Từ khi ra mắt vào năm 2008, App Store được vận hành gần như giống nhau trên khắp 175 quốc gia, kể cả phí hoa hồng 30% với nhà phát triển trên mỗi giao dịch ứng dụng.
Năm 2021, CEO Tim Cook thừa nhận App Store là "phép màu kinh tế" khi mang về doanh thu hơn 1.000 tỷ USD, giúp tạo ra hơn 7 triệu việc làm và đóng góp hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi năm cho Apple.
Sau 16 năm hoạt động, chính sách tại nhiều quốc gia đang "xâu xé" App Store, làm mất đi quyền lực của Apple với kho ứng dụng.
App Store đang bị chia tách
Ngày 7/3, đạo luật chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Mang tên Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), bộ quy tắc yêu cầu các hãng công nghệ cho phép cài kho ứng dụng bên thứ ba, tạo điều kiện để người dùng chuyển sang nền tảng đối thủ, và cấm kết hợp dữ liệu cá nhân trên nhiều dịch vụ.
Đạo luật trên buộc Apple "mở khóa" iOS tại châu Âu để cài đặt kho ứng dụng ngoài, cho phép bên thứ ba dùng chip NFC để vận hành dịch vụ thanh toán.
Không chỉ EU, chính quyền tại Mỹ và Hàn Quốc cũng yêu cầu Apple ngừng độc quyền chip NFC cho Apple Pay. Những thay đổi tương tự còn đang được thảo luận ở Anh, Nhật Bản và Australia.
The New York Times, quy định của mỗi quốc gia đang biến App Store thống nhất trở thành kho ứng dụng riêng lẻ tại từng khu vực. Trải nghiệm tải ứng dụng trên iPhone nay đã khác, tùy vào nơi người dùng sinh sống.
"App Store đang bị chia cắt hoàn toàn. Cách tuân thủ của Apple khá giống nhau khi cắt giảm mức phí (thu từ lập trình viên). Dù vậy, điều đó thực sự khó khăn", Eric Seufert, nhà đầu tư cho lập trình viên kiêm chủ blog về nền kinh tế ứng dụng Mobile Dev Memo, cho biết.
App Store được phát hành lần đầu năm 2008. Ảnh: Cnet. |
Trước áp lực từ nhiều phía, Apple tìm cách đáp ứng. Đại diện công ty cho biết đã dành nhiều tháng thảo luận với Ủy ban châu Âu (EC) liên quan đến DMA, gặp mặt lập trình viên về kế hoạch thay đổi App Store, đảm bảo rủi ro thấp trước mã độc và lừa đảo.
Ngày 4/3, Apple bị EU phạt 1,95 tỷ USD do chính sách cản trở đối thủ cạnh tranh trên thị trường dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Án phạt được công bố sau 5 năm điều tra, từ khi Spotify nộp đơn khiếu nại. Apple khẳng định sẽ kháng cáo.
Theo Apple, quyền kiểm soát App Store rất quan trọng để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của app. Công ty không từ bỏ mức "thuế" 30%, nhưng có một số nhượng bộ như giảm phí, cho phép ứng dụng dẫn link đến cổng thanh toán ngoài.
Những thay đổi trên dự kiến tác động đến lợi nhuận và doanh thu của Apple. Theo Bernstein Research, doanh thu ước tính trong năm 2023 từ App Store đạt 24,12 tỷ USD.
Áp lực từ nhiều phía
Khi App Store lần đầu xuất hiện, đồng sáng lập Apple Steve Jobs cho biết mức phí 30% là "món hời" bởi mọi nhà phát triển có thể phân phối app đến từng chiếc iPhone.
Tuy nhiên theo thời gian, các lập trình viên phàn nàn mức phí quá cao, khiến cơ quan quản lý vào cuộc.
Năm 2019, Spotify đệ đơn khiếu nại Apple tại châu Âu, cáo buộc công ty có hành vi phản cạnh tranh khi cấm app nghe nhạc quảng bá cổng thanh toán ngoài. Một năm sau, Epic Games, nhà phát hành trò chơi Fortnite, kiện Apple lên tòa án liên bang Mỹ với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.
Kể từ đó, lập trình viên tại nhiều quốc gia gây sức ép. Năm 2021, Hàn Quốc là một trong những nước đầu tiên phản ứng bằng cách thông qua quy định bắt buộc mọi kho ứng dụng cho phép cổng thanh toán thay thế.
