Các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chính thức nhóm họp trong hai ngày 18-19/11. Đây là sự kiện cuối cùng trong chuỗi 3 sự kiện liên tiếp diễn ra ở châu Á trong tuần này, sau Hội nghị G20 và Hội nghị ASEAN.
Trao đổi với Zing, giáo sư Peter Drysdale - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Đông Á tại Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia - khẳng định hội nghị thượng đỉnh APEC là diễn đàn quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về kinh tế ở khu vực và trên thế giới.
Dẫu vậy, tại APEC 2022, ông Drysdale cho rằng thách thức lớn nhất chính là sự phân tách ngày càng lớn của nền kinh tế trong khu vực và nền kinh tế trên toàn cầu.
Giáo sư Peter Drysdale - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Đông Á tại Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: Nikkei Asia. |
Ngoài ra, chiến sự Ukraine cũng là nút thắt. Việc Thái Lan - với tư cách chủ nhà - có thể tổ chức cuộc họp đưa ra tuyên bố chung cuối cùng hay không vẫn còn bỏ ngỏ, bởi điều này cần sự đồng thuận của cả 21 thành viên APEC, bao gồm cả Nga.
Theo AP, APEC năm nay không có cuộc họp trù bị nào trước đó do bất đồng trong việc có nên đề cập tới xung đột hay không.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Đề cập tới thách thức liên quan tới sự phân tách ngày càng lớn của nền kinh tế trong khu vực và nền kinh tế trên toàn cầu, giáo sư Drysdale cho biết biểu hiện của vấn đề này nằm ở sự tách rời giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Ông nhận định hội nghị APEC tại Thái Lan tuy không thể đảo ngược được quá trình này, nhưng có thể khiến Washington và Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về sự cạnh tranh của mình.
“Ý tưởng về việc tách rời nền kinh tế giữa các quốc gia hay cuộc chiến tranh lạnh giữa các cường quốc trên thế giới không nhận được sự ủng hộ tại châu Á”, ông Drysdale nhận định với Zing.
Thủ tướng Thái Lan phát biểu tại Bangkok hôm 17/11. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, theo AP, thách thức lớn khác tại hội nghị APEC chính là sự bất đồng giữa các quốc gia trong vấn đề xung đột tại Ukraine.
Theo đó, tình trạng xung đột tại quốc gia Đông Âu này đã dẫn nhiều vấn đề kinh tế như khủng hoảng thiếu hụt năng lượng, tình trạng lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao, làm chậm quá trình kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Kể từ đầu năm, các phiên họp của APEC đã không thể ra được tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề xung đột tại Ukraine. Những bất đồng này xuất phát từ Nga, Mỹ và các đồng minh của 2 nước này.
“Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với áp lực đi xuống lớn, khiến nguy cơ xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng tăng”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi tới các doanh nghiệp tham dự hội nghị APEC.
Cherdchai Chaivaivid - quan chức thuộc Bộ về các vấn đề kinh tế quốc tế Thái Lan - cho biết từ ngữ trong mọi tuyên bố về Ukraine sẽ là “yếu tố gây khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán”.
“Tôi lạc quan một cách thận trọng rằng chúng tôi có thể đạt được đồng thuận. Vấn đề nằm ở việc chúng tôi có đi đến thống nhất từng vấn đề trong dự thảo hay không. Điều này phụ thuộc vào tất cả quan chức cấp cao làm việc suốt ngày đêm trong vài ngày tới”, ông Cherdchai nói.
Sức mạnh của APEC
Dẫu vậy, việc các nhà lãnh đạo thế giới cuối cùng có thể họp mặt trực tiếp sau gần 3 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19 là điều đáng mừng.
Theo AP, các thành viên APEC đại diện cho gần 40% dân số và một nửa giá trị trao đổi thương mại của thế giới và bao gồm những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Các cuộc họp của diễn đàn này luôn nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế và có tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu.
Theo giáo sư Drysdale, điểm đặc biệt của diễn đàn này là cho phép các nền kinh tế nhỏ và vừa được bảo vệ lợi ích khi tham gia bàn luận cùng với những nền kinh tế hàng đầu thế giới về các giải pháp cho những vấn đề kinh tế nổi bật mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt.
“APEC được thiết kế như nền tảng để xây dựng sự đồng thuận giữa mọi quốc gia về những ưu tiên trong trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế đang ảnh hưởng tới khu vực. Đó là sức mạnh của diễn đàn này”, giáo sư Drysdale nhận định với Zing.
