Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Andersen lớn lên trong tình yêu và sự sầu muộn của cha

Tình cảm gắn bó với cha đã giúp cậu bé Andersen nuôi dưỡng được sự nhạy cảm với thiên nhiên và cuộc đời. Nó là nguồn cảm hứng dẫn dắt Andersen đến con đường sáng tác sau này.

Tôi lớn lên ngoan đạo và mê tín. Tôi không hề biết thế nào là thiếu thốn. Cha tôi làm lụng chỉ đủ sống qua ngày, như người ta thường nói, song những gì có được đã quá đủ đối với tôi.

Về áo quần thì tôi cũng khá bảnh bao. Một bà già đã sửa quần áo của cha tôi cho tôi mặc. Mẹ tôi dùng ba hay bốn tấm vải lụa lớn rồi lấy kim ghim chặt lên ngực áo của tôi là thành mấy chiếc áo choàng. Một chiếc khăn lớn quàng quanh cổ thắt nơ thật to. Đầu tôi gội xà phòng và tóc tôi quăn, thế là tôi cũng kiêu hãnh như ai.

Bắt đầu tình yêu với rạp hát

Tôi đã ăn mặc như thế khi lần đầu tiên theo cha mẹ đến nhà hát. Tôi nghĩ là Odense thời đó đã xây một rạp kịch bề thế cho kịch đoàn của Bá tước Trampe hoặc của Bá tước Hahn. Những vở đầu tiên tôi được xem đều diễn bằng tiếng Đức. Ông Franck là giám đốc, chuyên dựng các vở opera và hài kịch. Ngư nữ sông Danube (Das Donauweibchen) là vở tôi yêu thích nhất nhưng buổi diễn đầu tiên tôi xem là vở Chính khách làng quê (Den politiske Kandstøber) của Holberg.

Chuyen doi toi anh 1

Tự truyện Chuyện đời tôi của Andersen. Ảnh: Omega Books.

Ấn tượng ban đầu của tôi về nhà hát cùng đám đông tụ tập ở đó hoàn toàn chẳng có chút gì liên quan đến năng khiếu thi văn còn tiềm ẩn trong tôi. Câu đầu tiên tôi thốt lên khi nhìn thấy quá đông người là, “Trời, giá mà nhà mình có nhiều thùng bơ như số người ở đây để con tha hồ ăn bơ cho thật đã!” Nhưng nhà hát đã sớm trở thành nơi tôi yêu thích mặc dù tôi hiếm khi được đến đó.

Tôi kết thân với người chuyên đi phát tờ chương trình quảng cáo vở diễn và mỗi ngày ông ấy cho tôi một tờ. Cầm tờ quảng cáo trong tay, tôi ngồi một mình ở góc nhà, chỉ dựa theo nhan đề và tên các nhân vật giới thiệu trong đó mà tưởng tượng ra cả vở kịch. Đó là sáng tác trong vô thức đầu tiên của tôi.

Cha tôi thích đọc nhất là kịch và truyện, dù ông cũng đọc cả các tác phẩm lịch sử và Kinh Thánh. Cứ đọc xong là ông lại trầm ngâm suy nghĩ về những gì vừa đọc, nhưng mẹ tôi thì không hiểu khi cha nói với bà về sách vở nên ông ngày càng im lặng hơn.

Khao khát đời sống thôn quê

Cha tôi không có nhiều bạn. Những giờ rảnh rỗi ông thường đưa tôi dạo chơi trong rừng. Ông rất khao khát cuộc sống nông thôn. Tình cờ vào dạo ấy có một trang viên lớn cần có một thợ đóng giày làm việc ở ngôi làng cạnh bên, ở đó lại có sẵn một căn nhà cho ở miễn phí, một mảnh vườn nhỏ, và bãi cỏ đủ cho một con bò. Với công việc thường xuyên từ trang viên và những điều kiện phụ trợ đó, ta có thể sống dễ chịu.

Chuyen doi toi anh 2

Chân dung nhà văn Andersen. Ảnh: Wikimedia Commons.