"Cuộc chiến" giữa Apple và Epic Games khép lại vào tháng 1 sau gần 4 năm tranh chấp. Ảnh: Reuters. |
Apple đã nới lỏng chính sách để tuân thủ quy định, nhưng yêu cầu lập trình viên trả 26% dựa trên doanh thu cho công ty. Đương nhiên, nhà phát triển không hài lòng với con số này.
Khi đó, đại diện cơ quan quản lý Hàn Quốc cho rằng chính sách của Apple không phù hợp mục tiêu của quy định, dọa sẽ phạt công ty 15,4 triệu USD. Trong khi đó, phía Táo khuyết không đồng ý, khẳng định các thay đổi đều tuân thủ luật pháp.
Cách tiếp cận trên cũng được Apple áp dụng tại Mỹ. Trong vụ kiện với Epic Games, CEO Tim Cook cho rằng việc mở cửa cổng thanh toán ngoài "sẽ tạo ra mớ hỗn độn".
"Chúng tôi sẽ phải tạo ra hệ thống khác để lập hóa đơn cho nhà phát triển", Cook cho biết. Ông khẳng định Apple sẽ tiếp tục tính phí hoa hồng.
Đến 2021, thẩm phán trong vụ kiện phán quyết Apple phải cho phép nhà phát triển ở Mỹ sử dụng cổng thanh toán ngoài. Táo khuyết chấp nhận thay đổi, nhưng ai sử dụng giải pháp này phải nộp phí 27% dựa trên doanh thu.
Trước phản ứng của nhà phát triển, đại diện Apple cho biết được giữ quyền thu phí, và giải pháp mở cổng thanh toán ngoài đáp ứng yêu cầu của tòa án. Về phía ngược lại, Epic Games nộp đơn khiếu nại, nhưng đã bị tòa bác bỏ vào đầu tháng 1.
Chiến lược của Apple
Năm 2022, EU thông qua DMA để tạo ra cạnh tranh cho App Store trên iPhone cùng những thay đổi khác. Apple có 2 năm tuân thủ trước khi đạo luật chính thức hiệu lực.
Theo New York Times, các kỹ sư của Apple đã dành hàng nghìn giờ tạo hơn 600 công cụ cho nhà phát triển tại EU. Đến tháng 1, công ty này giới thiệu toàn bộ thay đổi và đưa ra 3 lựa chọn.
Theo kế hoạch của Apple, nhà phát triển có thể tiếp tục phát hành ứng dụng trên App Store và nộp phí 30% như cũ. Họ có thể chọn giảm hoa hồng xuống 17%, nhưng phải đóng thêm 0,5 euro cho mỗi lượt tải khi ứng dụng vượt qua một triệu lượt mỗi năm, còn gọi là "phí công nghệ lõi" (CTF).
Cuối cùng, nhà phát triển có thể phát hành app trên kho ứng dụng khác. Họ không cần trả phí 17% hoặc 30%, nhưng vẫn cần nộp CTF cho Apple.
Setapp là một trong những kho ứng dụng thay thế đầu tiên cho iPhone tại EU. Ảnh: Setapp. |
Táo khuyết cho rằng kế hoạch này tuân thủ luật pháp, đồng nghĩa 99% nhà phát triển tại EU sẽ chọn giảm hoặc duy trì khoản tiền nộp cho công ty. Dù vậy, chính sách nhận nhiều chỉ trích do không phù hợp tinh thần của DMA.
Damien Geradin, luật sư chống độc quyền tại châu Âu, cho rằng mức phí 0,5 euro và 17% hoa hồng của Apple vi phạm DMA. Ông khẳng định để tuân thủ luật pháp, các công ty lớn như Apple không được thu phí nếu nhà phát triển chọn phân phối app từ nguồn ngoài.
Đối với EU, cơ quan này không tác động đến đề xuất của Apple đến khi đạo luật có hiệu lực. Nếu điều tra, cơ quan này có thể tạo ra cuộc chiến pháp lý kéo dài.
Trong trường hợp thua cuộc, Apple đứng trước nguy cơ phải thay đổi chính sách thêm lần nữa, hoặc bị phạt 10% doanh thu mỗi năm trên toàn cầu, nghĩa là gần 400 tỷ USD trong 2023.
Theo Geradin, Apple khó thành công về lâu dài, nhưng ít nhất công ty vẫn có thể thu tiền hoa hồng trong thời điểm này.
"Đó là một phần trong chiến lược của họ", Geradin nhận định.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn