN được triệu tập vào ngày mai (2/3) và chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến từ phía đại diện của chính quyền quân sự Myanmar", ông Balakrishnan nói.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng 60 tuổi đồng thời kêu gọi chính quyền Myanmar do quân đội kiểm soát hãy ngưng sử dụng bạo lực gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, "và lập tức thực hiện tiến trình hạ nhiệt, nhằm ngăn chặn tình trạng đổ máu và thiệt mạng hiện nay".
Bên cạnh đó, ông Balakrishman kêu gọi các bên ở Myanmar tham gia đối thoại đa phương để tìm ra các giải pháp chính trị lâu dài, bao gồm cả việc trở lại với quá trình dân chủ hóa ở nước này.
Khủng hoảng Myanmar là vấn đề chung của ASEAN
Các lãnh đạo khu vực muốn bắt tay để khôi phục quá trình dân chủ ở Myanmar. Nếu nỗ lực nói trên thất bại, uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN trong mắt cộng đồng quốc tế sẽ bị ảnh hưởng, Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu thuộc Viện An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), viết trên Nikkei Asia.
Không những vậy, việc thất bại có thể dập tắt những hy vọng về tiến trình hòa giải các bên ở quốc gia Đông Nam Á này, ông Kavi nhận định.
Các ngoại trưởng của ASEAN - với sự kêu gọi từ Indonesia - đang thảo luận để tìm ra hướng cải thiện tình hình.
Cảnh sát Myanmar dùng hơi cay, lựu đạn gây choáng và nổ súng làm ít nhất 21 người chết và 30 người bị thương. Ảnh: Reuters. |
Trong một tuyên bố hôm 2/2, một ngày sau cuộc binh biến, Brunei - nước chủ tịch ASEAN năm 2021 - cho biết họ mong đợi Myanmar cam kết tuân thủ các nguyên tắc hiến chương của ASEAN.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho rằng tình hình chính trị ở Myanmar là diễn biến "nghiêm trọng" và là "bước lùi trong tiến trình dân chủ của đất nước". Ông đồng thời lo ngại những bất ổn ở Myanmar có thể "ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực".
Ngay cả Thái Lan, quốc gia có lịch sử với các cuộc đảo chính quân sự, cũng kêu gọi các nước thành viên ASEAN tiến tới "đồng thuận chung" về vấn đề Myanmar.
Cùng lúc đó, Thái Lan bày tỏ hy vọng rằng cuộc khủng hoảng Myanmar có thể được giải quyết một cách "hòa bình", đảm bảo lợi ích của người dân. Chính phủ Thái Lan cũng đảm bảo rằng tình trạng của hàng triệu công nhân Myanmar ở Thái Lan sẽ được bảo vệ, miễn là chính quyền quân đội tuân thủ nguyên tắc chung của khu vực.
Tuy nhiên, thời gian dành cho họ không còn nhiều. Các ngoại trưởng cần đạt được sự đồng thuận về phương hướng sắp tới trước khi cuộc đối đầu giữa quân đội và người dân Myanmar leo thang mất kiểm soát.
Đến ngày 28/2, ít nhất 18 người đã thiệt mạng chỉ trong 1 ngày sau khi lực lượng an ninh dùng biện pháp bạo lực để can thiệp biểu tình. Theo Reuters, chỉ trong vòng từ ngày 28/2-2/3, ít nhất 21 người biểu tình ở Myanmar đã thiệt mạng. Cuộc đụng độ với cảnh sát cũng làm hơn 30 người khác bị thương.
Nếu chính quyền do quân đội kiểm soát ở Myanmar không hợp tác với nỗ lực hòa giải của ASEAN và tiếp tục để căng thẳng trong nước leo thang, ASEAN nhiều khả năng sẽ buộc phải khiển trách nước này.
Dù hiến chương của ASEAN không quy định về việc khai trừ một quốc gia thành viên, khối này vẫn có thể tạo áp lực để buộc Myanmar rời ASEAN tạm thời.
"Nếu ASEAN không làm gì, uy tín của họ sẽ bị tổn hại nặng nề", nhà phân tích chính sách đối ngoại Dewi Fortuna Anwar của Indonesia nhận định. "Những tuyên bố của họ về vai trò trung tâm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng".
Lực lượng an ninh trên đường phố Myanmar ngày 28/2. Ảnh: Reuters. |
Thách thức đối với ASEAN
Dù ráo riết chuẩn bị cho nỗ lực hòa giải tại Myanmar, khối ASEAN được dự đoán sẽ gặp nhiều trở ngại.
Trên thực tế, ASEAN hiểu rằng họ không thể công khai thúc ép Myanmar một cách quá quyết liệt, vì điều đó đồng nghĩa với can thiệp sâu vào tình hình chính trị nội bộ của quốc gia khác.
Giáo sư Nehginpao Kipgen. Ảnh: Twitter. |
Thậm chí, tin tức về việc Indonesia lên kế hoạch cử giám sát viên sang hỗ trợ cuộc thăm dò ý kiến cử tri do quân đội Myanmar tổ chức đã làm dấy lên mối đe dọa đối với Đại sứ quán Indonesia ở Yangon vào ngày 23/2.
"Các lãnh đạo của ASEAN hiểu rằng họ cần cẩn thận để không can thiệp quá sâu vào những rắc rối ở Myanmar", giáo sư ngành Đông Nam Á học Nehginpao Kipgen nhận định trong một bài viết đăng tải trên Channel NewsAsia.
Hai quan chức cấp cao và một nhà ngoại giao ASEAN nói với Reuters rằng một số quốc gia của khối này và ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tiến hành đàm phán thông qua "cửa sau" để thúc giục thỏa hiệp và không lặp lại các cuộc trấn áp đẫm máu đối với người ủng hộ thuộc phe đối lập.
Tuy nhiên, nguồn tin nói trên cho biết khả năng thuyết phục Myanmar tham gia đàm phán này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.