Theo Wired, Apple, hãng công nghệ luôn tồn tại hai thái cực đối lập. Một mặt, Táo khuyết được biết đến là một công ty chuyên phần cứng, ra mắt những mẫu điện thoại, máy tính bảng smartwatch hay laptop phân khúc cao cấp.
Nhưng Apple cũng tồn tại một mặt tối không muốn nhiều người biết đến khi tập trung phát triển và dần bành trướng thế lực của mình trong mảng quảng cáo.
Tuyên chiến với Google, Meta
Apple đã bắt đầu bán quảng cáo bên trong kho ứng dụng và Apple News từ năm 2016. Nhưng chỉ đến vài tháng gần đây, hãng công nghệ mới bắt đầu thể hiện tham vọng tiến vào mảng kinh doanh từ quảng cáo, vốn bị Google, Meta và Amazon thống trị từ lâu.
Hồi tháng 6, Táo khuyết đã mở rộng mục quảng cáo cho các công ty, cho phép họ mua banner quảng cáo xuất hiện trên trang chính App Store. 2 tháng sau, tập đoàn tuyên bố rằng đang xây dựng một nền tảng riêng dành cho các doanh nghiệp, giúp họ tự đặt quảng cáo trên các sản phẩm của Apple.
Cho đến gần đây, nhiều thông tin đã chỉ ra Táo khuyết đang tìm cách mời gọi các đối tác truyền thông để mua quảng cáo trên Apple TV+ nhưng vẫn chưa rõ hình thức thực hiện của hãng, Wired cho biết.
Những động thái này cho thấy người dùng Apple sẽ sớm nhìn thấy các quảng cáo bên trong ứng dụng, dịch vụ. Chúng cũng là lời tuyên chiến dành cho những đối thủ khác như Google và Meta trong mảng quảng cáo.
Mảng thiết bị phần cứng không còn mang lại lợi nhuận cao cho Apple như trước đây. Ảnh: Digital Information World. |
“Người dùng thường để cho Google và Facebook lấy hết tiền của mình bằng những chiêu trò quảng cáo. Do đó, việc Apple bước vào và muốn chiếm một miếng bánh của thị trường này cũng là điều dễ hiểu”, Michael Cusumano, giáo sư tại MIT Sloan School of Management, nhận định.
Theo Wired, những cải tiến trên smartphone ngày nay có xu hướng ngày càng chững lại và doanh số cũng không còn lạc quan như trước. Do đó, các nhà sản xuất, trong đó có cả Apple, cần tìm nguồn doanh thu mới. Công ty bắt đầu mở rộng các gói dịch vụ tính phí ở mục tin tức, phát video và lĩnh vực sức khỏe, cho thấy tham vọng muốn tăng tốc trên thị trường của mình.
Chuyên gia Cusumano cho rằng Apple đã bị ảnh hưởng từ sự thành công của Amazon với mảng quảng cáo. Hãng này đã hiển thị các biển quảng cáo trên kết quả tìm kiếm trong các sản phẩm của mình. Nhờ đó, quy mô của Amazon đã tăng gấp 10 lần so với năm 2016, đạt 31 tỷ USD doanh thu chỉ trong năm 2021. Trong khi đó, Apple chỉ kiếm được 4 tỷ USD/năm nhờ mảng quảng cáo, theo công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence.
Tuy nhiên, ván cược vào lĩnh vực quảng cáo của Apple đã khiến không ít người dùng trung thành tỏ thái độ. Việc hiển thị các thông báo giới thiệu về dịch vụ trả phí đã đi ngược lại với cam kết trước đó của Táo khuyết với người dùng.
Từ trước đến nay, người dùng Apple đã quen với việc phải chi một mức phí cao hơn cho các sản phẩm của hãng để đổi lại một trải nghiệm cao cấp và được chọn lọc kỹ càng. Nói về vấn đề này, CEO Tim Cook từng khẳng định rằng mô hình kinh doanh dựa theo quảng cáo của họ không hề xâm phạm đến quyền riêng tư của người dùng, không giống như Google hay Meta.
Thách thức bủa vây Apple
Tham vọng với lĩnh vực quảng cáo của Apple cũng khiến các cơ quan chống độc quyền dòm ngó, đặc biệt là sau khi công bố tính năng “minh bạch theo dõi ứng dụng” (ATT). Thay đổi này của Táo khuyết đã ảnh hưởng không ít đến doanh thu từ quảng cáo của các hãng công nghệ khác.
Được giới thiệu vào tháng 4/2021, ATT yêu cầu sự đồng ý từ người dùng iPhone để ứng dụng có thể giám sát hoạt động nhằm đưa ra quảng cáo phù hợp. Chính sách mạnh mẽ này đã khiến Facebook mất 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo, tương đương với 8,5% doanh thu năm 2021 của công ty. Trong khi đó, những quảng cáo được cá nhân hóa của Apple, hiển thị dựa trên độ tuổi và giới tính lại không bị hạn chế.
Apple dự định mở rộng mảng quảng cáo sau khi thực hiện thay đổi về quyền riêng tư hồi năm ngoái khiến cả toàn bộ ông lớn trong ngành sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Ảnh: Apple Insider. |
Nói về vấn đề này, người đại diện Shane Bauer của Táo khuyết nói rằng ATT áp dụng với mọi nhà phát triển, trong đó có cả Apple, đồng thời khẳng định họ chưa bao giờ theo dõi người dùng.
Nhưng trên thực tế, doanh thu quảng cáo của Apple đang trên đà tăng trưởng qua từng năm. “Đây là mảng chiến lược quan trọng của họ. Apple muốn bớt phụ thuộc vào doanh số bán các thiết bị phần cứng”, Peter Newman, Giám đốc dự đoán tại Insider Intelligence, cho biết. Theo ông, gói thu phí hàng tháng trên Apple Music và Apple TV+ sẽ mang lại lượng quảng cáo lớn cùng với dịch vụ phát video, cạnh tranh với Netflix.
Nhưng quy mô của mảng kinh doanh này vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Newman cho rằng Apple có rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng sẽ rất khó để cạnh tranh với các ông lớn khác. “Tôi nghĩ Apple sẽ ngang cơ Microsoft hoặc phát triển hơn, nhưng sẽ thua kém so với Google hay Meta”, chuyên gia cho biết.
Theo ông, các thiết bị và dịch vụ của Táo khuyết có rất nhiều tiềm năng để mở rộng quảng cáo nhưng quy mô và cơ hội kiếm lợi vẫn chưa thể so sánh với công cụ tìm kiếm của Apple hay mạng xã hội tỷ người dùng của Meta.
Bên cạnh đó, những cam kết về quyền riêng tư trước đó của Apple cũng là một rào cản khiến hãng công nghệ khó lòng thắng lớn trong lĩnh vực quảng cáo. Vì thế, hãng công nghệ đã thuê nhiều nhân sự mới để tìm cách tối ưu hóa những nội dung quảng cáo trên nền tảng của mình. Theo Wired, Apple lo sợ rằng sự tập trung vào mảng quảng cáo sẽ phá hủy hình ảnh thương hiệu và đánh động đến các cơ quan lập pháp.
Giáo sư Cusumano của MIT cho rằng thách thức lớn nhất của Apple là làm sao cân bằng giữa tính năng bảo mật với doanh thu từ quảng cáo. “Apple là một hệ sinh thái đóng chứ không mở và nhiều quảng cáo như Google”, ông nói.