Vào tháng 5, Apple tung ra iOS 14.5, bản cập nhật giữa chu kỳ có quy mô “lớn bất thường”. Ngoài một số cải tiến Siri, hỗ trợ AirTags, phiên bản này chính thức áp dụng tính năng Minh bạch theo dõi người dùng (App Tracking Transparency) đã được công bố trước đó.
TikTok tìm cách theo dõi người dùng sau khi Apple tung ra iOS 14.5. Ảnh: Apple Insider. |
Tính năng mới cho phép người dùng kiểm soát mức độ ứng dụng theo dõi hoạt động của họ. Điều này khiến một số nhà phát triển lo ngại, đặc biệt là các công ty có mô hình kinh doanh dựa vào quảng cáo nhắm mục tiêu như Facebook hay TikTok.
Apple yêu cầu ứng dụng phải hỏi ý kiến (và được cho phép) trước khi theo dõi hoạt động trên app hoặc trang web khác. Tuy nhiên, phần lớn người dùng đã chọn không đồng ý. Điều này khiến cho các nhà quảng cáo vấp phải trở ngại lớn.
Nếu bị từ chối, ứng dụng sẽ không thể dùng IDFA (Identifier for Advertisers), mã số riêng trên mỗi iPhone, iPad giúp doanh nghiệp triển khai quảng cáo được cá nhân hóa cho từng thiết bị.
Theo BGR, đối phó với hàng rào bảo mật của Apple, TikTok và một số công ty đã nghĩ ra cách mới để có được thông tin về hoạt động người dùng. Đó là CAID.
Về cơ bản, công cụ này sử dụng một thuật toán mới, có thể theo dõi hoạt động của người dùng iPhone để quảng cáo nhắm mục tiêu mà không cần IDFA.
Vào tháng 4, Wall Street Journal cho biết hàng chục tập đoàn thương mại và công ty công nghệ của Trung Quốc, cùng với Hiệp hội Quảng cáo Trung Quốc hợp tác phát triển CAID.
Apple đã chặn bản cập nhật TikTok có CAID. Ảnh: Bloomberg. |
Nó được xây dựng dựa trên “dấu vân tay thiết bị”, dữ liệu đầu vào cơ bản là tên máy, địa chỉ IP, ngôn ngữ và thời gian khởi động. Một số tên tuổi lớn tham gia thử nghiệm CAID gồm Proctor & Gamble, Deloitte LLP và TikTok.
Tờ Financial Times cho rằng CAID đã đặt Apple vào tình thế khó khăn. Hoặc họ phải chấp thuận để các nhà quảng cáo sử dụng công cụ theo dõi mới, hoặc từ chối và đối diện với nguy cơ bị tẩy chay.
Tuy nhiên, Apple vẫn giữ vững lập trường của mình. Hãng từ chối các bản cập nhật ứng dụng TikTok bao gồm CAID.
“Hệ sinh thái ứng dụng Trung Quốc đang hợp sức đánh lừa tính năng bảo mật mới với CAID, họ nghĩ Apple không thể cấm mọi ứng dụng lớn”, Alex Bauer, Giám đốc Chiến lược thị trường của Branch cho biết.
“Apple xem họ là kẻ bịp bợm và khẳng định lại quyền kiểm soát bằng cách tấn công mạnh tay vào những người đầu tiên dùng CAID, trước khi các công ty này kịp tạo ra thứ gì đó”, Bauer cho biết thêm.
Qua câu chuyện gỡ Fortnite khỏi App Store, rõ ràng Apple không ngại đối đầu với các nhà phát triển ứng dụng nổi tiếng, ngay cả khi phải chạm mặt tại tòa án.