Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áp lực công việc của người trẻ

“Hành trình tuổi trẻ” là cuốn sách ghi lại những trải nghiệm chân thực của một bạn trẻ thế hệ 9X từ ngày đầu tiên đặt chân đến TP.HCM.

Hanh trinh tuoi tre anh 1

Tác giả Nguyễn Thanh Tuất trong buổi giao lưu với bạn đọc tại đường sách TP.HCM cuối tuần qua. Ảnh: Thanh Trần.

Một ngày của năm 23 tuổi, Nguyễn Thanh Tuất kết thúc ngày làm việc của mình ở công ty. Thành phố hôm ấy vẫn kẹt xe giờ tan tầm như bao ngày. Trở về căn phòng trọ rộng chưa đến 20 m2, anh nằm vật ra, gắng gượng chống chọi với cảm giác kiệt sức đang kéo đến.

Mệt mỏi và cô đơn đến cùng cực, anh gọi điện về nhà cho ba mẹ. Sau tiếng “Alo” đặc giọng miền Trung, anh nhớ mình đã khóc rất nhiều. Đó là lần đầu tiên anh muốn bỏ cuộc và rời khỏi TP.HCM sau một năm đi làm vì áp lực, mất phương hướng và không thể trả lời câu hỏi “tôi là ai”.

Hành trình 10 năm chiêm nghiệm về thành công và hạnh phúc

Nguyễn Thanh Tuất biết anh không phải là người duy nhất gặp phải những cảm giác chênh vênh tuổi 20 này, đặc biệt là tại một thành phố năng động, nhiều thay đổi như TP.HCM. “Sài Gòn đối với mọi người và cả tôi nữa, có lẽ là một nơi ở lại thì áp lực, nhưng đi thì lại nhớ”, anh chia sẻ với Zing.

Trong buổi ra mắt cuốn sách đầu tay của mình với tựa đề Hành trình tuổi trẻ, khi được yêu cầu dùng một động từ để miêu tả bản thân, Nguyễn Thanh Tuất đã chọn từ “đi”. Tuy nhiên, anh giải thích thêm: “đi đôi khi cũng chính là ở lại”.

Anh cho biết trong khoảng 10 năm, bản thân đã bỏ qua nhiều cơ hội đi du học, quyết định chọn TP.HCM làm nơi ghi dấu ấn cho những bước đi của mình - từ một sinh viên tỉnh lẻ cho đến khi trở thành giám đốc của một công ty. “Sài Gòn là một nơi tôi có những thành công đầu tiên, những thành công lớn và cả những lần vấp ngã rất đau. Cho nên có thể nói Phú Yên là quê hương đầu tiên, còn Sài Gòn là quê hương thứ hai của tôi”, anh nói.

Hành trình tuổi trẻ là cuốn sách đầu tay của Nguyễn Thanh Tuất, được viết dựa trên những trải nghiệm của anh trong 10 năm học tập và làm việc tại TP.HCM. Tuy là câu chuyện của cá nhân, cuốn sách cũng mở rộng ra câu chuyện của tuổi trẻ - một giai đoạn nhiều biến động và thử thách mà tác giả cho rằng bất cứ ai cũng cần phải trải qua.

Với Nguyễn Thanh Tuất, cuốn sách còn là một sự chiêm nghiệm cho chặng đường 10 năm đầu của anh ở TP.HCM, đánh dấu những thay đổi đáng kể trong suy nghĩ và tính cách của anh, đặc biệt là về định nghĩa của thành công và hạnh phúc.

“Trước đây thành công của tôi là những tích lũy về tài sản, những chức vụ trong cuộc sống, còn phúc thì đơn giản là đạt được những điều đó thôi”, anh chia sẻ. Sau này, anh Tuất nhận ra thành công không chỉ là những thứ có thể cân đo đong đếm nữa, mà đôi khi nó chính là giá trị mà anh chia sẻ. "Chẳng hạn, cuốn sách này là một thành công với tôi bởi tôi nghĩ nó có thể giúp ích cho cho ai đó, cho các bạn sinh viên đang đi tìm con đường của mình chẳng hạn”, anh Tuất nói.

