Tác giả Ngô An Kha xem viết lách là nghệ thuật vui đùa cùng ngôn từ. Ảnh: N.A.K. |
Thơ ngây trở lại rồi mình buông lơi là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Ngô An Kha. Tác giả tập trung khắc họa cuộc sống của những người trẻ với cái nhìn đa chiều. Các nhân vật của anh luôn sống đầy nhiệt huyết và khát khao khẳng định mình bằng đam mê đã chọn. Nhưng để có được thứ mình muốn, họ phải đánh đổi rất nhiều.
Dám sống một cuộc đời thật khác
Nhân vật chính của tác phẩm là Bá Nam, một chàng Việt kiều hài hước và tốt bụng. Tình yêu với đồ gốm đã khiến anh rời bỏ thành phố Chicago hoa lệ để về Việt Nam lập nghiệp. Anh mở một tiệm gốm nhỏ để theo đuổi đam mê. Hàng ngày Nam tìm niềm vui với bàn xoay, đất sét và lò nung.
Còn Thanh là một vũ công múa cột, cô say sưa với những vũ điệu nóng bỏng cùng ánh đèn rực rỡ trên sân khấu. Là một bà mẹ đơn thân, Thanh luôn nỗ lực để có thể chăm sóc tốt cho con trai.
Bị thu hút bởi một cô gái cá tính, Nam quyết định bước vào thế giới của Thanh và bé Bikai. Ở bên Thanh, Nam cảm thấy hạnh phúc khi được là chính mình. Tình yêu của họ lớn dần theo thời gian.
Cả hai đang lâng lâng trong men tình ái thì Nam phải trở về Mỹ để chăm sóc mẹ. Khi trở về Việt Nam, anh đi cùng Linh, cô bạn gái anh quen khi ở Mỹ. Từ đây, tình yêu của Nam và Thanh gặp không ít rắc rối.
Những bí mật trong quá khứ dần được hé lộ. Điều khiến Thanh lo sợ sắp diễn ra trước mắt cô. Từ đây, đôi tình nhân trải qua nhiều sóng gió để bảo vệ hạnh phúc.
Thơ ngây trở lại rồi mình buông lơi là tiểu thuyết thứ ba của tác giả Ngô An Kha. Ảnh:N.A.K. |
Lời tự thú của những người trẻ đầy lo âu
Không chỉ là câu chuyện về tình yêu tiểu thuyết Thơ ngây trở lại rồi mình buông lơi của tác giả Ngô An Kha đề cập đến nhiều mặt trái của cuộc sống hiện đại. Cuộc sống bận rộn cùng khoảng cách thế hệ khiến lớp thanh niên mất dần sự kết nối gia đình. Ngoài ra, người trẻ phải chịu khá nhiều áp lực vô hình từ xã hội.
Đầu tiên là áp lực từ gia đình. Nhiều bậc phụ huynh luôn cố gắng gò ép con cái sống theo những tiêu chuẩn vô hình của xã hội. Thanh thấy ổn với cuộc sống của một bà mẹ đơn thân, cô hạnh phúc khi có thể tự lo được cho hai mẹ con. Thế nhưng, mẹ của Thanh luôn giục giã con gái chuyện kết hôn.
Nếu Thanh có một tấm chồng, sẽ không còn ai soi mói chuyện cô từng làm mẹ đơn thân nữa. Không chỉ có vậy, bố mẹ Thanh còn muốn con gái tìm một công việc ổn định hơn, thay vì làm vũ công múa cột ở vũ trường hay quán bar. Vì công việc hiện tại của con gái, họ luôn phải phải đối diện với những lời dị nghị của hàng xóm.
Gần ba mươi tuổi, Thanh đang gồng mình trước áp lực đồng trang lứa và sức ép từ đấng sinh thành. Bố mẹ cô thấy buồn khi con cái người khác có được công việc tốt trong các tập đoàn lớn, định cư ở nước ngoài, trong khi con gái của mình không có công việc ổn định.
Bố mẹ Nam lại khác, ông bà muốn con trai sống ở Mỹ để họ có con trai kề cận khi cần. Mẹ Nam cho rằng chỉ có Linh, cô gái mà bà đã chọn là đối tượng thích hợp để chọn làm con dâu. Việc Nam về nước và quyết định theo đuổi đam mê làm gốm bị bố mẹ anh coi là điều không thực tế.
Ngô An Kha khá tỉ mỉ trong việc xây dựng tính cách nhân vật. Nam và Thanh đều là những người trẻ có cá tính, dám đánh đổi tất cả để theo đuổi đam mê. Tác giả đã tạo được điểm nhấn cho câu chuyện bằng những cú twist bất ngờ.