Theo AFP, trong thông báo được đăng tải trên trang mạng chính thức, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết Ganja, thành phố lớn thứ hai nước này với 330.000 dân, và một số khu vực dân cư lân cận đang hứng chịu rocket và đạn pháo của phía Armenia.
Armenia phủ nhận việc bắn đạn pháo về phía Azerbaijan, nhưng lãnh đạo của Nagorno-Karabakh, vùng đất là tâm điểm tranh chấp nằm bên trong Azerbaijan với phần đông dân số là người Armenia, cho biết lực lượng của ông đã phá hủy một căn cứ không quân của Azerbaijan ở Ganja.
Một cửa hàng ở thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh bốc cháy vì đạn pháo giao tranh. Ảnh: Reuters. |
"Các đơn vị quân đội thường trực đóng tại các thành phố lớn của Azerbaijan từ nay trở thành mục tiêu của lực lượng phòng vệ", ông Arayik Harutyunyan, lãnh đạo vùng Karabakh, tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết hai thành phố Terter và Horadiz nằm sát vùng Nagorno-Karabakh đang hứng chịu đạn pháo dày đặc. Ở phía bên kia, lực lượng ly khai cũng cho biết thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh cũng đang bị pháo kích từ quân đội chính phủ Azerbaijan.
Giao tranh ở khu vực bắt đầu cách đây một tuần, và leo thang đến mức tồi tệ nhất kể từ thập niên 1990. Vào thời điểm đó, xung đột khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Cuộc xung đột năm 2020 cũng tiềm ẩn rủi ro dẫn đến sự can thiệp của các cường quốc khu vực như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO với tham vọng tầm khu vực, đã cam kết sẽ hỗ trợ đồng minh lâu năm Azerbaijan "trên chiến trường hoặc trên bàn đàm phán", nếu cần thiết. Tuy nhiên, Ankara bác bỏ tuyên bố của Armenia về việc Thổ Nhĩ Kỳ gửi máy bay chiến đấu và lính đánh thuê Syria đến hỗ trợ các lực lượng Azerbaijan.
Trong khi đó, Điện Kremlin cố gắng không chọn phe trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, vì Moscow có quan hệ chặt chẽ với cả Armenia và Azerbaijan. Sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ càng làm phức tạp thêm vị thế của Nga, vì Tổng thống Vladimir Putin từ lâu đã muốn Ankara mua vũ khí Nga và hợp tác xây dựng đường ống dẫn dầu.
Lãnh đạo các nước Nga, Mỹ và Pháp đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng bắn hoàn toàn vô điều kiện, nhưng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố quân đội của ông sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi các lực lượng của Armenia rút hoàn toàn khỏi Karabakh. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thì cho rằng "không phù hợp lắm" khi nói về các cuộc đàm phán vào thời điểm sự thù địch dâng cao.