Hanh trinh tuoi tre anh 2

Tác phẩm Hành trình tuổi trẻ của tác giả Nguyễn Thanh Tuất, được ra mắt tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP. HCM ngày 6/11/2022. Ảnh: Thanh Trần

Khi người trẻ cần học cách mở lòng và chia sẻ

Trở lại với cái ngày anh bật khóc với gia đình qua điện thoại vào năm 23, Thanh Tuất vẫn nhớ như in những lời ba mẹ nói: “Cho dù là khó khăn gì thì hãy cứ nói với ba mẹ, đừng chịu đựng một mình. Nếu mà mệt mỏi quá thì về quê với ba mẹ”. Đó cũng là lần đầu tiên anh bày tỏ với gia đình về những áp lực công việc - thứ mà anh luôn nghĩ mình đã “đủ trưởng thành, đủ mạnh mẽ để gồng gánh”.

Chấp nhận mở lòng với gia đình, Thanh Tuất cho rằng mình đã nhận lại được nhiều điều. Dù ba mẹ cho biết họ sẵn sàng để anh có một cuộc sống nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn ở quê nhà, anh biết nếu mình có thể trụ lại TP.HCM, anh có thể giúp ích cho ba mẹ nhiều hơn về mặt kinh tế. Kể từ cú điện thoại đó, anh cho biết bản thân đã nghiêm túc phân tích tình hình của bản thân và tìm cách giải quyết, đồng thời tự nhủ “sẽ không bao giờ làm điều đó một lần nữa”.

Với Thanh Tuất, gia đình từng là động lực lẫn áp lực đối với anh trong những năm tháng mới bắt đầu sự nghiệp. Song, bằng cách chia sẻ những câu chuyện trong công việc, trong đời sống cá nhân, anh dần biến gia đình trở thành nguồn động lực to lớn của mình. “Áp lực hay động lực đều do bản thân nhìn nhận”, anh nhớ lại một câu mình đã đọc.

Cũng với mục đích chia sẻ đó, Thanh Tuất đã có một bước tiến khác là viết nên một cuốn sách chia sẻ lại câu chuyện của riêng mình. Anh thành thật chia sẻ bản thân là một tay ngang trong việc viết sách, không có kinh nghiệm gì ngoài việc đọc nhiều.

Cơ duyên đưa anh đến với ý tưởng viết sách là từ một tác phẩm của Kiên Trần, trong đó có câu: “Viết sách sẽ thật sự làm thay đổi cuộc đời bạn”. Tuy nhiên, anh chưa dám viết vội vì băn khoăn không biết mình đã đủ kinh nghiệm để chia sẻ với mọi người chưa. Sau đó, anh lại bắt gặp một câu nói của tác giả Trịnh Lữ: “bao giờ là đủ?”. “Cho nên lúc đó mình quyết định là cứ viết, cứ chia sẻ câu chuyện của mình thôi”, anh nhớ lại.

Anh cho biết khoảng thời gian thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã đem lại cho anh cơ hội để chiêm nghiệm và tổng kết một giai đoạn trong cuộc đời mình. Đồng thời anh nghĩ rằng việc chia sẻ câu chuyện của bản thân có lẽ sẽ giúp ích phần nào cho các bạn sinh viên mới ra trường nhiều gặp khó khăn, những người đang loay hoay xác định con đường cho mình.

10 năm ở TP.HCM là một khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng không quá dài. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Thanh Tuất khiêm tốn chia sẻ lại những bài học của mình. Có khi anh sử dụng cách xưng hô “tôi - bạn”, có khi là “chúng mình”. Bằng cách gọi “chúng mình”, tác giả chia sẻ, đó là khi câu chuyện không phải chỉ của riêng anh.

Anh cũng muốn được nghe câu chuyện của những bạn trẻ khác, để anh và độc giả có thể trao đổi, học hỏi lẫn nhau, để khi kết thúc Hành trình tuổi trẻ 10 năm đầu ở TP.HCM, anh có thêm nhiều hành trang để đi tiếp những chặng đường khác của cuộc đời mình.

Tình yêu, đam mê và những khúc quanh của tuổi trẻ

Cuốn tiểu thuyết không chỉ kể lại câu chuyện tình đầy trắc trở. Xoay quanh cuộc sống của các nhân vật, tác giả còn muốn đề cập đến những áp lực vô hình mà người trẻ phải chịu.

Gửi gắm thông điệp đến người trẻ qua những trang sách

"Phù sa châu thổ" và "Biên tập lại chính mình" là hai tựa sách truyền tải nhiều thông điệp tích cực đến bạn đọc trẻ.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm