Theo CNBC, các tập đoàn quốc tế cho biết những trở ngại từ các biện pháp chống dịch gắt gao của Trung Quốc đã tác động tới toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc bắt đầu áp dụng các yêu cầu phong tỏa và hạn chế đi lại để đối phó với làn sóng Omicron mới. Chiến lược này từng giúp quốc gia 1,4 tỷ dân nhanh chóng phục hồi và trở lại đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2020, khi phần còn lại của thế giới vẫn lao đao vì virus.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, Thượng Hải - trung tâm tài chính 25 triệu dân - đã phải phong tỏa hơn 1 tháng mà chưa thể phục hồi hoàn toàn các hoạt động kinh tế. Bắc Kinh cũng đóng cửa một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để kiểm soát đợt bùng phát Covid-19 mới.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc bắt đầu tái áp dụng các yêu cầu phong tỏa để đối phó với làn sóng Omicron mới. Ảnh: Reuters. |
Ảnh hưởng nặng nề
Các tập đoàn quốc tế vốn đã có nhiều thách thức cần phải đối phó, từ mức lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ đến xung đột Nga - Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc được coi là công xưởng sản xuất của thế giới và thị trường tiêu dùng quan trọng.
Hôm 3/5, Starbucks cho biết doanh số bán hàng tại các cửa hàng ở Trung Quốc đã giảm 23% trong quý kết thúc vào ngày 3/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo FactSet, con số này tệ hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,2% mà giới phân tích dự báo trước đó.
“Điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc tồi tệ đến mức chúng tôi gần như không thể dự đoán hiệu suất hoạt động tại đây trong nửa cuối năm”, CEO Howard Schultz chia sẻ. Ông nhấn mạnh tình trạng bất ổn do lạm phát và kế hoạch đầu tư của công ty.
Nhưng về dài hạn, Starbucks vẫn kỳ vọng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sẽ lớn hơn tại Mỹ.
Dù gần như mọi nhà máy lắp ráp của Apple ở Thượng Hải đều đã tái khởi động sản xuất, tập đoàn cho biết lệnh phong tỏa sẽ khiến doanh thu quý II lao dốc 4 tỷ USD xuống còn 8 tỷ USD. Tình trạng thiếu hụt chip cũng là trở ngại đối với Apple.
Apple cho biết lệnh phong tỏa của Trung Quốc sẽ khiến doanh thu quý II lao dốc mạnh. Ảnh: Reuters. |
"Rất khó để dự đoán tình hình dịch bệnh", Giám đốc điều hành Tim Cook thừa nhận. Apple cho rằng tình trạng gián đoạn do dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới người tiêu dùng Trung Quốc.
Estee Lauder - nhà sản xuất và phân phối các sản phẩm nước hoa, chăm sóc da và trang điểm của Mỹ - cũng cắt giảm triển vọng năm nay do những biện pháp kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc và lạm phát.
"Đợt bùng phát Covid-19 ở nhiều tỉnh của Trung Quốc đã dẫn đến các hạn chế nhằm chống dịch", công ty nhận định. "Do đó, dòng chảy bán lẻ, hoạt động di chuyển và phân phối bị hạn chế", hãng nói thêm.
Estee Lauder thừa nhận "hoạt động của các nhà phân phối của công ty ở Thượng Hải bị hạn chế" kể từ giữa tháng 3/2022. Hãng dự báo tăng trưởng doanh thu trong năm tài chính (kết thúc vào ngày 30/6) khoảng 7-9%, thấp hơn nhiều so với dự báo của FactSet.
Triển vọng xấu đi
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết trong quý I/2022, gần một nửa số cổ phiếu thuộc MSCI Trung Quốc đại lục (không bao gồm lĩnh vực tài chính) đã không đạt kỳ vọng thu nhập, chỉ 25% còn lại vượt kỳ vọng.
Theo các nhà phân tích, đây là kết quả hàng quý tồi tệ nhất kể từ quý I/2020. Đó là thời điểm đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên làm chao đảo nền kinh tế.
Cuối tuần trước, Bắc Kinh đã đóng cửa các công viên giải trí và cấm ăn uống tại nhà hàng để kiểm soát Covid-19. Đây cũng là thời điểm diễn ra kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày của nước này.
Điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc tồi tệ đến mức chúng tôi gần như không thể dự đoán hiệu suất hoạt động tại đây trong nửa cuối năm
CEO Starbucks Howard Schultz
Trong khi đó, Thượng Hải vẫn duy trì những lệnh cấm nghiêm ngặt, ngay cả sau khi đã nới lỏng một số hạn chế.
Wall Street Journal đưa tin theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã lao dốc từ 49,5 trong tháng 3 xuống còn 47,4 vào tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Con số này thấp hơn mức dự báo trung bình 48 trước đó của các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát.
Chỉ số phụ đo lường hoạt động sản xuất tại nhà máy đã giảm mạnh từ 48,8 vào tháng 3 xuống còn 44,4 trong tháng 4. Theo ông Zhao Qinghe - quan chức cấp cao của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số lao dốc mạnh do các nhà máy tạm dừng sản xuất để ngăn ngừa virus lây lan.
Hoạt động sản xuất sụt giảm mạnh đã phơi bày cái giá mà Trung Quốc phải trả khi theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0.
Bắc Kinh đang tìm cách trấn an nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Hồi cuối tháng 4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cam kết “sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách tiền tệ thận trọng đối với nền kinh tế, nhất là đối với những ngành công nghiệp và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch".
Ngân hàng cho biết sẽ thúc đẩy "sự phát triển lành mạnh và ổn định của thị trường tài chính". Cơ quan này nhấn mạnh cần giữ "thanh khoản dồi dào một cách hợp lý".