Các ngoại trưởng ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (ngoài cùng bên phải) tại hội nghị ở Naypyidaw, Myanmar hôm 10/5. Ảnh: AP |
Những cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tiên
Sau 48 năm thành lập, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã thể hiện vai trò quan trọng trong các vấn đề chung của khu vực, đặc biệt là các vấn đề an ninh và tình hình Biển Đông.
Tranh chấp Biển Đông trở thành chủ đề hàng đầu trong mỗi kỳ họp ASEAN cấp cao từ thập niên 90 đến nay. Giai đoạn từ những năm 1970 đến trước 1995, công cụ pháp lý chính để quản lý hành vi của các bên liên quan trên Biển Đông là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và Hiệp ước về khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á (SEANWFZ).
Tuy nhiên, tình hình Biển Đông căng thẳng sau khi Trung Quốc tự ý ban hành luật để tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên hầu hết diện tích Biển Đông vào năm 1992. Trước tình thế này, các nước thành viên ASEAN lần đầu tiên thông qua lập trường chung về tranh chấp bằng việc thông qua Tuyên bố Biển Đông ký tại Manila vào ngày 22/7/1992. Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình, áp dụng các nguyên tắc của TAC.
Năm 1995, Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trước diễn biến này, hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 29 (tháng 7/1996 tại Indonesia) ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại trước diễn biến trên Biển Đông, nhấn mạnh nhu cầu xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để duy trì ổn định trong khu vực.
Sau nhiều cuộc họp và thảo luận, ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại hội nghị cấp cao ASEAN lần 8 ở Campuchia vào tháng 11/2002. DOC có hiệu lực ngay từ khi được đại diện chính phủ các thành viên ASEAN và Trung Quốc ký.
Biển Đông ngày càng nóng bỏng
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, hung hăng đâm thẳng vào tàu Việt Nam và làm rách mạn tàu khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển VN |
Tuy nhiên, trong những năm đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc để nâng cấp DOC thành COC, tình hình Biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến nóng bỏng. Những căng thẳng gần đây trên Biển Đông như giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough (2012), Trung Quốc mời thầu tại các lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam (2012) và đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam (2014), hoặc các hoạt động xây đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc.
Tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Myanmar vào tháng 10/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thông báo về tình hình phức tạp ở Biển Đông, bao gồm việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển Việt Nam. Ông kêu gọi các nước ASEAN đồng lòng thể hiện thái độ trước những diễn biến nghiêm trọng trên Biển Đông.
Phản hồi trước lời kêu gọi này, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra một tuyên bố dành riêng về Biển Đông. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm (kể từ 1995), ASEAN ra một tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Ngày 4/3/2015, trong cuộc phỏng vấn với báo Manila Times, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định ASEAN bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự lập ra. Ông khẳng định sự hội nhập của toàn khối có thể bị ảnh hưởng nếu “một hành vi thù địch hay xung đột nào” xảy ra trong khu vực.
Gần đây nhất, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 26 vừa điễn ra cuối tháng 4/2015 ở Malaysia, các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về hoạt động bồi đắp đảo đang diễn ra ở Biển Đông.
Tuyên bố nhấn mạnh việc tôn tạo, bồi đắp nói trên làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. "Chúng tôi chỉ đạo các Bộ trưởng Ngoại giao khẩn cấp xử lý vấn đề này thông qua khuôn khổ của ASEAN như quan hệ ASEAN - Trung Quốc cũng như nguyên tắc về cùng chung sống hòa bình", tuyên bố nêu rõ.
Điều mà các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy trong hai thập kỷ qua là thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm tiến tới hoàn thành COC. Cũng tại hội nghị lần thứ 26, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lần đầu tiên lên tiếng đốc thúc xây dựng COC tại Biển Đông.
Theo Channel News Asia, ông Lý Hiển Long khẳng định tình hình Biển Đông ngày càng nghiêm trọng trong những năm vừa qua. Ông cảnh báo, căng thẳng có thể xảy ra trên mặt đất và trên biển nếu các căng thẳng không được quản lý theo cơ chế hiệu quả. “ASEAN có vai trò làm giảm căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông”, Thủ tướng Singapore khẳng định.
Trả lời báo chí trong nước vào giữa tháng 7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, các nước sẽ thảo luận biện pháp thúc đẩy hợp tác ở Đông Nam Á nói chung, biển Đông nói riêng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đầu tháng 8 tới, bao gồm vấn đề xây dựng COC.
“Muốn như vậy, các bên liên quan phải có sự kiềm chế, không nên có hành động, chính sách gây căng thẳng, ảnh hưởng niềm tin, hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trong thực hiện DOC và tiến tới COC, nhất là trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung trả lời báo Tiền Phong.
Ông cũng cho biết, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một số kết quả trong việc bàn về thực hiện DOC và tiến tới xây dựng COC. Tuy nhiên, quá trình này còn chậm và tiến bộ đạt được chậm hơn nhiều so với những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên thực tế tại biển Đông.