Trao đổi với Zing.vn, ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á của WEF, đã có nhiều chia sẻ và nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam cũng như thời cơ của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4.
- Nhiều năm trước, dư luận quốc tế từng nhận định Việt Nam sẽ trở thành con hổ tiếp theo của châu Á, tuy nhiên dường như điều này đã không trở thành sự thật. Theo ông, liệu Việt Nam đã lỡ điều gì để hiện thực hóa nhận định trên?
- Bất kỳ quốc gia nào trong quá trình phát triển đều gặp phải những trở ngại, những bước lùi.
Như chúng ta đều đã biết, ngành ngân hàng Việt Nam đã cho vay quá nhiều trong những năm trước, bên cạnh đó là bong bóng bất động sản cùng nhiều vấn đề cho thấy sức khỏe nền kinh tế Việt Nam khi đó có vấn đề.
Tuy nhiên những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đang phục hồi trở lại và tăng trưởng rất nhanh. Lạm phát và nợ công được giữ ở mức ổn định, xuất nhập khẩu tăng mạnh; các vấn đề cũ liên tục được Chính phủ của Thủ tướng Xuân Phúc khắc phục; đầu tư nước ngoài đang đổ vào rất nhiều, thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng đang thể hiện rất tốt và liên tục các hiệp định thương mại mới được ký kết giữa Việt Nam và các đối tác.
Có thể thấy bức tranh kinh tế Việt Nam đang sáng sủa hơn rất nhiều nhờ những nỗ lực cải tổ nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam đã kiên định cải tổ ngành ngân hàng, tổ chức lại các ngân hàng yếu kém, giúp ngành này minh bạch hơn và cho vay một cách hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam luôn được cải thiện trong thời gian gần đây, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới cũng như những doanh nghiệp nước ngoài phát triển tốt hơn.
Như tôi đã nói, bất kỳ nền kinh tế nào cũng gặp những trở ngại nhất định trên con đường phát triển. Đúng là Việt Nam đã không thể trở thành con hổ của châu Á như dư luận kỳ vọng trước đó, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7% một năm trong nhiều năm vẫn rất đáng kể và Việt Nam vẫn là một loại hổ nào đó của châu Á.
Con đường phát triển của Việt Nam đã từng có biểu hiện chệch ray trong vài năm trước, nhưng giờ mọi chuyện đang tích cực trở lại.
- Với tư cách là chuyên gia về khu vực Đông Nam Á, ông có nhận định gì về tương quan giữa kinh tế Việt Nam và các quốc gia còn lại trong khu vực?
- Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng rất nhanh với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng. Dù Trung Quốc và Ấn Độ mới là những quốc gia dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế nhưng Đông Nam Á đang theo rất sát. Nếu tính Đông Nam Á là một khu vực thống nhất, đây là sẽ là một nền kinh tế rất đáng kể khi chiếm 9% dân số toàn cầu và đang phát triển rất nhanh.
Nếu so sánh Việt Nam với các nước Đông Nam Á khác thì Việt Nam cũng rất nổi bật với dân số gần 100 triệu người với nhân khẩu học rất tích cực, đang ở trong giai đoạn dân số vàng, tầng lớp trung lưu phát triển rất nhanh.
Chúng tôi từng tổ chức nhiều sự kiện thúc đẩy đầu tư Đông Nam Á và các nhà đầu tư nước ngoài đều đặc biệt quan tâm đến Việt Nam dù các sự kiện đó nói chung về Đông Nam Á. Điều này cho thấy sức hút của Việt Nam là rất đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên tôi vẫn khẳng định Đông Nam Á sẽ hấp dẫn hơn nữa nếu có thể trở thành một khối kinh tế thống nhất. Với những liên kết về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ, các nước Đông Nam Á có thể liên kết tốt hơn với nhau để trở thành một điểm đến đầu tư vô cùng hấp dẫn trong giai đoạn cách mạng kỹ thuật số.
- Ông có nghĩ Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không khi nhóm doanh nghiệp này đang chiếm hơn 75% kim ngạch xuất khẩu?
- Việc thu hút FDI rất quan trọng với Việt Nam. Các bạn có thể thu về nhiều lợi ích như việc làm, chuyển giao công nghệ và quan trọng nhất là xây dựng được chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI.
Đây là điều mà Thái Lan đã làm rất tốt trong thập kỷ trước. Họ đã thu hút vốn FDI, đưa các doanh nghiệp nước ngoài tới Thái Lan rồi sau đó xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm công nghiệp phụ trợ cho những doanh nghiệp FDI. Sau giai đoạn này, Thái Lan trở thành nước rất mạnh về công nghiệp vụ trợ.
Trường hợp của Việt Nam, lấy Samsung làm ví dụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam giờ chỉ cần làm thật nhiều sản phẩm phụ trợ như ốc vít rồi kết nối mình với chuỗi giá trị của Samsung là có thể hưởng lợi từ dòng vốn FDI.
Còn yếu về năng lực đổi mới
- Nhiều người cho rằng tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên cao, hàng quán mở ra khắp nơi, doanh nghiệp mới xuất hiện từng ngày, khởi nghiệp trở thành một phong trào. Vậy ông có gợi ý gì để Việt Nam có thể biến chúng thành động lực mang lại hiệu quả phát triển kinh tế rõ rệt?
