Các diễn giả trong phiên thảo luận về những diễn biến gần đây trên Biển Đông tại hội thảo ở CSIS. Ảnh: Twitter |
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) quy tụ nhiều học giả uy tín trên thế giới, có sức ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của Washington cũng như tác động đáng kể đến nhiều vấn đề toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đến thăm Mỹ, như Chủ tịch Trương Tấn Sang (năm 2013) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2015), đều có bài phát biểu tại CSIS.
Đêm 21/7 đến rạng sáng 22/7 (giờ Hà Nội), CSIS đã tổ chức hội thảo thường niên lần thứ 5 để trao đổi về tình hình Biển Đông.
Nhiều nhà khoa học uy tín và các quan chức Mỹ đã đến tham gia như ông Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển; Daniel Russel (trợ lý Ngoại trưởng Mỹ); Kurt Campbell (cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ); các học giả của CSIS gồm bà Bonnie Glaser, ông Murray Hiebert; ông Ngô Sĩ Tồn (Viện Nghiên cứu Biển Hoa Nam (Biển Đông) Trung Quốc). Hai diễn giả từ Việt Nam là Tiến sĩ Trần Trường Thủy (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông) và Tiến sĩ Phạm Lan Dung (Học viện Ngoại giao).
"Mong Philippines thắng kiện Trung Quốc"
Mở đầu phiên thảo luận đầu tiên về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, nhà báo của BBC Bill Hayton nêu rõ, "việc lo ngại về tình hình an ninh ở Biển Đông lan ra cả châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác". Ông nhắc lại những sự kiện như Nhật Bản đề nghị hỗ trợ tàu tuần tra cho Philippines, tuyên bố chung giữa nguyên thủ Ấn Độ và Mỹ đề cập đến tình hình Biển Đông.
Tại khu vực Đông Nam Á, ông Hayton cho biết "ngay cả Malaysia cũng thay đổi quan điểm từ trước đến nay của họ khi luôn kín kẽ trong vấn đề Biển Đông". Hôm 9/6, chính phủ Malaysia phản đối vụ tàu Trung Quốc xâm lấn vùng biển quanh bãi cạn Luconia mà Malaysia tuyên bố chủ quyền. "Tuy không công bố nhưng dường như các nước ASEAN đang dần đạt lập trường chung", ông nói.
Nhà báo của BBC thẳng thắn thế hiện kỳ vọng rằng "Philippines sẽ chiến thắng trong vụ kiện Trung Quốc ở tất cả các điều khoản".
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CSIS |
Bà Bonnie Glaser của CSIS nhắc lại những tuyên bố của Bắc Kinh về mục đích xây đảo của họ chủ yếu vì các hoạt động dân sự, "nhưng cũng không phủ nhận các mục tiêu quân sự". "Một trong những ý đồ quan trọng của họ là tăng cường nhận thức về chủ quyền hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông", bà nói.
Chuyên gia của CSIS cho biết, Trung Quốc hiện có 8 tàu tuần duyên hoạt động ở Biển Đông nhưng "năng lực tuần tra ngoài biển vẫn còn hạn chế". Điều khiến Glaser lo ngại là khả năng xảy ra các đụng độ trên không nến Trung Quốc thực sự thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. "Những đường băng mà Trung Quốc xây trên các đảo nhân tạo có thể khiến lực lượng Mỹ vào thế rủi ro trong thời bình".
Trước các ý kiến chỉ trích, học giả Ngô Sĩ Tồn của Trung Quốc lặp lại quan điểm của Bắc Kinh là những hoạt động cải tạo "nhằm tạo điều kiện thực hiện nghĩa vụ quốc tế". Ông cũng "đổ tội" ngược lại phía Mỹ rằng những cuộc tuần tra trên không, trên biển ở Biển Đông khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng.
"Việc Mỹ hợp tác quân sự với Nhật Bản chứng tỏ họ muốn kiềm chế Trung Quốc về mặt chiến lược. Việc Philippines kiện Trung Quốc cũng là ví dụ khác về hành động đơn phương", học giả Trung Quốc nói.