Cha mẹ tôi rất mong muốn có được chỗ làm này, và ông được giao làm một đôi giày khiêu vũ để thử việc. Một tấm lụa được gửi tới cho cha, còn da thuộc thì ông phải tự lo liệu. Suốt mấy ngày cả nhà tôi chỉ toàn nói chuyện về đôi giày. Tôi mong muốn có được mảnh vườn nhỏ ấy xiết bao, nơi chúng tôi có thể trồng cây trồng hoa, và tôi sẽ ngồi dưới nắng ấm lắng nghe tiếng chim cúc cu.

Tôi sốt sắng cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng tôi những mong ước này, và tôi nghĩ rằng nếu được thì không có hạnh phúc nào bằng. Đôi giày cuối cùng đã hoàn thành. Chúng tôi nhìn ngắm một cách trịnh trọng, vì nó sẽ quyết định tương lai của cả nhà.

Cha gói đôi giày vào chiếc khăn tay của ông và ra đi. Chúng tôi chờ đợi ông trở về với khuôn mặt rạng rỡ vui mừng. Cha về nhà mặt tái nhợt và bực tức. Ông nói lệnh bà kia thậm chí còn không đi thử giày, bà ta chỉ cau có nhìn, cho rằng cha đã làm hỏng vải lụa và cha không được nhận việc. “Nếu lụa của bà bị hỏng thì tôi sẽ đền bằng cách phá hỏng da thuộc của tôi luôn", cha tôi nói với bà ta như thế rồi ông lấy dao cắt đứt luôn phần đế giày.

Chúng tôi không còn hy vọng gì với việc chuyển về vùng quê. Cả nhà cùng khóc, và tôi nghĩ rằng mong ước của chúng tôi nào có khó khăn gì đối với Chúa. Nếu Ngài mà ban cho thì chắc chắn tôi sẽ là một nông dân suốt cả đời.

Toàn bộ tương lai của tôi sẽ khác hẳn những gì đã diễn ra. Kể từ đó tôi thường ngẫm nghĩ và tự nhủ: Phải chăng vì lợi ích của ta và vì tương lai của ta mà Chúa đã tước đi những ngày hạnh phúc của cha mẹ ta?

Nỗi buồn đầu tiên trong đời

Những chuyến đi dạo trong rừng của cha tôi càng thường xuyên hơn. Ông không hề thanh thản. Những biến cố chiến cuộc ở Đức, mà ông đọc trên báo với sự hiếu kỳ đầy háo hức, đã xâm chiếm hoàn toàn tâm trí ông. Napoléon là anh hùng của cha: việc Napoléon từ vô danh trở thành lừng lẫy chính là tấm gương tuyệt vời nhất đối với ông.

Chuyen doi toi anh 3

Tượng Andersen ở Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Wikimedia Commons.


Đan Mạch lúc đó đang liên minh với Pháp. Ai ai cũng nói toàn chuyện chiến tranh. Cha tôi tòng quân làm lính trơn với hy vọng khi trở về sẽ thành một trung úy. Mẹ tôi khóc lóc, còn hàng xóm thì nhún vai bảo rằng thật là điên rồ khi đâm đầu vào chỗ chết mà chẳng có lý do nào cả.

Buổi sáng đoàn quân lên đường, tôi nghe cha tôi hát và nói chuyện vui vẻ nhưng trong lòng ông rất bồi hồi. Tôi nhận ra điều đó qua cách ông hôn tôi đầy xúc động lúc ra đi.

Tôi ốm vì bệnh sởi và nằm một mình trong phòng khi những hồi trống vang lên và mẹ tôi vừa khóc vừa tiễn cha đến cổng thành. Đoàn quân đi khuất thì bà nội tôi vào nhà. Bà nhìn tôi với ánh mắt hiền từ và nói bà chỉ muốn chết cho xong nhưng ý Chúa luôn là điều tốt đẹp nhất.

Đó là ngày đầu tiên thực sự đau buồn mà tôi còn nhớ.

Hans Christian Andersen / Omega Books và NXB Thế giới

SÁCH HAY