- Yếu tố cơ bản nhất để biến xu thế trên thành động lực phát triển kinh tế chính là một thị trường công bằng. Việt Nam cần một thị trường minh bạch, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, một thị trường nhân lực được đào tạo, cần cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hệ thống luật pháp minh bạch và công bằng với các doanh nghiệp.
Chúng tôi có tạo ra một chỉ số để theo dõi năng lực cạnh tranh của các quốc gia và Việt Nam hiện đứng thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước. Điều này cho thấy Việt Nam đang ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh và Chính phủ đang cố gắng để việc khởi nghiệp kinh doanh ngày càng trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, WEF có chỉ rõ hiện Việt Nam đang yếu ở chỉ số “năng lực đổi mới”, bao gồm những yếu tố như nghiên cứu phát triển, sáng chế, đưa ra những ý tưởng mới. Việt Nam đã làm rất tốt khi từ nước có thu nhập thấp lên thành nước có thu nhập trung bình, tuy nhiên để phát triển thành nước có thu nhập cao, Việt Nam cần cải thiện các yếu tố này.
Con đường từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình không quá phức tạp, bạn chỉ cần sao chép những mô hình đã được kiểm chứng trên thế giới rồi thực hiện tốt.
Nếu muốn đi từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao, Việt Nam cần tạo ra những giá trị mới, những sáng chế mới, ý tưởng mới, đây là điều mấu chốt để Việt Nam phát triển kinh tế trong tương lai.
- Người Việt từng rất trông chờ những hiệp định thương mại tự do (FTA), điển hình như việc Việt Nam gia nhập WTO nhưng sự hào hứng giờ không còn thấy nữa. Gần đây FTA giữa Việt Nam và châu Âu đang chuẩn bị được ký kết lại không nhận được sự chú ý của dư luận, ông nghĩ sao về điều này?
- Đây là điều không chỉ Việt Nam gặp phải mà tại rất nhiều quốc gia cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Các hiệp định thương mại đều rất khó để đàm phán và càng khó hơn để hiểu và áp dụng. Các công ty lớn với đội ngũ về luật pháp hùng hậu thường hiểu và áp dụng rất tốt các điều khoản của các hiệp định thương mại, tuy nhiên với các công ty vừa và nhỏ, họ không có nguồn lực này.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn lực lượng trong nền kinh tế Việt Nam nên để tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần có những động thái đào tạo, thông tin tới nhóm doanh nghiệp này để họ hiểu được lợi ích từ từng hiệp định. Từ đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ cần biết phải làm gì, nên làm gì để tối ưu hóa lợi ích mà các hiệp định này mang lại.
- Các tổ chức đa phương như WEF có thể mang lại cho Việt Nam những lợi ích nào?
- Mọi người thường nghĩ WEF chỉ là đơn vị tổ chức sự kiện, nhưng thực chất tổ chức sự kiện chỉ là một phần rất nhỏ công việc của chúng tôi. WEF tập trung vào việc kết nối công-tư để cùng giải quyết các vấn đề kinh tế.
Có những vấn đề mà khối tư nhân không thể đơn độc giải quyết và tương tự với khối nhà nước. Nhiệm vụ của WEF là kết nối hợp tác giữa hai khối, đưa ra các vấn đề để hai bên cùng giải quyết, đưa ra những ý tưởng mới và áp dụng vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giúp Chính phủ định hướng trong giai đoạn có rất nhiều thay đổi này. Ví dụ, chúng tôi giúp Chính phủ và các Bộ ngành của Việt Nam có cái nhìn rõ ràng hơn về cách mạng công nghiệp 4.0, hiểu được những lợi ích mà cuộc cách mạng này mang đến cũng như những điều Việt Nam nên làm để nắm bắt những cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Bên cạnh đó, hàng năm, WEF đều đưa rất nhiều chuyên gia quốc tế tới các sự kiện tại Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam kết nối với thế giới, có tiếng nói của mình và có cơ hội để tiếp cận với những ý tưởng mới hay tự đưa ra những ý tưởng mới của mình.
- Nói về cách mạng công nghiệp 4.0, ông có thấy ở Việt Nam việc tiếp cận cuộc cách mạng này đang thiên về nói nhiều hơn là làm không?
- Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một khái niệm rất khó. Tôi rất tâm đắc với một câu nói rằng "Nhịp độ thay đổi đang nhanh chưa từng có nhưng cũng sẽ chậm chưa từng có", có nghĩa rằng mọi thứ đang thay đổi nhanh dần lên và sẽ còn nhanh hơn nữa trong tương lai.
Sẽ rất khó để các Chính phủ bắt kịp, hiểu và phản ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam rõ ràng đang có những động thái nhất định để thích ứng.
Rõ ràng nhất là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với WEF nhằm giúp Việt Nam định hướng tốt hơn trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.
Chúng tôi vẫn đang tích cực làm việc với các Bộ ngành của Việt Nam để đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Đây là điều khó khăn nhưng tôi nghĩ Việt Nam đang đi từng bước chắc chắn.