Cũng theo giáo sư, không chỉ có tác dụng giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu, các cuộc họp của APEC cũng là nơi cường quốc như Mỹ và Trung Quốc - thành viên của diễn đàn đồng thời là quốc gia ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu - có thể giải quyết tranh chấp giữa 2 nước.
“APEC là công cụ cần thiết nhằm hạ nhiệt xung đột và cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn”, ông Drysdale cho biết.
Trước hội nghị thượng đỉnh, các quan chức Thái Lan cho biết họ hy vọng APEC sẽ hướng tới các giải pháp dài hạn trong nhiều lĩnh vực, như biến đổi khí hậu, gián đoạn kinh tế và tăng trưởng chậm chạp sau đại dịch.
Nước này cũng mong muốn tất cả thành viên nhất trí về một loạt các mục tiêu đối phó với thách thức của biến đổi khí hậu, thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, cùng các mục tiêu môi trường.
Theo giáo sư Drysdale, hội nghị APEC tại Thái Lan sẽ cố gắng làm chậm quá trình tách rời nền kinh tế giữa các quốc gia cũng như cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này dựa trên tiền đề, kết hợp với những kết quả đã đạt được tại hội nghị G20 ở Bali, Indonesia.
“Việc duy trì lâu dài ‘con đường mở’ cho thỏa thuận tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp và các học giả. APEC 2022 sẽ là nơi mà mối quan tâm này có thể được truyền đạt trực tiếp tới lãnh đạo của các nền kinh tế”, ông lý giải.
Sự xuất hiện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khi vắng bóng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến ông Tập trở thành nhân vật chủ chốt trong danh sách lãnh đạo tham dự APEC, giúp ông có cơ hội thúc đẩy tầm nhìn kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngoài ra, vị chuyên gia từ Đại học Quốc gia Australia hy vọng hội nghị này sẽ tiếp tục duy trì những tiến bộ đã đạt được ở hội nghị APEC 2021 tại thành phố Auckland, New Zealand liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
Ông nhận định quá trình tham vấn giữa các chuyên gia và lãnh đạo tài chính của các nền kinh tế thuộc APEC có tác động tích cực đối với những vấn đề mang tính cấu trúc và dài hạn, như các mục tiêu phát triển bền vững.
“Việc sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình thảo luận cũng giúp đưa ra những giải pháp mang tính thiết thực hơn”, ông Drysdale nói.
Ngoài ra, thông qua APEC, Mỹ và Trung Quốc cũng có cơ hội để hợp tác trong quá trình đối phó với biến đổi khí hậu, theo giáo sư từ Đại học Quốc gia Australia.
Bên cạnh đó, giữa lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Bangkok hôm 17/11 để APEC, hai nhà lãnh đạo khác là Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vắng mặt.
Theo CNN, do đó, ông Tập sẽ trở thành nhân vật chủ chốt trong danh sách lãnh đạo tham gia sự kiện tại hội nghị kinh tế ở khu vực Bắc Kinh và Washington cạnh tranh ảnh hưởng. Điều này khiến ông có cơ hội thúc đẩy tầm nhìn kinh tế của Trung Quốc.
Về vấn đề này, ông Drysdale nhận định việc Tổng thống Joe Biden không tham dự hội nghị APEC lần này không có lợi cho hình ảnh của nước Mỹ với vai trò lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu.
“Tuy nhiên, việc Mỹ là chủ nhà của APEC 2023 sẽ giúp nước này duy trì vị trí của mình ở các cuộc bàn luận kinh tế trong diễn đàn này”, ông nói.
Ngoài ra, với việc Mỹ sẽ là chủ nhà của APEC vào năm 2023, nước này sẽ buộc phải chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc là một phần trong các cuộc đối thoại về kinh tế tại khu vực Thái Bình Dương, ông kết luận.
Những cuốn sách nên đọc về G20
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về nền tảng mà G20 ra đời và hoạt động.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.
G20 Indonesia
Tổ chức quy mô lớn Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 với quy mô và tầm vóc lớn, gồm nhiều hoạt động nổi bật.
Thủ tướng chia sẻ về năm tháng tuổi trẻ tại Romania
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1. Nhân dịp này, Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group, Romania.
Thủ tướng: Việt Nam kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tổng thống Indonesia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới VN
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Indonesia đã kết thúc tốt đẹp; qua đó, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác Chiến lược VN-Indonesia đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia sớm đạt 15 tỷ USD
Tại buổi hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn.