Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ảo tưởng quyền lực của Trung Quốc

Chỉ Pakistan lấy Trung Quốc làm chỗ dựa quân sự, trong khi các nước châu Á tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và đẩy mạnh hợp tác lẫn nhau.

Về các vấn đề quốc tế, Trung Quốc không tạo ra ảnh hưởng đến việc đặt định các chuẩn mực, xu hướng toàn cầu. Đó là nhận định của giáo sư David Shambaugh, nhà nghiên cứu thuộc Trường Quan hệ quốc tế Elliot thuộc Đại học George Washington (Mỹ) trên tạp chí National Interest.

Ông David nhìn nhận Trung Quốc thường thụ động, cố tình né tránh các cuộc khủng hoảng quốc tế, chẳng hạn như khủng hoảng tại Ukraine và Syria. Theo ông, Trung Quốc không quá mạnh nếu giới phân tích xem xét kỹ 5 lĩnh vực:

Ngoại giao: Trung Quốc chỉ là cường quốc nửa vời bởi họ vẫn ỡm ờ trước các thách thức toàn cầu. Bắc Kinh chưa thể hình thành nền tảng ngoại giao quốc tế hay thúc đẩy đồng thuận toàn cầu. Họ thường do dự khi tham gia vào các nỗ lực quốc tế do nước khác tổ chức.

Trung Quốc
Trung Quốc chưa thể triển khai sức mạnh ra ngoài, kể cả tại châu Á. Ảnh: The Atlantic

Để trở thành cường quốc, một nước phải giải quyết các tranh chấp, tăng cường liên minh và tạo đồng thuận. Ngược lại, Trung Quốc chỉ đứng ngoài lề và kêu gọi. 

Quản trị toàn cầu: Trung Quốc chưa đóng góp tương xứng với vị thế nước lớn trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, chống cướp biển tại vịnh Aden, chống khủng bố tại Trung Á, giải trừ hạt nhân, hỗ trợ thiên tai.

Quân sự: Bắc Kinh chưa thể triển khai sức mạnh ra ngoài, kể cả tại châu Á. Giới chuyên gia quân sự chưa biết chắc Trung Quốc có khả năng triển khai sức mạnh trên biển Đông hay biển Hoa Đông trong khoảng thời gian đủ lâu để giành chiến thắng hay không.

Trung Quốc không có căn cứ quân sự ở nước ngoài, không có cơ sở hậu cần tầm xa. Vệ tinh toàn cầu còn thô sơ. Phần lớn Hải quân là lực lượng ven biển. Không quân chưa đủ khả năng tấn công tầm xa. Khả năng tàng hình chưa được kiểm chứng. Bộ binh chưa thể triển khai nhanh. Quân đội chưa tham gia bất kỳ cuộc chiến nào từ năm 1979.

Hiện nay Pakistan là nước duy nhất ở châu Á coi Trung Quốc là chỗ dựa an toàn. Ngược lại, các nước châu Á tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và đẩy mạnh hợp tác lẫn nhau do lo ngại Bắc Kinh.

Văn hóa: Chẳng xã hội nào theo tín hiệu văn hóa của Trung Quốc và cũng không nước nào tìm cách sao chép hệ thống chính trị của họ. Không quốc gia nào nhân rộng mô hình kinh tế Trung Quốc. Bất chấp nỗ lực xây dựng quyền lực mềm và cải thiện hình ảnh từ năm 2008, Trung Quốc đang thiếu sức hấp dẫn trên toàn cầu.

Kinh tế: Kinh tế Trung Quốc mạnh về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Dù là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu hàng tiêu dùng cấp thấp, chứ chưa có thương hiệu quốc tế.

Chỉ vài tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc thành công ở nước ngoài. Tổng số cổ phiếu đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc chỉ xếp hạng 17. Các chương trình hỗ trợ nước ngoài của Trung Quốc rất nhỏ bé so với Mỹ, EU, Nhật Bản.

Giáo sư David Shambaugh nhận định Trung Quốc chưa thể hoàn thành mục tiêu chuyển đổi từ nền kinh tế xuất khẩu và đầu tư sang nền kinh tế tiên tiến dựa trên tiêu thụ nội địa. Trung Quốc vẫn chỉ là nền kinh tế gia công và lắp ráp. Sản xuất chưa nâng được bậc thang chuỗi giá trị và công nghệ. Trong khi đó, bất bình đẳng xã hội gia tăng, tham nhũng tràn lan.

http://plo.vn/the-gioi/ao-tuong-quyen-luc-cua-trung-quoc-478937.html

Theo Duy Khang/Pháp luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm