"Trên cơ sở quyền phòng thủ hợp pháp vốn có của mình, được quy định trong Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Cộng hòa Hồi giáo Iran có quyền và nghĩa vụ phải bảo vệ chống lại các hành vi xâm phạm của nước ngoài", Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ.
Hãng thông tấn Iran Tasnim đưa tin nước này sẽ "sử dụng mọi khả năng vật chất và tinh thần của quốc gia để bảo vệ lợi ích và an ninh của mình".
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) đưa tin hai binh sĩ đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào sáng 26/10.
Quân đội Iran cho biết khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, người dân và lợi ích của Iran trước các cuộc tấn công từ Israel, hai binh sĩ đã hy sinh.
Truyền thông Iran cũng đưa tin về nhiều vụ nổ kéo dài trong vài giờ tại thủ đô Tehran và các căn cứ quân sự lân cận, bắt đầu từ khoảng 2 giờ sáng (giờ địa phương).
Ít nhất 7 vụ nổ đã được ghi nhận tại Tehran, khu vực lân cận Karaj, cũng như thành phố Mashhad ở phía đông. Các cuộc tấn công được tiến hành để đáp trả vụ phóng tên lửa của Iran nhằm vào Tel Aviv và các căn cứ quân sự của Israel hôm 1/10.
Hãng tin Axios của Mỹ đưa tin hôm 26/10 rằng các quan chức Mỹ và Israel đánh giá rằng Iran sẽ đáp trả bằng quân sự nhưng ở mức hạn chế.
Các quốc gia trên khắp thế giới đã lên tiếng phản ứng với vụ tấn công của Israel. Thủ tướng Anh Keir Starmer kêu gọi Iran không nên đáp trả và cho rằng Trung Đông cần “tránh leo thang căng thẳng khu vực thêm nữa”.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các cuộc không kích "có mục tiêu và tương xứng" của Israel nên là dấu chấm hết cho các cuộc giao tranh bằng hỏa lực giữa hai nước.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết Israel phải chịu “toàn bộ trách nhiệm” cho sự leo thang xung đột ở Trung Đông. Pakistan đã lên án các cuộc không kích của Israel vào sáng 26/10 và nhấn mạnh các cuộc tấn công này “phá hoại con đường dẫn đến hòa bình và ổn định khu vực”, theo Guardian.
Vấn đề Trung Đông
Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...