Máy bay P-3C Orion của Nhật tuần tra trên Biển Đông tháng 6/2015, trong cuộc tập trận chung Nhật - Philippines. Ảnh: Defence Talk |
Báo New York Times mô tả đó là một thắng lợi đáng kể đối với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, một chính trị gia bảo thủ đã dành sự nghiệp của mình đưa nước Nhật vượt qua mặc cảm tội lỗi của quá khứ và hướng tới một “quốc gia bình thường” với một vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu. Đó là vai trò trong nền an ninh khu vực như đối trọng với một Trung Quốc ngày càng bành trướng hơn.
Đây là một bước nhằm cụ thể hóa “chủ nghĩa hòa bình tích cực” mà Thủ tướng Abe đề ra từ năm ngoái. Tại Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật lần thứ 7 hôm 4/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: “Việt Nam ủng hộ 'chủ nghĩa hòa bình tích cực' của Nhật vì mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới trên nguyên tắc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”.
Khi đó, 2 thủ tướng cũng “chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà lãnh đạo Mekong - Nhật, của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động lấn biển, xây đảo quy mô lớn”.
Nhật Bản nay chuyển sang “chủ nghĩa hòa bình tích cực” nhằm đối phó những nguy cơ có thể xảy ra như khẳng định của đô đốc Katsutoshi Kawano, tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật. Ông Kawano cho rằng: “Trung Quốc ngày càng lấn lướt trên Biển Đông, dẫn đến việc Nhật có thể sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra trong khu vực này, bao gồm các hoạt động chống tàu ngầm”.
Chi tiết sau cùng (chống tàu ngầm) phản ánh mối lo ngại của Nhật khi tuyến hàng hải qua Biển Đông mang tính sống còn đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Sự quan ngại này chính là nền tảng cho “quyết định của nội các về các đạo luật an ninh nhất quán nhằm đảm bảo sự sống còn của nước Nhật và để bảo vệ nhân dân Nhật”.
Tất nhiên, trước mắt một phần dư luận Nhật chưa hiểu hết lý do khiến Nhật nay chuyển sang “chủ nghĩa hòa bình tích cực” nên đang có những phản ứng.
Một cuộc thăm dò độc lập mới đây cho thấy hơn 80% dân chúng Nhật cho rằng chính phủ chưa giải thích đầy đủ các đạo luật này. Dù muốn dù không, ngã rẽ quốc phòng - an ninh Nhật đã là tất yếu do tính bức thiết của tình hình.
Điều này cũng thôi thúc Ấn Độ củng cố hải quân trên quy mô đáng kể (tăng 200 tàu chiến đến năm 2027), do có nhiều việc phải làm trước sự bành trướng quân sự nhanh chóng cùng các tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đây không chỉ là nhu cầu riêng của Ấn Độ mà còn của các nước trong khu vực. Cuối tuần qua trong Diễn đàn các yếu nhân Ấn - ASEAN lần thứ nhất tại New Delhi, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia kêu gọi Ấn Độ đóng một vai trò nổi bật hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế.
Việc Nhật và Ấn Độ tự dấn bước trong phòng vệ từ xa là nhu cầu tự thân trong tình hình mới ngày càng thách thức. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi các nước tăng tính tự lực tự cường hơn như ngạn ngữ “Hãy tự giúp bản thân, rồi trời sẽ giúp”. Đó cũng là nỗ lực đáp ứng yêu cầu của các nước khu vực nào cảm thấy cần “phòng vệ tập thể”.
Mỹ “sẵn sàng ứng phó” trên Biển Đông
Mới đây, đô đốc Scott Swift, tân tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, tuyên bố lực lượng Mỹ “được trang bị rất đầy đủ và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống căng thẳng” trên Biển Đông.
Đô đốc Swift khẳng định Mỹ quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông cũng như trong khu vực châu Á.
Ông cũng nhấn mạnh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông sẽ không ảnh hưởng tới những chiến dịch quân sự Mỹ tổ chức trong khu vực.
Theo đô đốc Swift, Hải quân Mỹ sẽ mở rộng các cuộc tập trận đa quốc gia với nhiều đồng minh trong khu vực. Ngày 18/7, đô đốc Swift có mặt trên chiếc máy bay P-8A Poseidon tuần tra trên Biển Đông suốt 7 giờ.