TikTok đang hứng chịu làn sóng chỉ trích sau lệnh cấm từ chính phủ Ấn Độ và lời kêu gọi xóa ứng dụng từ nhóm hacker Anonymous.
Trước đó, nền tảng này đã nhận nhiều cáo buộc liên quan đến thu thập trái phép dữ liệu người dùng.
Ngày 29/6, chính phủ Ấn Độ đã liệt 59 ứng dụng của Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có TikTok vì an ninh quốc gia.
Lệnh cấm được ban hành trong bối cảnh căng thẳng Ấn - Trung leo thang trong nhiều thập niên vì xung đột quân sự ở vùng biên giới. Những vụ đụng độ cách đây 2 tuần khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và nhiều binh lính Trung Quốc bị thương.
Ứng dụng video tỷ người dùng đang có khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Ảnh: CNN. |
Mặt trái của sự tăng trưởng thần tốc
Đáp trả lệnh cấm, CEO TikTok Kevin Mayer khẳng định Trung Quốc chưa từng yêu cầu TikTok gửi dữ liệu của người dùng Ấn Độ, đồng thời khẳng định chúng được lưu trữ tại máy chủ đặt ở Singapore.
Công ty mẹ của TikTok là ByteDance đã đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Ấn Độ. Việc bị chính phủ Ấn Độ cấm cửa có thể khiến TikTok thiệt hại lên đến 6 tỷ USD.
Các nguồn tin ban đầu cho rằng lệnh cấm chỉ không cho phép người dùng cài đặt mới, song sau đó xác nhận việc sử dụng TikTok của người dùng hiện tại cũng sẽ bị hạn chế. Điều đó khiến hàng loạt "ngôi sao TikTok" tại Ấn Độ điêu đứng.
Đây không phải là lần đầu tiên TikTok gặp rắc rối với chính phủ Ấn Độ. Ứng dụng này đã bị chặn một thời gian ngắn ở Ấn Độ vào năm 2019 sau khi tòa án phán quyết trẻ em dễ tiếp xúc với những kẻ “săn mồi” tình dục, khiêu dâm và đe doạ trực tuyến trên đó. Ứng dụng được khôi phục một tuần sau đó, sau khi công ty kháng cáo thành công quyết định của tòa án.
Đối với TikTok, lệnh cấm lần này khiến tình hình ngày một căng thẳng. Theo Forbes, đây có thể là khởi đầu của cuộc đàn áp nhằm "hạ bệ" nền tảng chia sẻ video nổi tiếng của Trung Quốc, được nhiều người biết đến hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Về phía Mỹ, lệnh cấm TikTok và loạt ứng dụng Trung Quốc của Ấn Độ đã được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ủng hộ. Bản thân ông cho rằng chúng là "phần mở rộng" trong kế hoạch giám sát của chính phủ Trung Quốc. Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump luôn nhắm đến các sản phẩm nổi tiếng của Trung Quốc vì nguy cơ gửi thông tin người dùng về Bắc Kinh.
Có đến 59 ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm cửa, song TikTok là cái tên có thể chịu thiệt hại nặng nhất. Trước đó, phiên bản thử nghiệm của iOS 14 đã "vạch trần" việc TikTok bí mật thu thập dữ liệu từ clipboard của người dùng.
Tháng 11/2019, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ đã điều tra TikTok vì lo ngại an ninh quốc gia, một số quốc gia khác cũng đang xem xét điều tra nền tảng này.
Đó chính là mặt trái của sự tăng trưởng thần tốc mà TikTok đạt được.
Bị chính phủ Ấn Độ cấm cửa khiến TikTok gần như vỡ tham vọng bành trướng tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới. Ảnh: PTI Photo. |
"TikTok còn nguy hại hơn Facebook"
Những vấn đề của TikTok chủ yếu rơi vào 2 khía cạnh. Thứ nhất là kiểm duyệt nội dung chưa tốt khi để lọt những video gây nguy hiểm cho giới trẻ, thứ hai là mối lo lắng về việc ứng dụng này được chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn.
Đó là điều mà Huawei đang đối mặt. Cũng thật trùng hợp khi cả 2 đều có sự tăng trưởng rất nhanh, đủ lực cạnh tranh với các công ty, dịch vụ của Mỹ.
Những cuộc điều tra gần đây đã đi sâu hơn vào cách ứng dụng vận hành, thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng. Nên nhớ rằng hầu hết ứng dụng ngày nay kiếm tiền bằng cách thu thập dữ liệu để phục vụ quảng cáo.
Dù vậy, không phải tự nhiên mà một nhóm hacker khét tiếng như Anonymous cũng kêu gọi người dùng gỡ bỏ TikTok.
Trong đoạn tweet đăng tải ngày 1/7, Anonymous dẫn lại bài viết của một người dùng tự nhận là kỹ sư, chia sẻ trên Reddit rằng không chỉ nội dung từ clipboard, TikTok còn ăn cắp nhiều thứ khác.
"Công việc của tôi là đảo ngược công nghệ bên trong các ứng dụng di động, phân tích cách chúng hoạt động và xây dựng thêm chức năng của bên thứ 3 xung quanh ứng dụng đó... Và tôi khuyến nghị mọi người không nên dùng ứng dụng này nữa", Bangolor chia sẻ.
"Đừng sử dụng nó nữa. Đừng để con cái bạn dùng nó. Nói với bạn bè xóa ngay ứng dụng này. Bạn có thể giải trí những nội dung tương tự ở những nền tảng khác mà không phải giao nộp thông tin của mình cho chính phủ Trung Quốc".
Ngày 1/7, nhóm hacker đình đám Anonymous đăng bài kêu gọi ngừng sử dụng TikTok ngay lập tức. Ảnh: India.com. |
Cách đây ít ngày, Anonymous dẫn lời một người dùng Reddit tự nhận là kỹ sư máy tính giấu tên với 15 năm kinh nghiệm. Người này nhận định dù Facebook vướng phải bê bối bảo mật Cambridge Analytica hay Instagram thừa nhận làm lộ số điện thoại và tài khoản người dùng, Tiktok còn nguy hại hơn Facebook.
Chia sẻ với Forbes, đại diện TikTok nói rằng công ty đang đánh giá kỹ vấn đề, nhưng xác nhận một số cáo buộc là không chính xác hoặc được phân tích dựa trên các phiên bản ứng dụng cũ.
Cũng như một cái tên được nhắc khá nhiều trong thời gian qua là Zoom, nhiệm vụ của TikTok bây giờ là đối diện sự thật, nhanh chóng đưa ra giải pháp thay đổi.
Dù chưa có dấu hiệu Mỹ hay châu Âu sẽ ban hành lệnh cấm TikTok, động thái từ chính phủ Ấn Độ cho thấy mọi chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và một số nước đang căng thẳng.