Những đánh giá trên về cuộc tấn công hôm 26/10 của Israel đến từ hai nhà nghiên cứu riêng biệt của Mỹ, David Albright - cựu thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, và Decker Eveleth - một nhà phân tích nghiên cứu cộng tác tại CNA, một nhóm nghiên cứu của Washington.
Hai chuyên gia này nói với Reuters rằng Israel đã tấn công Parchin, một khu phức hợp quân sự lớn gần Tehran. Theo ông Eveleth, Israel cũng tấn công Khojir, một địa điểm sản xuất tên lửa rộng lớn gần Tehran.
Hồi tháng 7, Reuters từng đưa tin rằng cơ sở tên lửa Khojir đang được mở rộng mạnh mẽ. Ông Eveleth cho biết các cuộc không kích của Israel có thể đã "cản trở đáng kể khả năng sản xuất hàng loạt tên lửa của Iran".
Quân đội Israel cho biết ba đợt tấn công bằng máy bay phản lực của Israel đã nhằm vào các nhà máy tên lửa và các địa điểm khác gần Tehran và ở phía tây Iran vào sáng sớm 26/10 để đáp trả cho loạt hơn 200 tên lửa của Tehran vào Israel hôm 1/10.
Quân đội Iran công bố rằng máy bay chiến đấu của Israel đã sử dụng "đầu đạn rất nhẹ" để tấn công các hệ thống radar biên giới ở các tỉnh Ilam, Khuzestan và xung quanh Tehran.
Ông Eveleth cho hay một hình ảnh từ Planet Labs - công ty vệ tinh thương mại - cho thấy một cuộc tấn công của Israel đã phá hủy hai tòa nhà ở Khojir, nơi trộn nhiên liệu rắn dùng cho tên lửa đạn đạo. Theo hình ảnh Reuters được tiếp cận, các tòa nhà được bao quanh bởi các bờ đất cao.Những công trình như vậy có liên quan đến hoạt động sản xuất tên lửa và được thiết kế để ngăn chặn vụ nổ trong một tòa nhà làm nổ các vật liệu dễ cháy ở các công trình gần đó.
Vị chuyên gia khẳng định hình ảnh từ Planet Labs về Parchin cho thấy cuộc không tích của Israel đã phá hủy ba tòa nhà trộn nhiên liệu rắn dùng cho tên lửa đạn đạo và một nhà kho.
Chuyên gia nghiên cứu Albright cho biết ông đã xem xét hình ảnh vệ tinh thương mại có độ phân giải thấp của Parchin, cho thấy một cuộc tấn công của Israel dường như đã phá hủy ba tòa nhà, bao gồm hai tòa nhà trộn nhiên liệu rắn dùng cho tên lửa đạn đạo.
Ông không nêu tên công ty vệ tinh thương mại mà ông có được hình ảnh. Albright nêu rõ các tòa nhà này nằm cách một cơ sở từng tham gia vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân toàn diện mà cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và tình báo Mỹ xác định là khoảng 320 m. Iran lươn phủ nhận có chương trình như vậy.
"Israel cho biết họ nhắm vào các tòa nhà chứa máy trộn nhiên liệu rắn", ông Eveleth nói.
"Những máy trộn công nghiệp này khó sản xuất và được kiểm soát xuất khẩu. Iran đã nhập khẩu nhiều máy trộn trong nhiều năm với chi phí lớn và có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thay những thiết bị như vậy", vị chuyên gia phân tích thêm.
Ông Eveleth cho rằng với một cuộc không kích ở mức độ hạn chế, Israel có thể đã giáng một đòn mạnh vào khả năng sản xuất hàng loạt tên lửa của Iran và khiến bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào trong tương lai của Iran khó có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel hơn.
"Các cuộc tấn công có vẻ rất chính xác", ông Eveleth nhận định.
Theo các quan chức Mỹ, Iran có kho vũ khí tên lửa lớn nhất Trung Đông và đã cung cấp tên lửa cho nhiều điểm nóng xung đột, như cho lực lượng Houthi của Yemen và lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon.
Hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs được nhà nghiên cứu Eveleth và chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey xem xét vào đầu năm nay cho thấy sự mở rộng lớn tại Khojir và khu phức hợp quân sự Modarres gần Tehran. Và hai chuyên gia này đánh giá rằng những cơ sở nhà là để thúc đẩy sản xuất tên lửa, Reuters đưa tin. Ba quan chức cấp cao của Iran đã xác nhận kết luận đó.
Vấn đề Trung Đông
Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...