Ông Ngô nhắc lại việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi "mô hình quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc", cho rằng chính sách Biển Đông của Mỹ không nên khiến Trung Quốc liên tưởng đến ý định kiềm chế, và "Nhật Bản cần tránh can thiệp vào tình hình Biển Đông".
Người dân Philippines biểu tình đòi Trung Quốc ngừng quấy rối ngư dân của họ trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila ngày 7/7. Ảnh: Reuters |
Bình luận về vụ kiện mà Philippines đang theo đuổi, tiến sĩ Trần Trường Thủy nói: "Nếu tòa án tuyên bố họ không có thẩm quyền đối với vụ việc, đây sẽ là thảm họa cho cả ASEAN. Nếu phán quyết của tòa án ủng hộ hoàn toàn, hoặc một phần, các đề nghị của Philippines, đây sẽ là điều khích lệ các nước khác".
Bà Glaser cho rằng: "Trung Quốc có quyền không tham gia vụ kiện, phán quyết tuy mang tính ràng buộc nhưng không có cơ chế thực thi".
Lặp lại quan điểm "Washington không đứng về phía Manila trong vụ kiện với Trung Quốc", trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khẳng định: "Phán quyết của tòa án mang tính ràng buộc, dù họ (Trung Quốc) có chấp nhận hay không. Nếu tòa án cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không đúng với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), phạm vi tranh chấp sẽ thu hẹp đáng kể".
Trước nghi ngờ của ông Ngô Sĩ Tồn về sự trung lập của Washington, ông Russel cứng rắn phản hồi: "Chúng tôi không im lặng nếu đó là về việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng chúng tôi không đứng về phía ai trong các tuyên bố chủ quyền. Chúng tôi thực sự không quan tâm mảnh đất này thuộc về nước nào. Chúng tôi quan tâm về quyền của một quốc gia muốn tìm kiếm giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế, phản đối các hành vi cưỡng ép hoặc đe dọa".
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. "Mỹ muốn Trung Quốc quan hệ hòa bình với ASEAN".
Ông Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển, thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ. Ảnh: CSIS |
Nóng chuyện Trung Quốc cải tạo đất
Tiến sĩ Trần Trường Thủy nhắc lại việc Bắc Kinh vấp phải phản ứng ngoại giao và vũ lực gay gắt từ Hà Nội sau khi đơn phương triển khai trái phép giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014. "Lần này, các nước không thể dùng hành động quân sự mà chỉ có thể phản ứng các hoạt động cải tạo của Trung Quốc bằng ngoại giao".
"Việc Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ cải tạo làm gia tăng khả năng nước này tiến tới thành lập ADIZ, đồng thời hạn chế khu vực hoạt động của quân đội Mỹ, mở rộng những vùng tuyên bố chủ quyền trái phép", ông Thủy nói.
Còn ông Russel nhắc lại rằng "chỉ trong năm qua, tốc độ cải tạo của Trung Quốc nhanh gấp 10, thậm chí 20 lần so với Philippines, Malaysia hoặc Việt Nam thực hiện trong thập kỷ qua".
Tiến sĩ Thủy làm rõ thêm: "Diện tích cải tạo đất của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1,5% của Trung Quốc. Các nước khác cải tạo vì mục đích tự vệ chứ không phải nhằm chủ động tấn công".
Chiến lược chiến thắng của Mỹ
Nghị sĩ Randy Forbes, chủ tịch một tiểu ban thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện, đã khái quát về "chiến lược của nước Mỹ với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông". Ông thừa nhận "xu hướng rất rõ ràng là chênh lệch sức mạnh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang thu hẹp".
Nghị sĩ Forbes khẳng định chính sách tái cân bằng và hướng về châu Á của Washington là "rất quan trọng". "Mỹ có khả năng xây dựng các liên minh mà không nước nào bì kịp. Tôi chưa thấy Trung Quốc xây dựng liên minh với ai".
Ông cho rằng "chiến lược chiến thắng của Mỹ, nếu có, sẽ là chiến thắng cho tất cả các nước liên quan". Ông nói Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, và "chúng tôi cần duy trì hiện diện hải quân ở đây".