Ngày 21/8, Hội thảo “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng Công nghệ 4.0” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động hướng tới Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) sắp diễn ra vào tháng 9.
Bên lề Hội thảo, ông Dato' Mohd Zamruni Khali, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam, nhận định trí tuệ nhân tạo có thể là một thách thức đối với lao động con người.
“Chúng ta không thể đảm bảo rằng tình trạng thất nghiệp sẽ không xảy ra”, Đại sứ Malaysia nói.
Đại sứ Malaysia Dato' Mohd Zamruni Khali
trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo ngày 21/8. Ảnh: Infonet |
Đại sứ khẳng định lao động phải thích ứng với môi trường mới, nhận thức được yêu cầu của thời đại và nâng cao kỹ năng. Ông cũng cho rằng việc quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực và tái đào tạo lao động bị ảnh hưởng bởi Cách mạng Công Nghiệp lần thứ 4.
“Chính phủ cần có các chương trình huấn luyện và đảm bảo lao động thuộc mọi lĩnh vực đều có thể tiếp cận với các chương trình này”, Đại sứ Malaysia nhận định.
Hội thảo “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng Công nghệ 4.0” đã thu hút sự tham dự của các đại sứ, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, học giả và lãnh đạo một số doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong áp dụng công nghệ.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn, ông Dennis Brunetti, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, cho rằng thách thức không nằm ở tình trạng thiếu việc làm hay lao động bị thay thế mà vấn đề then chốt là giáo dục và đào tạo.
“Chính phủ và các trường đại học cần phối hợp nỗ lực để đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ cho kỷ nguyên số”, ông Brunetti nói.
Theo quan sát của ông, các bộ ngành Việt Nam nhận thức rõ điều này và đang phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy mạng lưới nhân lực sáng tạo, đồng thời có nhiều sáng kiến động viên các nhà khoa học, chuyên gia. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang mở rộng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, tạo nhiều việc làm.
“Tôi nghĩ Việt Nam đang đứng trước tương lai xán lạn nếu biết tận dụng làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông khẳng định.
Các diễn giả tại Hội thảo “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng Công nghệ 4.0”. Ảnh: Ngọc Hà. |
Trước đó, phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Indonesia Ibnu Hadi đã chia sẻ về chính sách phát triển nguồn nhân lực của nước này trong thời đại 4.0.
Kinh tế Indonesia đứng thứ 16 trên toàn thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Nước này đang xây dựng lộ trình hướng tới một Indonesia 4.0, tập trung vào 5 lĩnh vực gồm thực phẩm, dệt may, ôtô, hóa chất và điện tử.
“Chúng tôi đang chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp”, Đại sứ nói. Ông chia sẻ thêm đối với Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á, việc cân bằng giữa con người và công nghệ là một quá trình lâu dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Từ ngày 11-13/9, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đồng tổ chức WEF ASEAN 2018. Đây là hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam năm nay, dự kiến có sự góp mặt của hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế.
Hội nghị có chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4", gắn kết với chủ đề ASEAN 2018 là "ASEAN tự cường và sáng tạo". Qua 60 phiên thảo luận, các đại biểu sẽ trao đổi về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng sự quan tâm chung của các quốc gia trong khu vực.